Sa Thầy: Bảo tồn và phát huy giá trị nhà rông truyền thống

30/03/2022 06:02

Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn, qua đó giới thiệu, quảng bá các nét văn hóa đặc sắc của địa phương, phát triển du lịch, huyện Sa Thầy đã và đang triển khai công tác bảo tồn và phát huy giá trị nhà rông truyền thống các DTTS tại chỗ với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Sa Thầy là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Kon Tum với đa phần dân số là đồng bào DTTS, chiếm khoảng 60% dân số, định cư tại 42/64 thôn làng của huyện Sa Thầy.

Trong những năm qua, huyện Sa Thầy chú trọng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bảo tồn, phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, qua đó góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS trên địa bàn, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương.

Tiếp tục thực hiện chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước, ngày 18/02/2022, UBND huyện Sa Thầy ban hành Kế hoạch Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nhà rông truyền thống các DTTS tại chỗ trên địa bàn huyện. Triển khai thực hiện Kế hoạch, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị văn hóa, tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nhà rông truyền thống các dân tộc cho người dân trên địa bàn, nhất là tuyên truyền cho cộng đồng 4 DTTS tại chỗ gồm: Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng và Rơ Măm.

Huyện Sa Thầy chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn liền với nhà rông. Ảnh: Đ.T

 

Tại xã Ya Xiêr, có 4 làng DTTS tại chỗ là làng Trang, làng O, làng Lung và làng Rắc.Chính quyền địa phương và mặt trận, các đoàn thể chính trị -xã hội của địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; nhờ vậy trong thời gian qua, cộng đồng người dân Gia Rai ở đây luôn có ý thức về gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa nhà rông.

Ông Nguyễn Văn Niệm- Chủ tịch UBND xã Ya Xiêr nhớ lại, trong mùa mưa bão năm 2021, nhà rông làng O và làng Trang bị ảnh hưởng bởi gió lốc nên hư hỏng phần mái. Bằng nguồn kinh phí từ quỹ các làng, sự đóng góp, tham gia ngày công sửa chữa của người dân và kinh phí hỗ trợ của UBND xã Ya Xiêr với số tiền 10 triệu đồng cho mỗi làng, các làng đã tổ chức sửa chữa, lợp lại phần mái mới cho nhà rông của làng mình.

Hiện nay, 4/4 nhà rông của các làng trên địa bàn xã Ya Xiêr được xây dựng bằng vật liệu hiện đại kết hợp vật liệu tự nhiên đều được người dân địa phương quản lý tốt, hiện trạng cơ bản bình thường, đảm bảo an toàn cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các làng trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Tại thị trấn Sa Thầy, 3 nhà rông được xây dựng bằng vật liệu hiện đại (tôn, bê tông) kết hợp với vật liệu tự nhiên (gỗ, tre nứa), bắt đầu đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2004- 2006 và trải qua 1 lần sửa chữa trong giai đoạn 2012- 2013. Đến nay, nhà rông ở 3 làng DTTS tại chỗ trên địa bàn gồm làng Chốt, làng Kleng và làng KĐừ vẫn đang được người dân ở các làng sử dụng, chỉ có phần nhà chồ của nhà rông ở làng Chốt là bị hư hỏng do tác động bởi các yếu tố tự nhiên.

Nhà rông truyền thống làng KĐừ ở thị trấn Sa Thầy. Ảnh: ĐT

 

Không chỉ gìn giữ và bảo vệ nhà rông, người DTTS ở 3 làng còn làm tốt việc phát huy các giá trị gắn liền với nhà rông của làng như, duy trì tổ chức sinh hoạt cộng đồng tại nhà rông, gìn giữ văn hóa cồng chiêng. Theo thống kê của UBND thị trấn Sa Thầy, hiện nay, làng Chốt có 34 bộ cồng chiêng, làng Kleng có 9 bộ cồng chiêng và làng KĐừ có 5 bộ cồng chiêng thuộc quyền sở hữu và sử dụng của người dân DTTS ở các làng.

Ông Trần Văn Tiên- Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sa Thầy cho biết, để công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di sản văn hóa nhà rông truyền thống đạt hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phát huy mọi nguồn lực, sự chung tay thực hiện của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương và sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng các DTTS trên địa bàn huyện.

Trong công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị nhà rông truyền thống của đồng bào DTTS thì vai trò trách nhiệm của già làng, nghệ nhân, những người am hiểu về kỹ thuật xây dựng, sửa chữa và các giá trị vốn có của nhà rông truyền thống ở các thôn, làng cần được phát huy. Qua đó, giúp nhà rông đảm bảo tính truyền thống, không gian sinh hoạt văn hóa, cảnh quan khuôn viên môi trường và giữ gìn bản sắc của từng DTTS.

Ngoài khôi phục, duy trì thực hiện các hoạt động văn hóa truyền thống (lễ hội, truyền dạy nghề thủ công, nghệ thuật trình diễn dân gian, nhạc cụ truyền thống, dân vũ, sử thi…), phong tục tập quán tốt đẹp liên quan đến nhà rông; thành lập các câu lạc bộ văn hóa dân gian hoặc đội văn nghệ dân gian (đảm bảo mỗi thôn, làng đều có 1 đội văn nghệ dân gian) và đẩy mạnh trưng bày các sản phẩm văn hóa truyền thống liên quan đến các nghi lễ, lễ hội, sản phẩm nghề thủ công, công cụ lao động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày tại nhà rông, huyện Sa Thầy còn tổ chức, khoanh vùng để phát triển nguồn vật liệu tự nhiên bền vững (cỏ tranh, dây mây, tre nứa), phục vụ nhu cầu sửa chữa, xây dựng khi nhà rông ở các thôn, làng bị xuống cấp, hư hỏng gắn liền với công tác quản lý bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm.

UBND huyện Sa Thầy đã ban hành Kế hoạch Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nhà rông truyền thống các DTTS tại chỗ trên địa bàn giai đoạn 2021- 2025 với mục tiêu phấn đấu bình quân hàng năm có ít nhất 20% và đến năm 2025 có 100% nhà rông truyền thống bị xuống cấp, hư hỏng được sửa chữa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người dân.

Riêng trong năm 2022, theo Kế hoạch đã ban hành và thống kê hiện trạng nhà rông của các xã, thị trấn, UBND huyện Sa Thầy đặt mục tiêu duy trì thường xuyên và kịp thời việc sửa chữa nhà rông, phấn đấu hỗ trợ, tổ chức sửa chữa trên 50% số nhà rông bị xuống cấp, hư hỏng trên địa bàn.

Đức Thành

Chuyên mục khác