03/04/2018 07:01
Từ thị trấn Sa Thầy, theo Tỉnh lộ 675a về xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy) khoảng 8km, đưa chúng ta đến với Trung tâm “Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật” thuộc Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Ngay phía trước Trung tâm, một cổng chào lớn mộc mạc được xây bằng vật liệu bê tông giả gỗ, tạo cảm giác rất gần gũi thân thiện với thiên nhiên.
Sau thủ tục hành chính khá đơn giản là khai báo số lượng thành viên, nội dung, mục đích chuyến đi của đoàn với bộ phận trực tại Trung tâm, chúng tôi được anh Trần Quốc Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách hướng dẫn tham quan các khu nhà kỹ thuật, trong đó có nhà lưới nhân giống lan rừng Chư Mom Ray.
Anh Tuấn cho biết: Hiện nay, tại đây đã nhân giống thành công khoảng 120 loài lan rừng, trong đó có những loài rất quý hiếm như dã hạt, hoàng phi hạc, long tu lào, …
Quan sát kỹ, màu sắc và cấu tạo hoa của các loài lan này khá độc đáo, ẩn chứa những bí mật của tạo hóa. Đây chắc chắn sẽ là những món quà lưu niệm đầy ý nghĩa và hài lòng đối với du khách trong thời gian tới.
|
Với mục đích tận hưởng cảnh quan thiên nhiên, chúng tôi kiểm tra lại ba lô hành lý cá nhân, đi bộ men theo lối mòn hướng lên thác Khỉ. Qua cây cầu bê tông nhỏ, giả gỗ vắt ngang con suối cạn, hai bên đường là những trà sa nhân tím được huyện Sa Thầy trồng thử nghiệm dưới tán rừng. Loại cây này đang hứa hẹn mở ra sự lựa chọn đầy triển vọng cho việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn.
Đi bộ khoảng 15 phút, chúng tôi đến Trạm sấu dừng chân giữa rừng. Nơi đây đã xây dựng hai căn nhà sàn, mái lợp tôn, lát đá hoa sạch sẽ, các phía đều để trống thoáng mát. Dòng suối nhỏ nước trong vắt uốn quanh, những cây cổ thụ lừng lững, gốc rễ xù xì.
Đã nhiều năm nay, vào các dịp ngày lễ, tết, kỷ niệm… có rất nhiều đoàn tổ chức vào đây dã ngoại, sinh hoạt cộng đồng. Thực ra xe ô tô và xe máy đều có thể đến tận đây, nhưng như vậy sẽ không còn sự kỳ thú của chuyến đi, nên hầu hết mọi người đều chọn phương án “cuốc bộ”.
Chúng tôi ngồi tựa lưng vào lan can nhà sàn vừa uống nước, nghỉ ngơi và ngắm cảnh núi rừng. Anh Tuấn kể: Những ngày cao điểm như mùng 8 tháng 3 hay 20 tháng 11 hằng năm, có khi cả hàng trăm người đến đây. Trung tâm cũng phải cử cán bộ đến để nhắc nhở giữ vệ sinh, nhất là tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Tuy nhiên các đoàn đã vào đây đều ý thức tự giác tốt lắm, ít khi có những hành động vi phạm.
Từ đây đến thác Khỉ khoảng chừng gần 1km, có lối mòn đi bộ được lát bằng những viên đá tự nhiên. Con đường nhỏ ngoằn ngoèo, uốn quanh các gốc cây đại thụ ngàn năm, thân khoảng 7-8 người ôm. Không gian trong lành, tĩnh lặng tạo cảm giác nhẹ thênh, thư thái. Lối đi vượt dốc lên mãi, những người ít kinh nghiệm và vội vã thường hay phải dừng chân nghỉ từng quãng ngắn. Ngước nhìn tàn cây trên cao đến mỏi cổ, le lói chút ánh nắng đậu trên tán lá bằng lăng, đinh hương... Thỉnh thoảng vọng xuống tiếng chim hồng hoàng tìm bạn, tiếng lào xào của những chú sóc chuyền cành. Đoạn đường dù ngắn nhưng đủ để thử sức dẻo dai của mỗi người. Những tảng đá nguyên sơ đồ sộ bên phải lối đi, thường là nơi dừng chân sớm cho những du khách dễ hài lòng và chưa đủ quyết tâm chinh phục.
Thác Khỉ nằm ở độ cao khoảng 700m. Đây là tên do người dân địa phương thường gọi, bởi mỗi khi vắng người là đàn khỉ lại kéo đến nô đùa, có khi lên đến hàng trăm con. Từ trên cao khoảng gần 20m, vào mùa khô dòng nước đổ xuống thành ba chặng liền nhau mềm mại. Đương nhiên mùa mưa thì chỉ còn một chặng và ào ào như giông bão. Đá, nước và không gian âm u làm cho chúng ta như hòa quyện với thiên nhiên. Sau đoạn đường vượt dốc, ngả lưng tựa vào những tảng đá, thả đôi chân mệt mỏi cho dòng nước mơn man, ngắm nhìn không gian kỳ vĩ, ta lại thấy sinh lực dồi dào. Hẳn không ít người sẽ trầm trồ trước sự tuyệt diệu của thiên nhiên.
Trong Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum năm 2018 sắp tới, dự kiến nơi đây sẽ được chọn để công nhận và giới thiệu điểm du lịch sinh thái mới của Vườn quốc gia Chư Mom Ray.
TRẦN VĂN TIÊN