Tự hào giai điệu dân ca

25/12/2017 18:02

Trời rét căm căm nhưng từ sớm, người dân khắp các xã trên địa bàn huyện Đăk Hà đã đến quảng trường 24/3 để đón xem Liên hoan Đàn, hát dân ca và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Kon Tum năm 2017. Không phụ lòng người xem, các đoàn nghệ nhân đến từ 9 huyện, thành phố đã đem đến liên hoan những tiết mục đậm nét văn hóa truyền thống, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng.

Đặc sắc trang phục truyền thống

Sau tiết mục hoạt náo cồng chiêng vui nhộn, ngân vang để 9 huyện, thành phố “trình làng”, liên hoan chính thức bắt đầu với phần trình diễn các trang phục truyền thống.

Mỗi bộ trang phục truyền thống là niềm tự hào, thể hiện nguồn gốc, văn hóa đặc sắc, như mảnh đất, hồn làng của từng dân tộc. Hội ngộ tại liên hoan, với sự chuẩn bị công phu, các đoàn nghệ nhân đã trình diễn, giới thiệu đến người xem những nét đặc sắc nhất trong trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc của đoàn nghệ nhân Đăk Hà đã nhận được sự cỗ vũ nhiệt tình của công chúng. Ảnh: B.A

 

Dưới ánh điện sân khấu, những “người mẫu” không chuyên đến từ đoàn nghệ nhân huyện Sa Thầy đã cho khán giả thấy được những nét hoa văn, họa tiết giản dị trên chất liệu thổ cẩm trong những bộ trang phục truyền thống của dân tộc Gia Rai.

Những chiếc áo được may từ tấm vải sợi bông tự dệt nền đen, đường viền hoa văn chỉ màu chạy dọc hai sườn khoe được nét đẹp khỏe khoắn từ người mặc. Nhân vật già làng khoe chiếc áo chàm dài tay, chui đầu, có một mảng sợi màu đỏ làm khuy và khuyết cài từ cổ đến ngực.

Cùng với áo, chiếc khố là trang phục không thể thiếu của người Gia Rai nói riêng và các dân tộc tại chỗ ở Kon Tum nói chung. Tuy nhiên, bố cục và trang trí của khố dân tộc Gia Rai hoàn toàn khác, thể hiện rõ những nét đặc trưng và sắc thái văn hóa riêng.

Trên sân khấu, những chiếc khố vải chàm dài chừng 4m, rộng 0,3m được các nghệ nhân nam quấn hình chữ T, có đường viền hoa văn và buông tua chỉ nhiều màu ở hai đầu, rất nổi bật khi được kết hợp cùng với áo.

Nếu trang phục Gia Rai giản dị, mộc mạc thì dân tộc Giẻ Triêng đến từ huyện Đăk Glei lại thể hiện sự phóng khoáng, cá tính riêng trong từng bộ đồ truyền thống.

Dưới ánh đèn lung linh, những nghệ nhân nữ uyển chuyển trong từng bước đi với bộ váy dài; đầu váy, giữa thân và gấu váy được trang trí các sọc hoa văn màu đỏ trên nền chàm. Lối mặc có tính chất vừa váy, vừa áo đã tạo nên nét khác biệt, vừa đậm chất cổ truyền nhưng đồng thời cũng thể hiện sự hiện đại.

Đoàn nghệ nhân đến từ huyện Ia H’Drai lại mang đến một sắc thái tươi mới qua từng bộ trang phục của dân tộc Thái. Trong tiếng nhạc dập dìu, các nghệ nhân hút hồn người xem với sự duyên dáng, thanh lịch trong từng bộ áo váy.

Những tấm áo ngắn bó sát với người có hàng cúc bướm với nhiều màu sắc khác nhau của các cô gái Thái đã gây sự chú ý. Hàng khuy bạc chạy dọc theo thân áo bằng kim loại đã tạo nên nét đặc trưng của bộ trang phục, tượng trưng cho sự kết hợp nam với nữ, với ý nghĩa sự trường tồn của nòi giống.

Cùng với các bộ váy, áo, các thiếu nữ Thái còn gây điểm nhấn trong bộ trang phục với chiếc khăn piêu đặc trưng; đồng thời, thu hút mọi ánh nhìn với các trang sức vòng cổ, vòng tay, hoa tai, trâm cài tóc trên đầu, xà tích, cúc bạc… đặc trưng.

Đoàn nghệ nhân đến từ thành phố Kon Tum đã nhân thêm niềm tự hào với chiếc áo dài thướt tha thể hiện quốc hồn quốc tuý của dân tộc. Đồng thời đưa mọi người quay ngược thời gian về 30 năm trước với những bộ váy tứ thân đặc trưng của phụ nữ miền Bắc; những chiếc áo bà ba nhẹ nhàng, đằm thắm cùng chiếc khăn rằn của phụ nữ vùng Nam Bộ.

Mỗi trang phục với một nét riêng biệt, hòa chung với nhau làm sân khấu đêm liên hoan rực rỡ như một vườn hoa nhiều màu sắc.  

Mộc mạc giai điệu dân ca

Cùng với phần trình diễn các trang phục dân tộc đầy màu sắc, không khí như ấm lên khi các bản hòa tấu nhạc cụ mang âm hưởng núi rừng được vang lên.  

Khúc hát dân ca cổ Xê Đăng “Chim Jil” được thể hiện giản dị, mộc mạc trên nền cồng chiêng ngân vang và hòa tấu nhạc cụ dân tộc Xơ Đăng: Âm vang Tây Nguyên của đoàn nghệ nhân Đăk Tô đã thu hút người xem.

Không chỉ sâu lắng, nhẹ nhàng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc Ba Na: Mừng nhà rông mới của đoàn nghệ nhân huyện Đăk Hà đã làm nóng không khí tại quảng trường.

Già làng thắp ngọn lửa truyền thống. Ảnh: B.A

 

Trên sâu khấu, dưới sự chỉ dẫn, nhịp nhàng của “nhạc trưởng” già làng, các nghệ nhân cháy mình trong tiếng cồng, tiếng chiêng, nhịp t’rưng, klông pút nhịp nhàng. Các bạn nhỏ cũng áo cộc, đóng khố nhún nhảy, biểu diễn theo tiếng nhạc với tất cả niềm say mê, hào hứng.

Phía dưới, khán giả hò reo, nhún nhảy theo, nhiều người vội vàng lấy điện thoại để quay lại những tiết mục ấn tượng.

Hay tiết mục hát giao duyên Lời hẹn ước nhẹ nhàng, tình cảm, sâu lắng của dân tộc Giẻ Triêng đến từ huyện Đăk Glei như một lời tâm tình, đưa khán giả từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác.

Dưới cái lạnh, mọi người vẫn vỗ tay, nhún nhảy theo từng tiết mục. Có mặt trong cả 2 đêm khai mạc và bế mạc, em Nguyễn Thị Minh Nguyệt lớp 12, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đăk Hà xúc động: Lần đầu tiên em được xem một chương trình ý nghĩa như thế này. Các tiết mục được chuẩn bị với tất cả tâm huyết của các nghệ nhân đã đem đến cho em nhiều cung bậc cảm xúc, giúp em mở mang và biết được thêm nhiều điều. Em thật sự tự hào khi được sống trên mảnh đất nhiều sắc màu văn hóa từ 28 thành phần dân tộc.

Nhà ở thôn 2, xã Hà Mòn, ngay từ sớm, chị Phạm Thị Quý cũng lo cơm nước, mặc áo ấm, quấn khăn rồi chở con ra huyện để xem liên hoan. “Dù không hiểu tiếng của các dân tộc khác nhưng thực sự thấy rất hay. Từ các thanh tre, cây nứa, các dân tộc đã tạo nên những bản hòa tấu đặc sắc. Mình chở con đi để con biết thêm văn hóa dân tộc trên địa bàn, để cháu thêm yêu quê hương mình” - chị Quý phấn khởi.

Dưới cái lạnh căm căm, ngọn lửa đại ngàn cháy bừng sáng trong niềm hân hoan, phấn khởi của hơn 200 nghệ nhân và hàng trăm người dân. Ngọn lửa như xua tan cái giá rét, các nghệ nhân cùng với bà con nhún nhảy trong vòng xoang đoàn kết.

Liên hoan đã thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả và dư âm vẫn còn vang mãi. “Liên hoan là điểm đến, là cơ hội để các dân tộc giao lưu, giới thiệu, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa. Đây là một trong nhiều hoạt động, chương trình nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc” - ông Đỗ Quang Sực - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh chia sẻ.

Bình An

Chuyên mục khác