Tọa đàm “80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam và sự phát triển văn học, nghệ thuật Kon Tum”

26/12/2023 15:37

Sáng 26/12, Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức Tọa đàm “80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam và sự phát triển VHNT Kon Tum”. Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, cùng đông đảo văn nghệ sĩ trong tỉnh.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: NB

 

Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo năm 1943, là văn kiện đầu tiên của Đảng về văn hóa, văn nghệ có tác dụng to lớn định hướng phát triển văn hóa, văn nghệ suốt 80 năm qua. Đặc biệt, ba nguyên tắc vận động văn hóa “dân tộc hóa”, “khoa học hóa”, “đại chúng hóa” có sức sống mạnh mẽ, trường tồn. Đề cương về văn hóa Việt Nam thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Theo đó, bản Đề cương đã tạo ra sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng văn hóa cho nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ có tâm huyết, cổ vũ lòng tự hào dân tộc, khích lệ tinh thần dấn thân cho cách mạng, thật sự trở thành “ngọn đuốc” soi đường cho sự phát triển nền văn hóa mới.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu lắng nghe nhiều tham luận của các chuyên ngành và văn nghệ sĩ thảo luận, đề xuất phương hướng, giải pháp thiết thực, cụ thể để tiếp tục triển khai tinh thần của bản Đề cương về văn hoá Việt Nam 1943 đối với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Các đại biểu Chủ trì buổi tọa đàm. Ảnh: NB

 

NSƯT  Phạm Văn Hân - Phó Chủ tịch phụ trách Hội VHNT tỉnh, Giám đốc Trung tâm VHNT tỉnh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: NB

 

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Nghệ sỹ Ưu tú (NSƯT)  Phạm Văn Hân - Phó Chủ tịch phụ trách Hội VHNT tỉnh, Giám đốc Trung tâm VHNT tỉnh chia sẻ: Tọa đàm “80 năm Đề cương văn hoá Việt Nam và sự phát triển VHNT Kon Tum” là dịp để các cơ quan quản lý văn hóa và văn nghệ sĩ cùng nhìn nhận, hiểu sâu hơn và đưa ra những đánh giá, làm rõ các vấn đề cơ bản như: Quan điểm cơ bản về văn hoá, văn nghệ và giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, lâu bền của Đề cương về văn hoá Việt Nam; làm rõ quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung quan trọng của Đề cương trong việc xây dựng và phát triển VHNT Việt Nam nói chung và VHNT Kon Tum nói riêng; đề xuất định hướng và những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển để xây dựng và phát triển VHNT thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Trên cơ sở kết quả của Toạ đàm và từ thực tiễn sáng tạo VHNT, NSƯT Phạm Văn Hân mong muốn đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà tiếp tục nghiên cứu đưa đường lối của Đảng vào đời sống, quảng bá ngày càng sâu rộng văn hóa Việt Nam nói chung và văn hoá Kon Tum nói riêng, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ nền VHNT để có nhiều tác phẩm VHNT thể hiện chân thực đời sống nhân dân, dân tộc, giàu giá trị nhân văn và giá trị thẩm mĩ, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại.

Nhân dịp này, nhiều tác phẩm, ấn phẩm VHNT của các văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh được trưng bày để các đại biểu tham quan, thưởng lãm.

Nguyễn Ban

Chuyên mục khác