19/04/2019 13:08
Bà Phan Thị Thu Hà - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Kon Tum cho biết: Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS trên địa bàn, thời gian qua, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân để họ hiểu, tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, phong tục tốt đẹp của dân tộc mình, từ đó phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tích cực. Thành phố cũng đã tăng cường đầu tư các thiết chế văn hóa như xây dựng, sửa chữa nhà rông truyền thống; tổ chức các ngày hội văn hóa ở khu dân cư; khôi phục, bảo tồn nghề truyền thống; khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, truyền dạy và giới thiệu nét văn hóa của đồng bào các DTTS...
Hàng năm, thành phố và các địa phương trên địa bàn tích cực tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, các hoạt động văn hóa văn nghệ, lễ hội với nhiều hình thức phong phú, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào các đội cồng chiêng, múa xoang; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ cho các đội văn nghệ quần chúng.
Đến nay, trên địa bàn thành phố Kon Tum có 97 đội cồng chiêng, xoang với khoảng 3.000 người biết đánh cồng chiêng; trong đó có 37 đội cồng chiêng, xoang lứa tuổi thanh thiếu niên. Đặc biệt, toàn thành phố có 45 thôn, làng có đội cồng chiêng phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ khi tổ chức các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh và của dân tộc. Trong số đó có các đội cồng chiêng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả như đội cồng chiêng kết hợp múa xoang thôn Kon Klor và thôn Kon Rơ Wang (phường Thắng Lợi), đội cồng chiêng và múa xoang xã Ia Chim, xã Vinh Quang...
|
Trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS không thể không nói tới công tác phục hồi, bảo tồn nhà rông và duy trì các hoạt động văn hóa truyền thống gắn liền với nhà rông. Hiện, trên địa bàn thành phố có 57/62 làng đồng bào DTTS có nhà rông, đạt tỷ lệ 91,9%; trong đó có 24 nhà rông được làm bằng nguyên vật liệu truyền thống, 5 nhà rông làm bằng nguyên vật liệu hiện đại, 28 nhà rông làm bằng nguyên vật liệu truyền thống và hiện đại...
Một trong những điểm nhấn trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các DTTS trên địa bàn thành phố là việc khôi phục và đưa nghề truyền thống phát triển. Tận dụng lợi thế về thị trường tiêu thụ, sự phát triển của ngành du lịch, thành phố Kon Tum đã vận động, hỗ trợ người dân các làng đồng bào DTTS khôi phục nghề dệt thổ cẩm và làm rượu ghè.
Hiện tại, thành phố Kon Tum có một số tổ hợp tác dệt thổ cẩm được hình thành và hoạt động có hiệu quả như: Tổ liên kết dệt thổ cẩm ở làng Plei Tơ Nghia (phường Quang Trung), Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Tây Nguyên ở làng Kon Klor (phường Thắng Lợi), Hợp tác xã dệt thổ cẩm phường Thắng Lợi với tổng số 140 người tham gia. Không chỉ có các nhóm, tổ dệt thổ cẩm mà nhiều gia đình tại các làng như Kon Jơ Dri, Kon Ktu (xã Đăk Rơ Wa) cũng đang duy trì, bảo tồn nghề truyền thống này.
|
Không chỉ có thổ cẩm, nghề làm rượu ghè những năm gần đây cũng có bước phát triển. Rượu ghè hiện nay không còn giới hạn trong khuôn khổ của mỗi làng hay địa bàn thành phố, mà đã trở thành loại hàng hóa được du khách, thương lái ở Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định… đặt hàng. Số lượng các cơ sở làm rượu ghè ngày càng nhiều, trong đó nổi lên những tên tuổi như Y Khuê, Y Xuân, Y Trang, Y Trí... Nhờ đó, người dân không chỉ giữ được nghề truyền thống của dân tộc mình mà còn “sống khỏe” nhờ nghề này.
Để gìn giữ và quảng bá nét văn hóa đặc trưng, đặc sắc của đồng bào các DTTS ở địa phương, những năm gần đây, thành phố Kon Tum còn chú trọng đến việc quy hoạch các làng đồng bào DTTS nội thành thành các điểm du lịch cộng đồng.
Đặc biệt, thành phố đã chú ý bảo tồn ngôi làng cổ Kon Ktu (xã Đăk Rơ Wa), xây dựng đây thành điểm du lịch cộng đồng với nhiều hoạt động gắn liền với văn hóa truyền thống như đưa khách đi tham quan, khám phá kiến trúc nhà ở của người dân; tổ chức biểu diễn cồng chiêng, giới thiệu những món ăn, sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào Ba Na với khách du lịch gần xa.
Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn thành phố Kon Tum đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân, góp phần xóa bỏ hủ tục, gìn giữ những tinh hoa. Đó cũng là tiềm năng để thúc đẩy du lịch trên địa bàn thành phố phát triển, mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế - xã hội cho cộng đồng và mỗi người dân…
Thiên Hương