08/09/2024 06:17
Sinh ra trong một gia đình có 3 thế hệ đều biết tạc tượng gỗ dân gian, từ nhỏ, anh A Niêm (34 tuổi, ở làng Kon Du, xã Măng Cành) đã được ông và cha của mình dạy cách tạc tượng. Ban đầu, anh học cách cầm rìu, cầm dao, phân biệt các loại gỗ để tạc, các bước tạo tác và tìm hiểu ý nghĩa của từng bức tượng. Được ông và cha tận tình chỉ bảo, cùng với đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, năm 20 tuổi, anh đã có thể tạc được những bức tượng sinh động, độc đáo. Từ đó, anh được dân trong làng tin tưởng cử tham gia các buổi giao lưu, hội thi văn hóa do địa phương tổ chức và gia nhập nhóm tạc tượng của làng.
“Với người Mơ Nâm ở làng Kon Du thì tạc tượng gỗ để tái hiện hình ảnh và tưởng nhớ người thân, người cao tuổi trong làng đã mất. Cụ thể, đó là hình ảnh người đàn ông đánh cồng chiêng, cầm giáo, phụ nữ giã gạo, xách nước, địu con”- anh A Niêm cho biết.
|
Theo anh A Niêm, trước đây, mỗi khi dân làng cần tượng gỗ, đông đảo người già, nghệ nhân tập trung tại nhà rông cùng nhau tạc những bức tượng với đủ hình thù độc đáo. Tuy nhiên, khoảng 7 năm gần đây, số người biết tạc tượng trong làng thưa dần. Nhận thức được điều đó, anh cùng các nghệ nhân lớn tuổi đi tuyên truyền, vận động những thanh niên trong làng để truyền dạy nghề tạc tượng gỗ. Sau một thời gian thì một số thanh niên làng đã nhận thức sâu sắc hơn về việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Bằng sự kiên trì và nỗ lực trao truyền của anh A Niêm và những nghệ nhân lớn tuổi, thế hệ trẻ trong làng Kon Du ngày càng yêu thích tạc tượng gỗ. Cũng nhờ đó, hiện làng có gần 20 thanh niên biết tạc tượng gỗ.
“Từ lâu, nghề tạc tượng gỗ đã trở thành nét văn hóa đặc trưng và chứa đựng tín ngưỡng dân gian, tâm linh của cộng đồng Mơ Nâm. Tôi rất tự hào về nét văn hóa độc đáo này và cố gắng học hỏi, nâng cao tay nghề, chia sẻ kinh nghiệm với các thanh niên trong làng để cùng chung tay gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của ông, cha”- anh A Niêm chia sẻ.
Để người trẻ thêm yêu và gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, những năm qua, các thôn, làng đồng bào Mơ Nâm ở thị trấn Măng Đen đã tích cực tuyên truyền, vận động thanh thiếu niên, học sinh tham gia các đội cồng chiêng, đội văn nghệ quần chúng tại địa phương.
Đội cồng chiêng làng Kon Pring (thị trấn Măng Đen) duy trì tập luyện đều đặn nhiều năm nay với 25 thành viên tham gia, trong đó số lượng thanh niên trẻ chiếm 80%. Vào mỗi tối thứ 7, Chủ nhật, ai nấy đều tự sắp xếp thời gian tập trung tại nhà rông của làng để tập luyện đánh cồng chiêng, múa xoang.
|
Là một nghệ nhân trẻ của làng Kon Pring, anh A Hênh (31 tuổi) nhiều năm được các nghệ nhân lớn tuổi giao trọng trách truyền dạy cồng chiêng cho các thành viên trẻ trong đội. Anh A Hênh cho biết: “Cũng bởi lo sợ văn hóa của dân tộc bị mai một theo thời gian nên bản thân những người uy tín, già làng hay người trẻ như tôi đều thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân, thanh niên trong làng phải cố gắng giữ gìn tiếng chiêng, nhịp xoang”.
Dưới sự chỉ bảo tận tình của anh A Hênh, các thành viên trẻ của đội đã biết đánh nhiều bài chiêng đặc trưng của người Mơ Nâm. Hơn hết, các bạn trẻ đã hòa nhập và phối hợp nhịp nhàng với thành viên lớn tuổi trong đội. Từ đó, tạo nên một đội cồng chiêng bán chuyên nghiệp và được tham gia trình diễn tại nhiều sự kiện ở thị trấn Măng Đen. Đội còn thường xuyên được các nhà hàng, khách sạn tại địa phương mời tham gia biểu diễn, phục vụ khách du lịch. Trung bình mỗi lượt biểu diễn, đội sẽ nhận được từ 1,5 - 2 triệu đồng, qua đó, các thành viên có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
Em A Sơn (14 tuổi) - thành viên đánh cồng chiêng nhỏ tuổi nhất của đội chia sẻ: “Em còn nhớ buổi đầu làm quen với cồng chiêng em không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng được sự truyền dạy tận tình của các nghệ nhân, em đã làm quen và biểu diễn được nhiều bài chiêng. Tiếp xúc với cồng chiêng, được trực tiếp sử dụng, em càng cảm nhận được rõ hơn nét đẹp của văn hóa truyền thống, cũng như nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Đội cồng chiêng của làng là cơ sở bước đệm giúp em tự tin để nối tiếp truyền thống của ông, cha đi trước để lại”.
Ông Đặng Đình Toán- Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kon Plông cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, hàng năm, Phòng phối hợp với các cơ quan, ban ngành và các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống; mở các lớp tập huấn cồng chiêng, nghề truyền thống cho nghệ nhân, người dân. Đồng thời, huyện cũng quan tâm đến việc truyền nghề truyền thống, dạy cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca cho những thanh thiếu niên để các giá trị văn hóa truyền thống không bị mai một”.
Mai Vàng