Về Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring

23/08/2017 13:07

​Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring (xã Đăk Long) là một trong bốn làng văn hóa du lịch cộng đồng của huyện Kon Plông. Làng nằm dọc theo Quốc lộ 24, cách trung tâm huyện lỵ 3km về hướng đông. Làng có 61 hộ, trong đó người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xê Đăng) chiếm trên 95%…

Đứng trên đồi thông dọc theo Quốc lộ 24 nhìn xuống Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring, chúng tôi thấy mái nhà rông vút lên cao bao quanh những ngôi nhà sàn ấm áp của đồng bào dân tộc Xê Đăng nơi đây đã bao đời nay sinh sống. Những sợi khói lam chiều vờn bay cùng sương mù mây núi đã làm cho làng quê Kon Pring thêm phần hoang sơ và huyền bí. Phía xa xa, những cô sơn nữ trên vai gùi những bó củi thong thả bước về làng trong ánh mặt trời vàng gác núi và thung lũng xanh Kon Pring giữa đại ngàn Trường Sơn hiện lên với muôn màu trong trẻo.

Mặc cho trời lâm thâm mưa, chúng tôi vẫn rảo bước vào làng theo con đường đã được bê tông hóa. Cô Nguyễn Thị Thùy Trang - nhân viên Tổ Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư huyện Kon Plông dẫn chúng tôi đến một vài hộ gia đình trong làng để tìm hiểu về cội nguồn của cư dân nơi đây.

Làng của người Mơ Nâm ở thôn Kon Pring, xã Đăk Long, huyện Kon Plông

 

Già làng Kon Pring - A Breng kể rằng, trong xã hội truyền thống của người Mơ Nâm ở Kon Pring, hình thức phổ biến là gia đình lớn sống tập trung gồm 3 - 4 thế hệ, nhưng hiện nay đã có sự phân chia thành những thế hệ gia đình nhỏ. Phần lớn người dân ở đây theo chế độ song hệ, nghiêng về phụ hệ, mẫu hệ rất hiếm. Luật tục, kiêng cữ được cộng đồng quy định để ứng xử với những người bị lỗi và phạm tội. Bữa cơm hàng ngày đạm bạc, món ăn không cầu kỳ; đặc biệt, rượu cần là một trong những thức uống truyền thống lưu giữ bản sắc dân tộc tại chỗ gắn kết với các dân tộc Tây Nguyên trong quá trình giao lưu, sinh hoạt cộng đồng.

Bên cạnh đó, hệ thống lễ hội của người dân tộc Xê Đăng ở đây diễn ra quanh năm. Trong đó phải kể đến lễ gieo mạ, lễ hội máng nước, lễ ăn lúa mới, lễ đóng cửa kho lúa, lễ hội mừng nhà rông... và các nghi lễ vòng đời người như: hỏi cưới, sinh đẻ, trưởng thành, qua đời…

Anh A Rvét – Thôn trưởng thôn Kon Pring tâm sự: Vừa qua, mình có tham gia đoàn tham quan, học tập các mô hình du lịch cộng đồng tại các tỉnh phía bắc, mình thấy làng mình cảnh quan đẹp. Bà con gìn giữ nhiều công trình kiến trúc mang đặc trưng riêng của người Xê Đăng nơi đây như: Nhà rông, nhà sàn, cồng chiêng, ẩm thực mang đậm nét dân gian; hệ thống sông Đăk Long với các con suối nhỏ chảy qua làng gắn kết với địa hình đồi núi, rừng thông bao quanh… Như vậy, làng mình sẽ đáp ứng cho du khách khắp nơi đến tham quan, ở lại nghỉ dưỡng tốt.

Chính những lợi thế đó nên Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring thời gian gần đây thu hút nhiều du khách đến thăm. Ai nấy đều trầm trồ khen ngợi khi thấy một làng du lịch của đồng bào dân tộc Tây Nguyên ẩn hiện dưới những cánh rừng thông vi vu trong gió. Du khách Vũ Hoàng Loan đến từ tỉnh Quảng Trị cho rằng: Làng du lịch cộng đồng này khá sạch sẽ. Nếu được ở lại qua đêm thì mới biết được cái thâm trầm của con người và đất trời Tây Nguyên bạn nhỉ. Hy vọng lần sau đến thăm lại Kon Pring sẽ có nhà trú chân.

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lân - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Mục đích của việc phát triển Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring là nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời nâng cấp cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch, trình độ dân trí, vị thế du lịch của huyện Kon Plông đối với cả nước cũng như quốc tế, thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu tại chỗ và phát triển nhiều loại hình sản phẩm dịch vụ, tạo việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, hiện nay, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring chưa được khai thác hiệu quả. Các dự án đầu tư được thu hút vào lĩnh vực du lịch -dịch vụ nhiều, tiến độ triển khai chậm. Cơ sở lưu trú du lịch tại làng chưa được đầu tư phát triển, các dịch vụ vui chơi giải trí chưa có, sản phẩm du lịch còn đơn điệu. Một số hộ gia đình có điều kiện đã tổ chức phục vụ, tiếp khách tham quan, du lịch theo hình thức ở tại nhà dân, nhưng chất lượng chưa cao.

Trước thực trạng đó, trong thời gian qua, UBND huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tham khảo một số mô hình làm du lịch cộng đồng và tổ chức tập huấn các lớp kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Phòng Kinh tế - Hạ tầng triển khai xây dựng đường giao thông nội bộ, xây dựng nhà vệ sinh công cộng, sân thể thao, lễ hội. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông và Dịch vụ nông lâm nghiệp thực hiện thành công việc ươm giống và trồng cây mai anh đào tại khuôn viên nhà rông, đường nội bộ vào làng Kon Pring. Tổ Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư huyện đã tổ chức một đoàn tham quan (có 5 hộ dân tham gia) học hỏi kinh nghiệm các mô hình du lịch cộng đồng tại các tỉnh phía bắc có nét tương đồng với huyện, trong đó làng Kon Pring đã có 5 hộ dân tham gia.

Đặc biệt, UBND xã Đăk Long đã triển khai thực hiện tốt quy chế hoạt động điểm du lịch cộng đồng và tổ chức tuyên truyền cho nhân dân thực hiện tốt việc ý thức bảo vệ vệ sinh môi trường đường làng, hộ gia đình, cá nhân theo đúng tiêu chí của làng văn hóa du lịch cộng đồng, đồng thời vận động nhân dân cải tạo nhà ở để đón khách du lịch lưu trú. Ngoài ra, bằng nguồn kinh phí của huyện tài trợ, UBND xã đã đầu tư xây dựng giếng nước và công trình vệ sinh công cộng, xây dựng 30 bảng nội quy dành cho cộng đồng, khách du lịch, công ty lữ hành và hướng dẫn viên...

Nằm trong chuỗi các dự án phát triển du lịch của huyện Kon Plông và của tỉnh, hy vọng rằng, trong tương lai không xa, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring sẽ là một địa chỉ thu hút du khách đến tham quan.

Bài và ảnh: Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác