20/09/2024 13:19
Thời gian qua, Trung tâm Bóng đá cộng đồng Đăk Hà (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) là địa chỉ tin cậy, thu hút nhiều thanh, thiếu nhi trên địa bàn huyện đến tham gia tập luyện. Hiện lớp dạy tại sân cỏ nhân tạo Hoàng Phúc và sân cỏ nhân tạo Trường Mầm non Duy Phương (thị trấn Đăk Hà) vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần với sĩ số từ 20- 40 em/lớp; riêng dịp hè thì tổ chức dạy tất cả các ngày trong tuần với số lượng học sinh rất đông.
Thầy Ngô Bảo Thanh hiện là huấn luyện viên tại Trung tâm Bóng đá cộng đồng Đăk Hà. Tốt nghiệp chuyên ngành Bóng đá (Trường Đại học Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh), thầy Thanh hiện đã có hơn 18 năm gắn bó với vai trò giáo viên Giáo dục thể chất tại Trường THPT Trần Quốc Tuấn (thị trấn Đăk Hà).
|
Trong thời gian công tác tại trường học, thầy Thanh luôn nuôi dưỡng niềm đam mê với trái bóng và khao khát “truyền lửa” cho thế hệ trẻ. Năm 2016, thầy Thanh quyết định đi học thêm lớp Huấn luyện viên bóng đá Futsal và chính thức mở lớp bóng đá cộng đồng nhằm tạo sân chơi cho các em học sinh sau những giờ học căng thẳng, đồng thời góp phần thúc đẩy phong trào thể dục thể thao tại địa phương, tìm kiếm và bồi dưỡng những em có năng khiếu.
Các lứa học trò do Trung tâm Bóng đá cộng đồng Đăk Hà đào tạo đã đạt nhiều thành tích cao tại các giải do tỉnh, ngành tổ chức. Tiêu biểu như: vô địch U11, U13 tại giải Bóng đá Thiếu niên- Nhi đồng tỉnh năm 2022, vô địch U14 giải Bóng đá Thiếu niên- Nhi đồng tỉnh năm 2024 cùng nhiều thành tích cao tại giải do các địa phương, ngành giáo dục tổ chức.
Cùng với thi đấu, nhiều em có năng khiếu được tạo điều kiện gặp gỡ, giao lưu và tuyển chọn vào các CLB bóng đá đào tạo trẻ chuyên nghiệp trên cả nước để phát triển tài năng như: có 2 em đang là học viên của CLB Futsal Thái Sơn Nam, 2 em đang theo học tại CLB Bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh, 2 em đang học tại CLB Juventus Bà Rịa- Vũng tàu, 4 em tại CLB năng khiếu Quảng Nam…
Thầy Ngô Bảo Thanh chia sẻ: Trong quá trình đào tạo bóng đá cộng đồng, tôi luôn tìm kiếm những em có tố chất chơi bóng để đào tạo, bồi dưỡng thêm. Qua đó, giúp các em có cơ hội phát huy năng lực, sở trường để hướng đến bóng đá chuyên nghiệp, tạo nguồn vận động viên trẻ cho thể thao của tỉnh.
Theo thống kê, huyện Đăk Hà hiện có hệ thống sân cỏ nhân tạo khá phong phú, đa dạng, tập trung ở một số địa phương như: thị trấn Đăk Hà (4 sân), xã Đăk Ui (1 sân), xã Đăk Hring (1 sân), xã Đăk Mar (1 sân)… Ngoài ra, tại sân thể thao cộng đồng tại các thôn, trường học đều có thể tận dụng để chơi bóng đá. Bộ môn này cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, nhiều em ở các xã vùng sâu vùng xa vẫn được phụ huynh chở ra trung tâm huyện Đăk Hà để theo học các lớp bóng đá cộng đồng.
|
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 98,5% xã, phường, thị trấn có sân chơi, bãi tập thể thao gồm sân bóng đá đáp ứng nhu cầu tập luyện. Thời gian qua, các hoạt động xã hội hóa để đầu tư sân cỏ nhân tạo, hỗ trợ các dụng cụ tập luyện cho môn bóng đá tại các trung tâm, cơ sở dạy bóng đá cộng đồng, các trường học trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh. Ngoài huyện Đăk Hà, nhiều địa phương khác cũng có phong trào phát triển mạnh như thành phố Kon Tum, huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy….
Theo ông Nguyễn Duy Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, thời gian qua, phong trào bóng đá trong lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng phát triển mạnh, thông qua việc tổ chức hệ thống giải đấu đa dạng, xuyên suốt ở tất các các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt tại khối trường học. Qua đó, góp phần phát hiện, nuôi dưỡng tài năng trẻ, góp phần thúc đẩy bóng đá chuyên nghiệp, thành tích cao trên địa bàn.
Trong thực hiện Đề án phát triển thể thao thành tích cao trên địa bàn tỉnh, bộ môn bóng đá đang được quan tâm đầu tư, nhất là ở tuyến trẻ. Hiện ngành Thể thao tỉnh đang tập trung tuyển chọn, đầu tư vào lứa U9- U11, dự kiến giai đoạn 2026- 2030 sẽ thành lập đội bóng U13 tỉnh để tập trung đào tạo và thi đấu, từng bước đưa bóng đá trẻ vào phát triển thể thao thành tích cao.
Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ huấn luyện viên, cộng tác viên bóng đá phong trào, xác định đây là lực lượng nòng cốt trong tổ chức các giải đấu phong trào, hoạt động bóng đá cộng đồng tại các địa phương.
Với những tín hiệu tích cực trong phong trào tập luyện và phát triển bóng đá trẻ cho thấy, tỉnh ta đang đi “đúng hướng” trong việc đầu tư phát triển bộ môn bóng đá. Tuy nhiên, để bộ môn bóng đá phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả hơn nữa rất cần nhiều nguồn lực để đầu tư dài hạn, bền vững. Trong đó, sự chung tay, ủng hộ nguồn lực của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội rất quan trọng.
Hoàng Thanh