13/05/2017 08:46
Thật may mắn, vào ngày đầu tháng 5 lịch sử này, chúng tôi có chuyến công tác tại tỉnh Bình Thuận. Thời gian có hạn, nên địa chỉ duy nhất chúng tôi lựa chọn đến tham quan, tìm hiểu là ngôi trường Bác Hồ đã từng dạy học. Được tận mắt chứng kiến, lại được anh bạn đồng nghiệp ở Báo Bình Thuận tận tình giới thiệu khá cụ thể, chi tiết, đã giúp chúng tôi hiểu đầy đủ, rõ nét hơn về ngôi trường có ý nghĩa đặc biệt này.
Theo tư liệu, Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 trên phần đất của gia đình nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông. Đây là ngôi trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ nhất lúc bấy giờ và vang danh khắp nơi. Ý nghĩa tên trường Dục Thanh là “Giáo dục thế hệ thanh thiếu niên thức dậy ý thức dân tộc”…
|
Vào cuối tháng 8/1910, trên đường đi tìm đường cứu nước, từ Huế, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành được người bạn đồng liêu cũ của cha giới thiệu đến Phan Thiết dạy học tại ngôi trường này. Khi đó trường chỉ có khoảng 60 học sinh với 7 thầy giáo, Nguyễn Tất Thành là thầy giáo trẻ nhất. Cùng với dạy chữ Quốc ngữ và Hán văn, thầy còn truyền bá cho học sinh lòng yêu dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, yêu thương con người qua từng buổi học.
Sau khoảng hơn 5 tháng dạy học tại đây, tháng 2/1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã rời trường Dục Thanh với giấy thông hành tên Văn Ba để vào Sài Gòn lên tàu vượt đại dương đi tìm đường cứu nước. Tuy thời gian giảng dạy tại trường không dài, nhưng với đức độ và bầu nhiệt huyết, thầy Thành đã được các đồng nghiệp, học sinh và người dân Bình Thuận yêu thương hết mực, đồng thời ngôi trường này cũng đã để lại nhiều ấn tượng, kỷ niệm sâu sắc trong lòng Bác về nghề dạy học.
Do nhiều lý do lịch sử nên trường Dục Thanh đã đóng cửa vào năm 1912. Từ năm 1978 đến năm 1980, trường Dục Thanh được trùng tu, tôn tạo lại nguyên gốc như lúc Bác Hồ dạy học, nhờ những ký ức, kỷ niệm của các học trò cũ của trường. Riêng phần di tích cũ vẫn còn nguyên vẹn, gồm cây khế do cụ Nguyễn Thông trồng, đến nay sau hơn 100 năm vẫn xanh tốt và giếng nước được xây bằng gạch- nơi hàng ngày thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường múc nước sinh hoạt, tưới cây trong vườn.
|
Đến thăm Khu di tích, cảm xúc như trào dâng khi chúng tôi bước vào lớp học với 4 bức tường gỗ giản dị, mái ngói rêu phong. Trong lớp có 21 bộ bàn ghế học sinh, được kê thành 3 dãy ngay ngắn, 2 tấm bảng đen phía 2 bên lớp học và bộ bàn ghế của giáo viên, nơi Bác từng ngồi giảng bài…Một không gian sạch sẽ, ấm cúng, có cảm giác như lớp học vẫn đang được duy trì hàng ngày.
Cùng đi với chúng tôi, nhiều du khách đã không kìm được nước mắt khi được ngắm nhìn những hiện vật đơn sơ đang được lưu giữ tại đây, đó là bộ trường kỷ Bác ngồi, chiếc án thư, tráp văn thư, nghiên mài mực, 1 cái khay và 3 cái ly nhỏ, chiếc tủ đứng Bác để tư trang cá nhân và bộ ván gỗ Bác ngủ mỗi đêm…
Tận mắt nhìn lớp học, ngắm những hiện vật thiêng liêng gắn liền với thời gian dạy học của Bác, chúng tôi như thấy Bác vẫn đang hiện diện ở đây, nhìn chúng tôi với ánh mắt trìu mến, thân thương.
Được biết, sau gần 40 năm hoạt động, Khu di tích lịch sử Trường Dục Thanh đã đón hàng chục triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu học tập. Đây còn là nơi tổ chức các buổi sinh hoạt giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ; là trường học giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho mọi người. Đặc biệt, trong những năm gần đây, địa chỉ này còn là nơi tổ chức triển lãm giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của toàn quốc và tỉnh Bình Thuận. Những tài liệu, hiện vật, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của Bác được trưng bày tại Khu di tích Trường Dục Thanh và Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận (đối diện khu di tích) đã giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về phong cách sống giản dị, đạo đức trong sáng, tình yêu thương con người, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân…của Bác Hồ kính yêu.
Đến thăm Trường Dục Thanh trong những ngày cả nước đang ra sức thi đua lập nhiều thành tích hướng đến kỷ niệm sinh nhật Bác, chúng tôi càng nhớ Bác, kính yêu Bác nhiều hơn. Những người làm báo chúng tôi xin hứa với Bác sẽ không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, học tập, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, luôn cố gắng phấn đấu để xứng đáng là “những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng – văn hóa” của Đảng, như lời Bác đã dạy.
Hoàng Thúy