Thành phố Kon Tum: Ấn tượng thể thao truyền thống tại Đại hội TDTT

01/04/2022 13:02

Thành phố Kon Tum hiện có 60 thôn, làng đồng bào DTTS, với hơn 51.000 nhân khẩu, chiếm 30,17% dân số toàn thành phố. Những năm qua, bên cạnh việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, thành phố tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là người DTTS đẩy mạnh rèn luyện thể dục, thể thao, bảo tồn và tiếp tục phát triển các môn thể thao truyền thống.

Tại Đại hội TDTT thành phố Kon Tum lần thứ VII đang diễn ra, bên cạnh một số môn thi được đông đảo cộng đồng người dân yêu mến, tập luyện thường xuyên như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ vua, cờ tướng…, còn có sự “góp mặt” của các môn thể thao truyền thống của đồng bào DTTS như kéo co, đẩy gậy, bắn ná (bắn nỏ), đi cà kheo.

Có thể thấy, các môn thể thao truyền thống của đồng bào DTTS thường dễ chơi, không phân biệt lứa tuổi, ít tốn kém kinh phí đầu tư hạ tầng, trang thiết bị. Tất cả đều gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất của người dân, mang tính cộng đồng cao, nên phù hợp để tổ chức trong các dịp lễ hội.

Thi đấu môn cà kheo. Ảnh: PN

 

Ở sân thi đi cà kheo, nội dung dành cho nữ, bà Y Ben (làng Kon Mơ Nay Sơ Lam 1, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) đã gây ấn tượng đặc biệt với ban giám khảo và đông đảo cổ động viên. Vóc người nhỏ nhắn, mảnh khảnh, tóc đã bạc nhưng đôi chân bà Y Ben vẫn vững vàng trên đôi cà kheo, bước đi thoăn thoắt, thành thục. Hỏi thăm mới mới biết, năm nay bà Y Ben đã 65 tuổi.

Bà Y Ben cho biết: Từ khi mới 10 tuổi tôi đã biết đi cà kheo. Ngày ấy, vào mùa mưa, trong làng rất lầy lội, người dân thường sử dụng cây cà kheo để di chuyển khỏi bị ướt, lấm chân, tay, hoặc đi qua mương, qua suối nhỏ đến ruộng, rẫy. Đa số người dân trong làng khi đó đều biết đi cà kheo. Vào các dịp lễ, hội của làng, bà con thường tổ chức các cuộc thi đi cà kheo xem ai nhanh hơn. Đến nay, làng vẫn còn duy trì và truyền dạy đi cà kheo cho con cháu.

Các cuộc thi đi cà kheo tại các lễ hội trong làng luôn thu hút đông đảo bà con tham gia, tạo không khí vô cùng náo nhiệt. Cũng qua đó mà tinh thần đoàn kết, gắn bó trong dân làng được nâng cao hơn- bà Y Ben nói.

Các vận động viên tham gia thi môn bắn nỏ. Ảnh: PN

 

Chia tay bà Y Ben, chúng tôi gặp anh Yu Yin (31 tuổi, thôn Kon Jơ Drẻ Plơng, xã Đăk Blà) tham gia thi đấu môn bắn nỏ. Vừa chăm chú chuẩn bị cây nỏ để thi đấu, anh Yu Yin vừa cho biết đã sẵn sàng cho nội dung thi của mình. Khi được hỏi về bắn nỏ, anh vui vẻ cho biết: “Trước kia, cây nỏ rất gần gũi với người dân trong làng. Người dân thường sử dụng nỏ để săn bắn thú rừng, gà rừng, chim rừng làm thức ăn. Hiện nay, cuộc sống người dân đã ngày càng phát triển, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã cũng được nâng lên, nên việc sử dụng nỏ để săn bắn đã giảm hẳn, thay vào đó, bà con tập luyện bắn nỏ như một môn thể thao, rèn cho tay cứng, mắt tinh.

Theo anh Yu Yin, để bắn nỏ mạnh, mũi tên đi xa và chính xác đòi hỏi phải có một cây nỏ tốt, làm bằng các loại gỗ cứng như trắc, hương, cà te,  phần cánh nỏ phải có độ cứng, độ chịu lực, đàn hồi tốt, dây nỏ dẻo, đàn hồi phù hợp. Đồng thời, người bắn nỏ phải nắm vững kỹ thuật, trước tiên là đứng đúng tư thế; tay cầm nỏ phải chặt, thẳng tay, không bị rung giật, khi bắt đầu bắn phải nín thở.

Tại các buổi thi đấu, mỗi khi mũi tên được bắn trúng vào hồng tâm, khán giả đều khen ngợi, vỗ tay không ngớt để cổ vũ các vận động viên. Bên cạnh đó, các môn thể thao truyền thống của đồng bào DTTS khác như kéo co, đẩy gậy cũng có rất nhiều trận thi đấu kịch tính, hấp dẫn, lôi cuốn khán giả.

Có thể nói rằng các môn thể thao truyền thống của đồng bào DTTS đã và đang để lại ấn tượng tốt đẹp, có sức hút mạnh mẽ tại Đại hội TDTT thành phố Kon Tum lần thứ VII. 

Phan Nghĩa

Chuyên mục khác