Sắc xuân Đinh Dậu

02/02/2017 10:05

Sau những ngày du xuân, đi lễ chùa cầu an đầu năm, người dân từ khắp các huyện, thành phố đã về Bảo tàng tỉnh để tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm – khám phá các trò chơi dân gian; xem trình diễn các di sản văn hóa thú vị.

Thời tiết năm nay khá đẹp, xuân đến mang theo chút se lạnh cộng với nắng trải vàng làm cho lòng người thêm rộn ràng. Từ mùng Một, mùng Hai tết, trên khắp các ngả đường, người người nô nức đi lễ chùa, tảo mộ, đến thăm, chúc tết người thân, gia đình và bạn bè, cầu chúc cho nhau một năm mới bình an, hạnh phúc.

Năm nay, Kon Tum không bắn pháo hoa trong đêm Giao thừa, nhưng không vì thế mà không khí tết kém phần rộn rã. Ngoài chương trình văn nghệ rộn rã đón xuân, khi chương trình “Sắc xuân mọi miền đất nước Xuân Đinh Dậu 2017” do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức bắt đầu khai mạc, bà con từ khắp các nơi đã về đây để vui xuân, tham quan, thưởng thức, trải nghiệm các hoạt động văn hóa dân tộc.

Có mặt tại Bảo tàng tỉnh, chúng tôi cảm nhận được không khí vui tươi, rộn ràng nơi đây. Ngay từ sớm, người ra, người vào tấp nập. Trong những bộ trang phục rực rỡ mùa xuân, nhiều bạn trẻ háo hức, phấn khởi thử sức tham gia các trò chơi dân gian: bịt mắt đập niêu, đánh đu, đi cầu khỉ, ném còn...

Những trò chơi dân gian như có sức hấp dẫn kì lạ, ai nấy đều vui chơi, cười giòn tan, rộn rã cả bầu trời. “Nhà em ở Đăk Glei, năm nay được bố mẹ cho xuống thành phố ăn tết, được tham gia các trò chơi dân gian, em vui lắm! Đây là một trong những cái tết thú vị nhất của em” – em Phạm Phương Oanh hớn hở kể.

Nhiều thanh thiếu niên tham gia các trò chơi dân gian

 

Không chỉ được chơi trò chơi dân gian, người dân còn háo hức xem các phần trình diễn nhạc cụ dân tộc. Với nhiều người, cồng chiêng đã quá quen thuộc nhưng khi nghe âm hưởng vang lên, ai nấy cũng rộn rã, nhún nhảy theo nhịp. Phần trình diễn nhạc cụ Đing Tút của nghệ nhân dân tộc Giẻ - Triêng; những điệu múa xòe của dân tộc Thái cũng thu hút lạ kì; theo nhịp phách, nhiều người cười giòn tan, tham gia nhún nhảy vui vẻ.

Cùng với đó, người dân còn được xem trình diễn nghề đan lát của dân tộc Giẻ - Triêng, nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Ba Na; phấn khởi đón xem các phần biểu diễn rối nước của các nghệ nhân đến từ xã Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Có mặt tại Bảo tàng tỉnh từ sớm, sau khi xem các trò chơi, bà Nguyễn Thị Niệm, tổ 14, phường Quyết Thắng đã chọn cho mình một chỗ ngồi thuận tiện để đón xem các tiết mục múa rối. “Năm nay các hoạt động vui xuân rất hấp dẫn, rất hay. Từ trước đến nay, bây giờ tôi mới được xem múa rối, được xem các tiết mục cồng chiêng hay như thế. Thật sự rất vui!” – bà Niệm phấn khởi.

Háo hức với các màn trình diễn rối nước

 

Ngoài điểm nhấn là biểu diễn múa rối nước, mọi người cũng rất hào hứng xem các nghệ nhân của làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội trình diễn nặn tò he. Nhiều em nhỏ xúng xính áo quần đẹp, ngồi hàng giờ để xem các nghệ nhân nặn tò he.

Bên cạnh những hoạt động văn hóa, trải nghiệm các trò chơi dân gian, người dân còn tham gia vào hoạt động ẩm thực truyền thống Kon Tum để thưởng thức vị thơm ngon của rượu cần; được thưởng thức vị thơm, ngon dẻo của cơm lam, thịt gà nướng; được ăn đặc sản gỏi lá và một số loại bánh: bánh xèo, bánh khoọc, bột lọc,..

Không chỉ được tham gia, trải nghiệm các hoạt động, các trò chơi dân gian, ẩm thực, ngày mùng Bốn tết bà con từ các nơi còn tập trung về bờ sông Đăk Bla để đón xem trình diễn máy bay mô hình và đua thuyền độc mộc.

Nhà ở xã Kroong nhưng từ sáng sớm mùng Bốn, anh A Đưi đã chở vợ con xuống thành phố để đón xem đua thuyền. “Năm nào nhà tôi cũng xuống đây xem đua thuyền và cổ vũ cho đội thuyền độc mộc xã Kroong. Đây là hoạt động truyền thống nên vợ chồng tôi không bỏ qua” – anh Đưi nói.

Cũng như vợ chồng A Đưi, anh Đặng Thế Anh ở phường Lê Lợi cũng chọn cho mình một vị trí “đắc địa” bên thành cầu để đón xem đua thuyền. Anh cho biết, năm nào anh cũng cho các con đi xem để biết về truyền thống của dân tộc ở Kon Tum.

Các hoạt động văn hóa đa dạng, hấp dẫn không chỉ là điểm đến vui chơi, trải nghiệm cho bà con trong địa bàn tỉnh mà còn thu hút nhiều du khách từ nơi khác đến tham quan, trải nghiệm. Như gia đình anh Nguyễn Cảnh Minh ở Gia Lai, khi biết Kon Tum có những hoạt động văn hóa hấp dẫn, anh đã tranh thủ chở vợ con lên đây để cùng tham gia.

“Với những hoạt động này, gia đình tôi không chỉ được vui chơi trong dịp xuân mà còn được sẽ tiếp xúc, hiểu được những nét văn hóa của Tây Nguyên nói chung và các vùng miền nói riêng” – anh Minh chia sẻ.

Hay như anh Phạm Tấn Phát lần đầu tiên từ Phú Yên đến Kon Tum, các hoạt động vui xuân đã để lại cho anh nhiều cảm xúc. Anh nói rằng, không quá ồn ã, các hoạt động văn hóa trải nghiệm thực sự thú vị, hấp dẫn, là điếm nhấn vui chơi trong những ngày xuân mà còn cho anh biết được thêm nhiều nét văn hóa truyền thống của mảnh đất phố núi Kon Tum.

Chương trình “Sắc xuân mọi miền đất nước Xuân Đinh Dậu 2017” với nhiều hoạt động nổi bật diễn ra đến hết ngày mồng Sáu tết Đinh Dậu. “Chương trình đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí và hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân. Từ hoạt động này, các em học sinh nói riêng và mọi người nói chung được tìm hiểu về Di sản văn hóa, qua đó góp phần giáo dục ý thức tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc” – bà Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết.

Bài và ảnh: Bình An

Chuyên mục khác