Vang mãi cồng chiêng

15/01/2023 06:30

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (2005), sau đó được chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2008). Đây là niềm vui, tự hào không những của các DTTS Tây Nguyên mà còn là của nhân dân cả nước. Để cồng chiêng vang mãi, bay xa, thời gian qua, các ngành và địa phương trong tỉnh đã có nhiều việc làm thiết thực trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển di sản văn hoá đặc sắc này.

Hàng chục năm qua, nhiều nghệ nhân ở các thôn, làng vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã bỏ nhiều công sức, dày công vun đắp, “truyền lửa” niềm đam mê nghệ thuật cồng chiêng, múa xoang cho thế hệ trẻ với mong muốn di sản văn hóa truyền thống của dân tộc không bị mai một và mất đi bởi sự giao thoa, hòa nhập với nền văn hóa, văn minh hiện đại trong quá trình hội nhập và phát triển.

Ông A Plung, 73 tuổi, dân tộc Xơ Đăng (thôn Kon Kơ La, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà) là một trong những người như thế. Ông biết đánh cồng chiêng và biết chế tác các loại nhạc cụ âm nhạc dân tộc như đàn tơ rưng, đàn ting ning từ lúc trẻ. Ông đã miệt mài truyền dạy cồng chiêng, âm nhạc truyền thống cho hơn 60 thanh thiếu nhi ở địa phương.

Cũng như ông A Plung, 32 năm qua, bà Y Der, 58 tuổi, dân tộc Xơ Đăng (nhánh Sơ Đrá) ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà đã “truyền lửa” nghệ thuật múa xoang cho các cháu gái trong làng và các làng lân cận. Đến nay, bà đã truyền dạy hơn 50 cháu gái biết các điệu múa xoang của nhiều bài hát truyền thống về dân ca, giao duyên, mừng lúa mới, mừng nhà rông mới của dân tộc.

Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh lần thứ Nhất, năm 2022. Ảnh: ĐỨC THÀNH

 

Trong khi đó, A Sơn và Y Liên, 2 học sinh lớp 8 ở xã Ngọc Bay (thành phố Kon Tum) rất mê đánh cồng chiêng, múa xoang. Hơn 3 năm qua, 2 em theo học kỹ năng đánh cồng chiêng và múa xoang do các nghệ nhân của xã đến trường giảng dạy. Ngoài những tiết học ở trường, vào ngày nghỉ cuối tuần và dịp nghỉ hè, 2 em đến nhà nghệ nhân để học hỏi thêm cùng với các bạn. Đến nay, 2 em đã biết đánh thành thạo những bài cồng chiêng, những làn điệu múa xoang của dân tộc Ba Na.

Với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, định kỳ 2 năm một lần, Phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum tổ chức Liên hoan cồng chiêng - xoang, thi trang phục DTTS. Ông Thái Khắc Hòa - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum cho hay: Ngoài việc hướng dẫn học sinh múa xoang, đánh cồng chiêng, chơi đàn tơ rưng, các trường học còn phối hợp với địa phương tổ chức dạy văn hóa truyền thống. Những buổi hoạt động ngoại khóa, lễ hội đều có các đội cồng chiêng, múa xoang của nhà trường tham gia biểu diễn.

Theo bà Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở GD&ĐT, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ở môn Giáo dục địa phương, các trường đã đưa cồng chiêng, múa xoang vào dạy học. Bên cạnh đó, ở các thôn, làng, nghệ nhân đã hỗ trợ, phối hợp với nhà trường dạy cồng chiêng, múa xoang cho học sinh.

Tái hiện Lễ hội Bắc máng nước. Ảnh: Cao Cường

 

“Qua hơn 10 năm đưa cồng chiêng vào trường học, học sinh rất yêu thích và mong muốn được học để giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Không những vậy, nhiều trường cho học sinh mặc trang phục dân tộc khi đến trường hoặc trong các buổi chào cờ đầu tuần, lễ hội, ngoại khóa” - bà Phạm Thị Trung chia sẻ.

Cùng với công tác truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho thế hệ trẻ, thời gian qua, các địa phương còn quan tâm hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện giúp bà con các làng vùng đồng bào DTTS xây dựng, sửa chữa nhà rông, đặc biệt là nhà rông truyền thống - “không gian” của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Mặt khác, đầu tư kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở; mua cồng chiêng tặng cho các làng đồng bào DTTS chưa có cồng chiêng; phục dựng một số lễ hội, lễ nghi tiêu biểu, đặc sắc của đồng bào DTTS nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, từ nhiều năm qua, nhân các ngày lễ lớn, ngành Văn hóa, các địa phương tổ chức nhiều sự kiện như: Liên hoan văn hóa cồng chiêng, đàn hát dân ca - dân vũ, trình diễn nhạc cụ âm nhạc truyền thống; Ngày hội văn hóa - thể thao các DTTS. Đặc biệt, tỉnh đã cử nhiều đoàn nghệ nhân tham gia các sự kiện văn hoá cấp khu vực, quốc gia và trình diễn văn hóa cồng chiêng ở nước ngoài; qua đó đã giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các DTTS tỉnh Kon Tum với bạn bè trong nước và quốc tế. Và điều đáng nói là, thông qua việc tổ chức và tham gia các sự kiện văn hóa, đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong việc gìn giữ và phát huy vốn di sản văn hóa quý báu của các dân tộc.

Ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ: Cồng chiêng được bà con các DTTS gìn giữ, lưu truyền và sử dụng trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống như lễ mừng lúa mới, lễ mừng nhà rông mới, lễ cưới, lễ kết bạn; qua đó phát huy được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc.

Những năm qua, các cấp, các ngành triển khai thực hiện hiệu quả Đề án bảo tồn, phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Đến nay, toàn tỉnh có 406/487 thôn làng đồng bào DTTS tại chỗ có nhà rông truyền thống, có 2.500 bộ cồng chiêng; hàng trăm lớp truyền dạy cồng chiêng, chỉnh chiêng được tổ chức với sự tham gia đông đảo của cộng đồng các DTTS; những bài chiêng cổ được ký âm, lưu giữ trọn vẹn. Đặc biệt, sự xuất hiện của cồng chiêng trong nhiều hoạt động văn hóa - chính trị của tỉnh, đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong hành trình du khách khám phá, trải nghiệm văn hóa - du lịch Kon Tum./.

Cao Cường

Chuyên mục khác