Tháng 3 về Kon Jong ăn “Tết làng”

05/03/2017 18:01

Trong chuyến công tác về xã Ngọc Réo (huyện Đăk Hà) những ngày cuối tháng 2, chúng tôi được già A Lát – Bí thư chi bộ và là người có uy tín của thôn Kon Jong (xã Ngọc Réo) gửi lời mời: “Tháng 3, về Kon Jong ăn Tết làng”.

Chỉ lời mời mộc mạc của già A Lát vậy thôi mà lại có sức hút mãnh liệt đối với chúng tôi, bởi “Tết làng”- chỉ với hai từ đó thôi, với tôi đã thật lạ và độc đáo.

Già A Lát cho biết, trước đây, vào thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3 - khi bà con dân làng dọn nương rẫy xong, chuẩn bị bước vào mùa rẫy mới thì ông cùng cán bộ xã (khi còn làm cán bộ xã Ngọc Réo) luôn được mời về các thôn để đón “Tết làng”, đây là phong tục truyền thống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng – Tơ Đrá ở xã Ngọc Réo. Thời điểm tổ chức “Tết làng” là giống nhau nhưng thời gian cụ thể mỗi làng tổ chức là khác nhau, tùy theo quy ước của làng.

“Tết làng” theo tiếng Xê Đăng – Tơ Đrá là “Pơ Leh”, là dịp để mọi người trong gia đình và bà con dân làng quen biết gần xa gặp gỡ, đến thăm hỏi sức khỏe nhau, cũng là dịp để dân làng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa rẫy sắp tới bội thu – già A Lát giảng giải- quan niệm và phong tục truyền thống của người Xê Đăng-Tơ Đrá là như vậy. Tết làng được tổ chức dưới góc độ gia đình và cộng đồng làng; tức vừa tổ chức tại mỗi gia đình, vừa tổ chức tại nhà rông của làng.

Đúng hẹn với già A Lát, từ sáng sớm, chúng tôi đi ngược từ hướng Đăk Cấm (thành phố Kon Tum) về xã Ngọc Réo. Con đường dẫn về làng Kon Jong bây giờ rất thuận lợi. Men theo tỉnh lộ 671 khoảng hơn chục cây số, chúng tôi rẽ vào con đường bê tông phẳng lì chạy thêm vài cây số nữa là đến làng. Hai bên con đường dẫn vào làng Kon Jong được phủ kín bởi những vườn cao su, bời lời tốt tươi…

Già A Lát (trái) cùng bà con dân làng Kon Jong cùng nhau uống rượu ghè vui tết làng tại nhà rông của làng.Ảnh: T.Q

 

Thấy chúng tôi lên đón “Tết làng” cùng, già A Lát vui lắm. Vừa chế biến món ăn, già vừa kể chuyện: Sáng nay, ông già dậy thật sớm để đi chia thêm ít thịt heo với người bà con, rồi bẫy con gà nuôi ngoài vườn để làm thịt đãi khách. Hôm qua, nhà ông già cũng vui không kém, bởi ông cho xả ao cá phía sau nhà để chia cá cho bà con dân làng về ăn tết. Cái ao này ông già tự đào được 3 năm nay, rồi tự mua cá giống về bỏ vào đó nuôi, vừa cải thiện bữa ăn hàng ngày cho gia đình vừa để dành dịp “Tết làng” chia cho bà con mỗi người một ít...

Già A Lát cho biết, sở dĩ già làm như vậy vì theo phong tục trước đây của dân làng, để chuẩn bị cho “Tết làng”, ngoài việc phải đi bẫy con sóc, con chuột trong rừng cả tháng trước đó về treo gác bếp thì trước “Tết làng” một ngày, cả làng còn cùng nhau kéo ra suối bắt cá về chế biến thêm món ăn để “bàn tiệc” đãi khách thêm phong phú hơn. Nhưng bây giờ hầu hết các con suối đã cạn, cá cũng không còn nhiều như trước nữa nên nhớ về nét văn hóa truyền thống già cố gắng duy trì việc làm này từ nhiều năm nay để tạo không khí “Tết làng” thêm vui nhộn và nhắc nhở con cháu giữ phong tục truyền thống.

Làng Kon Jong có 78 nóc nhà. Sáng nay đón “Tết làng” nên nhà nhà quét dọn thật sạch sẽ. Sáng sớm, nhiều nhà đã đỏ lửa để nướng cá, thịt, cơm lam… Gian bếp của nhà già làng A Duah cũng đỏ lửa từ rất sớm. Hơn chục ống cơm lam được con trai, con gái của già làng ngồi nướng.

Con trai của già A Duah tên A Hên nhóm một bếp lửa riêng bên hông nhà để nấu món thịt chuột với cà đắng. A Hên cho biết, chuẩn bị cho Tết làng, cả tuần nay, anh đi bẫy được hơn chục con chuột, sóc về làm sạch sẽ rồi treo trên gác bếp để sáng nay, anh đã dậy thật sớm chế biến các món ăn.

Đối diện nhà già làng A Duah là gia đình vợ chồng trẻ Y Hoa - A Tuân. A Tuân kể, hai vợ chồng lấy nhau hơn chục năm rồi. Trước đây cuộc sống mới ra riêng cũng khó khăn lắm nhưng nhờ chăm chỉ làm ăn nên bây giờ cũng đã trồng được 2 sào lúa nước, 1ha mì, 5 sào cao su, 5 sào bời lời. Trồng lúa mỗi năm 2 vụ nên năm nào cũng dư cái ăn. Năm nay, 5 sào cao su cũng cho thu hoạch nên gia đình đón “Tết làng” tươm tất hơn mọi năm.

Từ tờ mờ sáng, Y Hoa đã tranh thủ dậy thật sớm để nướng cơm lam; giã gạo, cắt lá Hơ Lăng (một loại rau được lấy từ rừng ngày hôm trước) để nấu món cháo bột. Còn A Tuân thì phụ với vợ để chế biến món thịt sóc nấu ống lồ ô, nướng cá…

Vợ chồng Y Hoa-A Tuân chuẩn bị món ăn đãi khách trong ngày Tết Pơ Leh. Ảnh: T.Q

 

Chế biến xong món ăn đâu vào đấy, vợ chồng A Tuân - Y Hoa mời chúng tôi ở lại uống rượu ghè và ăn các món ăn truyền thống của người Xê Đăng - Tơ Đrá. Các món ăn của bà con được chế biến rất dân dã, mộc mạc, không nhiều gia vị nên giữ được hương vị riêng rất độc đáo.

Ấn tượng nhất với chúng tôi là món cháo bột nấu với thịt sóc và lá Hơ Lăng. Món cháo không quá đặc được Y Hoa trổ tài nấu, vừa chín tới chị đã múc ra mời chúng tôi. Húp chén cháo bột bốc khói nghi ngút quyện với mùi thơm của rau rừng, vị ngọt của thịt sóc và chút cay cay của ớt thật ấm áp, chan hòa tình cảm giữa tiết trời vẫn còn lành lạnh.

Ăn hết chén cháo, Y Hoa mời chúng tôi dùng tiếp cơm lam. Gạo nếp mới thu ở rẫy về dẻo thơm nướng trong ống lồ ô được tước ra chấm với muối ớt giã cùng rau rừng thơm ngon, cay nồng thật độc đáo.

Rời nhà già làng A Duah, Y Hoa - A Tuân, chúng tôi trở lại nhà của già A Lát cũng đã trưa. Món ăn đã được già bày biện lên mâm sẵn sàng. Con cháu của già từ thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà cũng về đông đủ.

Già A Lát phấn khởi: Vui mừng nhất là bà con dân làng giữ được phong tục truyền thống. Hàng năm, dù đi làm ăn ở đâu xa, cứ đến ngày “Tết làng” con cháu không quên về quần tụ bên nhau, thăm hỏi và chúc sức khỏe nhau.

Ăn uống ở nhà xong, đúng 12h trưa, khi nghe tiếng kẻng báo hiệu của già làng, gia đình già A Lát cùng bà con dân làng Kon Jong mang rượu ghè và ít thức ăn của gia đình mình đến nhà rông để chung vui với bà con dân làng.

Tại nhà rông, mỗi gia đình chọn một góc nhỏ để đặt ghè rượu và các món ăn. Gia đình nào ngồi theo gia đình nấy. Sau khi già làng làm lễ cầu nguyện Giàng phù hộ cho bà con dân làng sức khỏe và mùa rẫy sắp tới bội thu, các hộ gia đình lần lượt đi mời nhau, cùng thưởng thức rượu cần và món ăn do các gia đình đã chuẩn bị sẵn.

Ngày “Tết làng” nên nhìn tổng thể các món ăn của bà con dân làng chuẩn bị hầu hết là các món ăn truyền thống. Nhiều nhất là món thịt chuột nấu với cà đắng, thịt chuột nấu với gừng, thịt sóc nấu với rau rừng (hoa chuối rừng, lá Hminh, đọt mây), đọt mây luộc chấm muối ớt, món gỏi kiến chua, cá suối nướng, cháo bột (bột gạo, thịt sóc, lá Hơ Lăng)…

Nhiều gia đình có khách từ phương xa đến cũng nhanh chóng hòa mình vào không khí “Tết làng” của bà con nơi đây. Mọi người cùng nhau ăn uống, nói chuyện vui vẻ.

Nhà thơ Tạ Văn Sỹ (sinh sống ở thành phố Kon Tum) cho biết, đã 30 năm rồi ông mới trở lại làng Kon Jong để đón “Tết làng” cùng bà con. Không khí “Tết làng” xưa cũng như nay vẫn giữ được sự vui nhộn, gắn kết cộng đồng thật đáng quý. Ngồi vít hơi rượu cần, chăm chú lắng nghe nhiều câu chuyện kể về cuộc sống, về sự đổi thay của bà con dân làng nơi đây, trông ông thật dạt dào cảm xúc…

Khi hơi men rượu cần bắt đầu tỏa mùi thơm nồng nàn, già làng ra tín hiệu cho cồng chiêng nổi lên. Theo nhịp điệu của cồng chiêng, các chàng trai, cô gái trong làng mời các vị khách cùng nhau nối vòng xoang nhảy múa thật vui nhộn cho đến khi mặt trời khuất dần sau ngọn núi.

Tú Quyên

Chuyên mục khác