23/11/2016 09:38
Hệ thống lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum rất phong phú và đa dạng. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa và dân tộc học, có thể chia làm 3 loại: những lễ hội xung quanh vòng đời người, những lễ hội liên quan đến quá trình sinh trưởng của cây trồng, những lễ hội liên quan đến sự tồn tại và phát triển của cộng đồng.
Cũng như hầu hết các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum quan niệm con người từ khi sinh ra đến khi chết phải trải qua một quá trình của các mối quan hệ ứng xử: cá nhân với cá nhân; cá nhân với cộng đồng; cá nhân, cộng đồng với đấng siêu nhiên (Yàng); do đó, vòng đời người cũng gắn liền với cả một hệ thống lễ hội tương ứng trong mỗi thời kỳ và trong mỗi tình huống cụ thể.
Một số lễ hội điển hình về chu kỳ vòng đời của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum được thể hiện như lễ cưới, lễ thổi tai, lễ cúng đau ốm, lễ tang...
Giống như vòng đời của một con người, cây trồng cũng có cả một quá trình sinh trưởng từ khi chọn đất, gieo hạt, đơm bông, kết trái và thu hoạch; do vậy, những nghi lễ được tổ chức kèm theo trong suốt quá trình gieo trồng của người dân.
Đồng bào tổ chức các lễ hội cầu mong cho cây trồng tươi tốt, không sâu bệnh, được mùa để đời sống của họ luôn luôn no đủ; bắt đầu từ lễ chọn đất, lễ phát rẫy, lễ trỉa lúa, lễ mừng lúa mới, lễ thu hoạch lúa, lễ mở cửa kho lúa... Trong hệ thống các lễ thức này, từ chọn đất đến thu hoạch lúa, quy mô thường nhỏ, lẻ ở phạm vi gia đình; còn lễ hội cúng mừng lúa mới và lễ mở cửa kho lúa là lễ hội lớn của cộng đồng.
|
Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Phan Văn Hoàng cho rằng, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, cộng đồng plei (làng) có một vai trò rất quan trọng, gắn kết chặt chẽ, chi phối toàn bộ mọi mặt đời sống của con người. Mọi thành viên đều phải có trách nhiệm với cộng đồng; ngược lại, cộng đồng chi phối mọi mặt đời sống của mỗi cá nhân riêng lẻ. Cá nhân bị đuổi khỏi cộng đồng là một hình phạt cao nhất, còn nặng nề hơn cái chết. Chính điều đó giải thích tại sao lễ hội cộng đồng luôn là những lễ thức đặc biệt quan trọng.
Lễ hội cộng đồng chỉ được tổ chức khi có những sự kiện, những biến động to lớn ảnh hưởng tới sự hưng vong của cả cộng đồng như lễ hội mừng chiến thắng, lễ hội cúng bến nước, lễ hội mừng giọt nước, lễ hội mừng nhà rông mới... Những lễ hội này thường có tục lệ dâng vật hiến sinh như trâu, dê, heo, gà.
Ngoài ra, các làng đồng bào dân tộc thiểu số đều có lễ kiêng làng. Nghi lễ này được tổ chức khi có cháy nhà, bệnh dịch lớn làm chết nhiều người và gia súc, bị sét đánh, có người chết sông chết suối, tai nạn... Khi đó, người ta rào làng – nội bất xuất, ngoại bất nhập. Trước lễ, người ta tắt hết lửa cũ trong bếp của các gia đình và để cộng đồng chuẩn bị mọi điều kiện cho lễ hội.
Kon Tum có nhiều thành phần dân tộc sinh sống; mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa đặc thù. Tuy nhiên, trong cái riêng đó, có nhiều nét tương đồng của sắc thái văn hóa vùng miền, mà lễ hội dân gian là không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, với các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tồn tại cùng với không gian và thời gian, kết nối với cộng đồng, tồn tại và phát triển trong một điều kiện địa lý – xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức.
Lễ hội bao trùm nhiều loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số như hệ thống các lễ thức, nghệ thuật diễn xướng dân gian, trang phục, nhạc cụ dân tộc, văn hóa rượu cần, cây nêu, hoa văn, họa tiết... và quan trọng hơn là sự kết nối cộng đồng thông qua hình thức sinh hoạt lễ hội.
Bởi vậy, việc bảo tồn những lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số trên cơ sở khai thác, phát huy và kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ những yếu tố lạc hậu để lễ hội thực sự là một không gian văn hóa cộng đồng hiện đang trở thành một yêu cầu có tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Cao Cường