20/02/2018 14:17
Với mong muốn mang đến sân chơi bổ ích, thú vị cho nhân nhân dân trên địa bàn tỉnh cũng như du khách trong những ngày tết, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tái hiện, phục dựng lại nhiều mô hình và hoạt động truyền thống: đua thuyền độc mộc trên sông Đăk Bla, diễn tấu cồng chiêng, múa xoang cùng với các hoạt động trải nghiệm khám phá trò chơi dân gian như đánh đu, đi cầu khỉ, cầu bập bênh, không gian ẩm thực truyền thống…
Chuẩn bị chu đáo cho các hoạt động từ sớm, sáng mùng 4 Tết, Chương trình Sắc xuân – Xuân Mậu Tuất 2018 được khai mạc. Không quản ngại cái nắng như đổ lửa, người dân từ khắp các nơi nô nức về Bảo tàng tỉnh, cầu Đăk Bla tham gia vui chơi, tìm hiểu văn hóa truyền thống 3 miền Bắc, Trung, Nam hội tụ và các hoạt động trình diễn Di sản văn hóa.
Vừa dìu con đi cầu khỉ, chị Quỳnh Thương, phường Quang Trung phấn khởi: Mọi năm tết đến, gia đình tôi chỉ quẩn quanh đi chúc tết, năm nay, có chương trình đón xuân, cả gia đình tôi liền ra tham gia. Nhiều hoạt động, sân chơi trải nghiệm được chuẩn bị chu đáo, chúng tôi vui chơi rất vui.
Có mặt tại Bảo tàng tỉnh từ sớm, cha con anh Lê Thế Diễn ở xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà tự chọn cho mình chỗ đứng hợp lý nhất, chăm chú theo dõi các hoạt động văn nghệ.
“Lúc đầu cha con tôi chỉ nghĩ xuống đây để xem đua thuyền thôi, giờ có quá nhiều hoạt động hấp dẫn, thật sự rất thú vị. Các hoạt động đã tạo sân chơi để người dân vui xuân, vui Tết” – anh Diễn phấn khởi.
Cũng như anh Diễn, cha con anh A Krep tại thôn Bình Loong, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy cũng chạy hơn 20km xuống thành phố để đón xem, tham gia các hoạt động văn hóa. Anh Krep vui vẻ: Đây là lần đầu tiên mình xuống Kon Tum chơi tết, thấy không khí vui tươi, rộn ràng, mình vui lắm.
Không chỉ biểu diễn, thể hiện những nét truyền thống tại địa phương, đến với chương trình vui xuân, người dân còn được xem, tìm hiểu, trải nghiệm nặn tò he – nghề truyền thống tại huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Đồng thời, còn được xem các nghệ nhân phường Rối nước xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương biểu diễn các tiết mục múa rối nước hấp dẫn.
Có mặt tại bảo tàng tỉnh mới cảm nhận được sự háo hức, rộn ràng nới đây. 10h trưa, nắng nóng, người dân vẫn vui cười, tập trung đông đúc, hào hứng xem múa rối nước. Mỗi tiết mục diễn ra, ai nấy đều thích thú, vỗ tay không ngớt để cổ vũ các nghệ nhân.
“Hồi giờ chỉ được xem múa rối nước trên tivi, đây là lần đầu tiên tôi được ngồi trực tiếp xem múa rối. Có các hoạt động này, những ngày Tết vui vẻ hơn” – anh A Tun ở làng Kon K’Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum chia sẻ.
|
Không chỉ múa rối, bà con còn hồi hộp theo dõi những màn biểu diễn chó nghiệp vụ của Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ quân cảnh Gia Lai và cùng rộn ràng trong tiếng trống lân, tiếng cồng chiêng vang vọng khắp vùng.
Sau ngày mồng 4, các hoạt động sẽ tiếp tục luân phiên diễn ra đến hết ngày mùng 6 Tết âm lịch để người dân ở nhiều nơi có thể đến tham gia. “Đây là một trong chuỗi các hoạt động ý nghĩa nhằm lưu giữ văn hóa truyền thống tại địa phương. Thông qua đây, chúng tôi mong muốn giới thiệu đến bạn bè khắp nơi biết đến văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên mảnh đất Kon Tum nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung” – ông Nguyễn Xuân Truyền – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết.
Bên cạnh các hoạt động diễn ra tại thành phố, năm nay, lấy văn hóa làm nền tảng, Phòng Văn hóa huyện Kon Plông cũng tổ chức lễ hội đường phố để giới thiệu đến các du khách nét văn hóa đặc trưng của người Xơ Đăng.
Cùng với đó, trong ngày mùng 6 Tết và mùng 10 Tết, huyện Sa Thầy và Đăk Hà cũng tổ chức đua thuyền để tạo sân chơi cho người dân.
Bình An