Tản mạn bên dòng Pô Kô

16/01/2022 13:03

Sông Pô Kô khởi nguồn từ dãy núi Ngọc Linh hùng vĩ (huyện Đăk Glei), chảy qua các huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà, Sa Thầy và thành phố Kon Tum, hợp lưu với sông Đăk Bla tạo thành sông Sê San, rồi chảy ngược sang nước bạn Campuchia.

Sông Pô Kô đã đi vào thơ ca một cách sinh động, gần gũi như hơi thở cuộc sống và gắn liền dòng chảy văn hóa: “Hỡi Pô Kô ơi! Dòng sông mênh mông. Đôi bờ cây xanh biếc, nước chảy sâu thẳm. Qua tháng ngày, hỏi sông ơi có biết. Anh lái đò tên gọi A Sanh...” (Người lái đò trên sông Pô Kô - thơ: Mai Trang; nhạc: Cố nhạc sĩ Cẩm Phong).

Sống ở Kon Tum gần 30 năm, tôi đã đi dọc đôi bờ sông Pô Kô không biết bao nhiêu lần. Trong quá trình tác nghiệp, tôi đi qua nhiều thôn làng nằm dọc bờ sông Pô Kô thuộc các huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà, Sa Thầy và thành phố Kon Tum, được tận mắt chứng kiến những đổi thay ở những vùng đất này. Vào những ngày cuối đông 2021, tôi có dịp trở lại bên dòng Pô Kô khi những rặng hoa cúc quỳ nở vàng trên bờ sông. Hai bên sông, những cánh rừng cao su thẳng tắp nằm xen lẫn những vườn cà phê chín đỏ, chạy tít tắp tới chân núi phía xa, tạo nên một không gian xanh mênh mông dưới bầu trời cao nguyên.

Trải nghiệm du lịch lòng hồ thủy điện Plei Krông. Ảnh: QĐ

 

Ngược về quá khứ, ông Võ Thanh Chín, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Kon Tum có lần tâm sự với tôi: Sau chiến tranh, Kon Tum còn hàng chục tấn bom đạn nằm trong lòng đất, ô nhiễm nặng nề, hàng trăm người đã chết hoặc mang thương tật suốt đời do bom mìn gây ra. Khắc phục hiểm họa đó, cán bộ chiến sĩ Đại đội Công binh (thuộc BCHQS tỉnh) đã không quản hiểm nguy, dò tìm, thu gom hàng ngàn quả bom đạn, giải phóng hàng ngàn héc-ta đất, bàn giao cho chính quyền triển khai xây dựng các dự án phát triển kinh tế-xã hội tại các xã nằm dọc 2 bên bờ sông Pô Kô. 

Vào những ngày đông, dòng sông vẫn cuồn cuộn chảy vì mưa suốt mấy ngày qua. Người dân 2 bên bờ sông vẫn tấp nập đi qua những cây cầu, thuyền, đò để thu hoạch và vận chuyển nông sản mang về nhà, chuẩn bị đón một cái Tết vui tươi, đầm ấm, hạnh phúc.

Sông Pô Kô đã trở thành điểm đến ưa thích của nhân dân, khách du lịch trong nước và quốc tế. Tại đây, vào buổi sáng tinh sương, du khách có thể nhìn ngắm từng đàn cá đớp mồi tại mô hình nuôi cá lồng của người dân trên sông; lắng nghe làn điệu dân ca của người Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ-Triêng sống dọc 2 bên bờ sông.

Đông sẽ đi qua, rồi mùa Xuân sẽ đến. Dòng sông Pô Kô mang nét đặc trưng riêng, đôi bờ sông lúc này hoa dại đủ loại bung nở, như dải lụa muôn màu trải thảm lên bờ sông. Dòng nước Pô Kô hiền hòa, chảy chở theo phù sa bồi đắp hai bên bờ, tạo sức sống cho muôn loài. Trên bờ sông, các rặng cúc quỳ trổ vàng và đất trời ngây ngất trước màu trắng tinh khôi, hương thơm ngào ngạt của những lô cà phê, những rặng cao su vội vàng trút lá để đơm nhưng chồi non xanh biếc. Đâu đó, hoa cỏ nến mọc tự nhiên màu hồng phớt nhẹ, thân cỏ vươn lên mạnh mẽ như khí chất của người dân Tây Nguyên. Trong tiết trời Xuân mênh mông, điểm thêm màu sắc hồng tươi của những khóm hoa đuôi chồn đung đưa trong gió.

Mùa Xuân đến, cũng là lúc các chàng trai hối hả lên rừng tìm cây trúc về đục lỗ làm sáo, làm cần rượu. Người già trong làng cẩn thận tuyển chọn bắp, củ mì, gạo nếp ngon để ủ rượu ghè. Các cô gái miệt mài bên khung dệt để làm ra những tấm váy đẹp nhất. Những em bé Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ-Triêng... chân trần, vai đeo gùi, đi rẫy về dọc theo hai bên bờ sông, tóc mềm bay trong gió. Những bộ cồng chiêng cũng được các nghệ nhân đem ra trưng bày, tập luyện múa, hát. Các món ăn đặc sản cá sông phơi trên lưới hay bánh tráng có vị tôm của dòng sông Pô Kô được đưa ra đãi khách quý thăm nhà.

Trên bầu trời, những đàn chim từ chân núi mờ xa lượn vòng, thỉnh thoảng vài chú chim sà xuống ruộng bắp thưởng thức vị ngọt thơm của những bắp ngô căng sữa. Âm thanh loảng xoảng từ những chiếc nắp xoong đuổi chim của đám trẻ canh ruộng vang lên, làm náo loạn cả một khúc sông. Người dân địa phương bao đời gắn bó với dòng sông Pô Kô và họ hiểu quy luật vận động của sông qua từng mùa, như hiểu một người bạn lâu năm gắn bó. Họ yêu mến và luôn luôn cảm thấy tự hào về dòng sông quê mình.

Sông Pô Kô là một món quà mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho người dân Kon Tum, để họ có một không gian văn hoá sinh hoạt, giao lưu, tổ chức lễ hội mỗi khi mùa Xuân đến. Qua bao thế hệ, dòng sông Pô Kô luôn là nguồn sống, là nỗi khắc khoải nhớ thương trong ký ức, là kỷ niệm đong đầy tháng năm. Mùa Xuân nơi đây, trở thành nét văn hoá gắn liền với những thôn làng bên con sông Pô Kô huyền thoại.

Cao Cường

Chuyên mục khác