Tu Mơ Rông: Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống

12/03/2021 13:02

Thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Qua điều tra sưu tầm, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông hiện nay có 108 bộ cồng chiêng, có trên 12 lễ hội tiêu biểu và có trên 50 nghệ nhân cồng chiêng. Vào các dịp lễ, kỷ niệm lớn hàng năm, huyện tổ chức Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc; trong đó tái hiện các lễ hội, trình diễn trang phục, biểu diễn nhạc cụ, đàn hát dân ca, dân vũ và các môn thể thao truyền thống. 

Việc bảo tồn và phát huy ngôn ngữ, chữ viết cũng được huyện quan tâm. Hàng tháng, Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thông và Du lịch huyện Tu Mơ Rông xây dựng, biên dịch chương trình phát thanh tiếng Xơ Đăng; Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện mở các lớp dạy tiếng dân tộc Xơ Đăng cho các bộ, công chức, viên chức người Kinh. Riêng đối với ngành Giáo dục - Đào tạo, ngoài khuyến khích việc thành lập đội cồng chiêng, múa xoang tại các trường học còn vận động giáo viên, học sinh người DTTS tự giác mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình ít nhất một tuần một lần. 

Cúng tạ thần linh - Một nghi lễ truyền thống của người Xơ Đăng. Ảnh: Q.Đ

 

Trong thời gian tới, huyện Tu Mơ Rông triển khai thực hiện nhiều giải pháp; trong đó việc đầu tiên là tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Quan tâm đầu tư xây dựng nhà rông truyền thống của người Xơ Đăng; từ vật liệu xây dựng, trang trí đến các vật dụng thờ trong nhà rông như trống thiêng, đầu trâu, giáo mác, dây cột trâu... Điều tra, thống kê các nghi lễ liên quan đến vòng đời người, quy trình sản xuất nông nghiệp cũng như sự tồn tại và phát triển của cộng đồng; từ đó có biện pháp, kế hoạch khôi phục và bảo tồn các nghi lễ này. Đầu tư kinh phí mỗi năm tổ chức một lễ hội tiêu biểu tại cộng đồng làng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân nâng cao nhận thức những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Mặt khác, UBND huyện Tu Mơ Rông chỉ đạo Phòng VHTT huyện triển khai  những giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn, phát triển những nét văn hóa đặc sắc của địa phương nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và khai thác tiềm năng, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Theo đó, Phòng VHTT huyện xây dựng giáo trình cụ thể nhằm giới thiệu cho lớp trẻ biết được cấu tạo của các loại nhạc cụ; phối hợp với chi đoàn thanh niên của làng, trường học mở lớp truyền dạy nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng, múa xoang cho học sinh. Ngoài truyền dạy về kỹ thuật đánh, phương pháp diễn xướng, bài bản của từng điệu chiêng, cần giáo dục cho lớp trẻ cách bảo quản cồng chiêng; chú trọng phương pháp truyền dạy truyền thống thông qua diễn xướng trong lễ hội để lớp trẻ vừa được diễn xướng, vừa học hỏi được kinh nghiệm từ các nghệ nhân lớn tuổi. Huy động các nghệ nhân chỉnh âm cồng chiêng truyền đạt lại kỹ năng cảm âm cồng chiêng cho các nghệ nhân trẻ tuổi. Có chính sách đãi ngộ để khuyến khích các nghệ nhân thực hiện trách nhiệm giữ gìn và truyền dạy cho lớp trẻ.

Ông A Ngọc Mít - nguyên Bí thư Huyện ủy Tu Mơ Rông rất tự hào khi nói về những bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Xơ Đăng của địa phương ông. Theo ông, văn hóa của người Xơ Đăng rất phong phú và đa dạng. Nổi bật là nghệ thuật tạo hình dân gian với lối kiến trúc nhà rông tiêu biểu, chế tác tượng nhà mồ; các loại nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, đàn tơ rưng, ting ning, k’lông pút; các làn điệu dân ca truyền thống. Hệ thống lễ hội của người Xơ Đăng diễn ra quanh năm, từ nghi lễ vòng đời người, nghi lễ nông nghiệp cho đến những lễ hội liên quan đến sự tồn tại và phát triển của cộng đồng, phần nào phản ánh được tín ngưỡng đa thần của dân tộc Xơ Đăng.

Thảo Nguyên

Chuyên mục khác