“Sắc xuân” Kon Pring

29/01/2019 06:18

Mỗi khi mùa Xuân đến, khu vực xã Đăk Long (huyện Kon Plông) nói chung, làng Kon Pring nói riêng, khoác lên mình “chiếc áo” đẹp nhất, rạng ngời nhất với màu trắng hoa mận, hoa mơ cùng với màu hồng của hoa đào, xen lẫn màu lam của hoa cẩm tú cầu. Tôi đã vài lần đến làng Kon Pring (xã Đăk Long) vào mùa Xuân và ngẩn ngơ trước vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây.

Xuân này, du khách khi tham quan khám phá vùng đất “bảy hồ ba thác”, bên cạnh việc hòa mình trong tiết trời trong lành mát mẻ, không gian đầy sắc hoa đặc trưng của vùng cao Măng Đen đại ngàn, du khách còn được tìm hiểu các tập tục của người dân địa phương, được nghỉ lại qua đêm, uống rượu cần, đốt lửa trại, xem đánh cồng chiêng, múa xoang, thưởng thức các món ăn đặc trưng của núi rừng... ngay tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring, do chính bà con dân tộc nơi đây phục vụ.

Ban ngày, du khách rảo bộ dạo quanh làng đến thăm các gia đình đồng bào DTTS nơi đây và hòa mình vào những sắc màu thổ cẩm, trang phục truyền thống và hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo của người Mơ Nâm… thật thú vị.

Khách tham quan làng du lịch cộng đồng Kon Pring

 

Có lẽ chưa có Tết năm nào gia đình ông A Lum và nhiều bà con trong làng Kon Pring vui mừng như năm nay. “Không vui mừng sao được, vì nhất định Tết năm nay sẽ có nhiều du khách từ khắp nơi trong và ngoài nước ghé thăm, thưởng thức rượu cần và những món ẩm thực truyền thống của người dân trong làng. Và, bên cạnh niềm vui được quen biết nhiều du khách thì thu nhập của gia đình mình sẽ tăng lên đáng kể” - ông A Lum phấn chấn trao đổi với chúng tôi về những nghĩ suy mộc mạc, chân thành của mình.

Ông A Lum cho biết thêm, trước đây gia đình rất khó khăn, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước đưa làng Kon Pring trở thành làng du lịch cộng đồng nên hàng tháng gia đình có thêm thu nhập ổn định bình quân từ 3 - 5 triệu đồng từ du lịch.

Không chỉ gia đình A Lum mà các gia đình khác như gia đình bà Y Lim, gia đình ông A Rvét cũng chung niềm vui tương tự.

Bà Y Lim chia sẻ: Trước khi đăng ký làm du lịch cộng đồng, các hộ dân chúng tôi được chính quyền địa phương phối hợp với Công ty TNHH MTV Du lịch Măng Đen Đại Ngàn tổ chức tham quan học hỏi cũng như hướng dẫn các kỹ năng cần thiết để phục vụ khách du lịch. Theo đó, số tiền thu được, chủ hộ gia đình chúng tôi được hưởng lợi 50%, phía Công ty được hưởng 40%, còn lại 10% đóng vào quỹ của Ban Quản lý du lịch cộng đồng làng Kon Pring.

“Ngoài việc được hưởng lợi nhuận trực tiếp, các sản phẩm thủ công truyền thống khác do người dân trong làng Kon Pring làm ra đều được Công ty bao tiêu để phục vụ khách du lịch. Hiện nay, nhiều người dân trong làng Kon Pring thấy các hộ làm du lịch có thu nhập ổn định, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng phát triển nên nhiều hộ gia đình khác đang có ý định đăng ký tham gia mô hình này...” - bà Y Lim cho biết thêm những quyền lợi dân làng được hưởng chính từ mô hình du lịch cộng đồng homestay lần đầu tiên được triển khai tại địa phương với cách làm bài bản này.           

Làng Kon Pring nằm dọc theo Quốc lộ 24, giáp ranh với thôn Măng Đen. Làng có diện tích tự nhiên 700ha, trong làng hiện có 67 nóc nhà với 250 nhân khẩu, trong đó người Mơ Nâm chiếm gần 100% dân số, người dân trong làng sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và làm nương rẫy.

Hiện nay, làng còn gìn giữ được các bản sắc văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng, hộ gia đình như: Làm rượu cần, đan lát dụng cụ phục vụ sản xuất, sinh hoạt gia đình; chế biến và sử dụng các thực phẩm đặc sản có trong tự nhiên hoặc người dân sản xuất; các hoạt động văn hóa đặc sắc như cồng chiêng, múa xoang và nhiều lễ hội truyền thống khác vẫn được duy trì thường xuyên.

Hệ thống sông suối chảy qua làng làm phong phú thêm địa hình của Kon Pring với cảnh quan đồi núi, rừng cây và những ruộng lúa, nương rẫy bậc thang thơ mộng đẹp mê hồn. Một ngày đẹp trời nào đó, nếu ta thu xếp công việc, bỏ qua những ồn ào náo nhiệt nơi phố thị về với làng Kon Pring hòa mình vào với thiên nhiên, hưởng thụ những cảnh đẹp nơi đây, sống chậm một tý để nghe lòng mình lắng lại thì thật là tuyệt vời.

Những điều kiện tự nhiên cũng như con người như kể trên đã giúp làng du lịch cộng đồng Kon Pring là một trong những điểm đến du lịch lý tưởng cho du khách khi đặt chân đến huyện Kon Plông.

Ông Quách Văn Điện - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Long, Trưởng Ban quản lý du lịch cộng đồng làng Kon Pring cho biết: Phát triển du lịch cộng đồng dựa trên những lợi thế cảnh vật, thiên nhiên sẵn có, ngoài việc trở thành điểm nhấn cho du khách khi đến tham quan, đây còn là một cơ hội lớn để giao lưu, quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của người dân địa phương. Trước hết người dân có được nguồn thu nhập trực tiếp từ các dịch vụ cung cấp cho khách lớn hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp và đây cũng là bài toán hữu hiệu giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao nhận thức cho người dân trong vùng đồng bào DTTS…

Du lịch cộng đồng Kon Pring là một trong những điểm đến du lịch lý tưởng cho du khách khi đặt chân đến huyện Kon Plông

 

Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Măng Đen Đại Ngàn - Nguyễn Thị Thùy Trang khẳng định, mặc dù làng du lịch cộng đồng mới khai trương đi vào hoạt động chưa lâu nhưng bước đầu bình quân mỗi tháng đã thu hút khoảng từ 500 đến 1.000 du khách trong và ngoài nước đến tham quan và trong đó có khoảng từ 200 đến 300 khách lưu trú trải nghiệm qua đêm. Điều đáng mừng là, 100% du khách tham gia trải nghiệm ở đây đều hài lòng, trước khi ra về ai nấy cũng đều lưu luyến và hứa có dịp sẽ quay lại...  

Với đồng bào Mơ Nâm ở làng Kon Pring, mùa Xuân là mùa mang đến nhiều niềm tin, niềm vui mới, để rồi họ sẽ tiếp tục đoàn kết, cùng nhau phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc mình để phát triển bền vững loại hình du lịch cộng đồng và níu chân du khách gần xa.

Một mùa Xuân mới lại về, những bông hoa rừng đua nhau khoe sắc thắm chào đón du khách. Hứa hẹn năm mới 2019 du lịch theo hình thức homestay ở làng Kon Pring một mùa bội thu...      

Bài và ảnh: Bảo Châu

Chuyên mục khác