Trăn trở nghề đan

08/09/2022 06:03

Sau 50 tuổi, khi nghỉ hưu, ông A Gửi, làng Kroong Klah, xã Ngọc Bay (thành phố Kon Tum) mới mày mò học đan. Đôi tay không còn dẻo, việc tiếp thu cũng không nhanh như lớp trẻ, ông vẫn cố gắng học, để giữ lấy nghề đan lát. 

Phút chốc, ông A Gửi lại nóng ruột hỏi: Phỏng vấn xong chưa để già còn có việc. Hỏi ra, mới biết, ông vội để đan gùi giao cho khách. “Vừa rồi mới bán được 20 cái cho bà con ở các làng, các xã khác. Nay nhiều người đang đặt thêm nên già tranh thủ làm cho kịp” – ông A Gửi giải thích.

Xong việc, nán lại để nghe ông kể chuyện và xem ông đan gùi. Nhưng, câu chuyện không như tôi nghĩ. Chiếc gùi cũng không phải bằng mây, tre như tưởng tượng. Ông A Gửi đan gùi... nhựa.

Cầm ra một chiếc gùi đang đan dở bằng nhựa, đôi tay thoăn thoắt làm nhưng đôi mắt ông đượm buồn. Ông có vẻ ái ngại: Nếu đan gùi bằng tre nứa truyền thống thì già hăng hái kể, chứ gùi nhựa, già không muốn.

Ông A Gửi chuyển sang đan gùi bằng nhựa vì gùi làm bằng mây tre không bán được. Ảnh: HT

 

Mấy năm trước, ông A Gửi học và làm các sản phẩm bằng mây, tre truyền thống, vừa để giữ nghề, vừa kiếm thêm thu nhập. Nhưng sản phẩm làm ra lại không ai mua. “Không phải như thời trước, bây giờ, bà con lại chuộng đồ nhựa hơn đồ thủ công. Các sản phẩm mình làm ra chủ yếu để tự phục vụ trong gia đình. Sau này, đồ trong nhà cũng nhiều quá, sử dụng không hết nên mình ngưng đan. Nhưng để không quên tay nghề, theo yêu cầu mua hàng của bà con, mình chuyển sang đan gùi nhựa” – ông A Gửi giải thích.

Chiếc gùi bằng nhựa, theo ông A Gửi, bền và đảm bảo tốt các tính năng sử dụng như gùi bằng mây tre. Nhưng, về góc độ văn hóa thì gùi nhựa không thể thể hiện được.

Ông nói, gùi nhựa làm nhanh hơn, vì các nguyên liệu có sẵn trên thị trường, chỉ cần đặt mua là có. Còn, để đan được một chiếc gùi truyền thống, ông phải mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị công phu từ khâu chọn nguyên liệu đến các bước tạo ra hoa văn và hoàn thành sản phẩm. Thể hiện hoa văn trên gùi làm bằng mây, tre cũng yêu cầu tỉ mỉ, kĩ thuật, khéo léo hơn gùi nhựa rất nhiều. “Nhưng bây giờ, khi tốn rất nhiều công sức làm ra sản phẩm mà không có người mua, không có người ủng hộ, cũng buồn lắm”- ông A Gửi nói.

Ông biết và rất muốn giữ gìn bản sắc văn hóa qua từng sợi tre, sợi lạt, nhưng, suy cho cùng, gần 80 tuổi, khi đời sống chưa khá giả, ông vẫn muốn nghề đan giúp ông có thêm đồng ra đồng vào để phụ con cháu. Ông kể, khi làm gùi nhựa, 1 năm ông bán cũng được 60-80 cái. Bình quân, 200 ngàn đồng/cái, ông cũng có thêm thu nhập cho tuổi già.

Làm gùi nhựa có thu nhập nhưng trong tâm trí, ông vẫn trăn trở về những chiếc gùi, những sản phẩm thủ công truyền thống. Khi chúng tôi đưa ra một địa chỉ trên facebook chuyên bán các sản phẩm thủ công như gùi, rổ, nia... bằng tre, ông A Gửi rất hào hứng.

Ông tâm sự, ông già rồi, chỉ biết làm sản phẩm thật tốt, thật đẹp để có thể hữu xạ tự nhiên hương. Ông không biết cách quảng cáo hay sử dụng các phần mềm, các trang web để bán hàng. Nếu có người thu mua hoặc có người kết nối, giúp ông đưa được các sản phẩm mây, tre đến với mọi nhà, ông sẵn sàng làm gùi bằng tre, bằng mây để giữ lấy nghề truyền thống.

Như nhiều xã khác, ở Ngọc Bay, ngoài những người cao tuổi, hầu như chẳng mấy ai mặn mà với nghề đan lát. Do đó, việc giữ gìn nghề đan lát truyền thống nơi đây đang là bài toán khó, chờ lời giải. “Nếu có hợp tác xã về đan lát thì thật tốt. Chúng tôi, những người già sẽ làm. Và khi lớp trẻ thấy có thể sống được với nghề, may ra, họ mới học” – ông A Gửi nói.

Tâm tư của ông A Gửi cũng chính là trăn trở, nỗi niềm chung của những người mặn mà với nghề đan lát. Họ đau đáu, mong muốn giữ nghề, nhưng, nếu chỉ đan để phục vụ cho gia đình thì thật khó.

Trong cuộc chiến chống rác thải nhựa, việc sử dụng các sản phẩm bằng mây, tre thật sự hữu ích. Và bài toán đưa các sản phẩm thủ công đến được với mọi nhà, để người làm nghề đan lát sống được với nghề thì đến nay, vẫn đang chờ lời giải.   

Hoài Tiến

Chuyên mục khác