12/12/2022 06:01
Sau nhiều thăng trầm, trắc trở vì dịch Covid-19, cuối cùng, bằng rất nhiều nỗ lực, giải pháp, ngành du lịch của tỉnh đã “hái trái ngọt”, có sự phục hồi ngoạn mục. Ước tính 2022, tỉnh ta thu hút khoảng 1,1 triệu lượt khách, đạt 122,22% kế hoạch và tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 265 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch và tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tôi vẫn nhớ, tại Kỳ họp lần thứ 2, HĐND tỉnh khóa XII (từ ngày 7-9/12/2021), khi thảo luận về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022, nhiều đại biểu không khỏi băn khoăn trước mục tiêu thu hút khoảng 900.000 lượt khách du lịch đến với tỉnh. Bởi thực tế thời điểm đó, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường, du lịch gần như “đóng băng” thì con số này dường như là điều không tưởng. Rồi sau nhiều đắn đo, cân nhắc, với quyết tâm phải biến áp lực thành động lực, các đại biểu đã thống nhất giữ nguyên chỉ tiêu này.
|
Vậy là, ngay từ đầu năm, khi dịch bệnh ở trong nước dần được kiểm soát; các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh ta đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai nhiều giải pháp nối lại các hoạt động kinh tế - xã hội, từng bước “mở cửa” đón khách. Đặc biệt, ngay sau khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch (từ ngày 15/3), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 724/KH-UBND (ngày 15/3/2022) phục hồi, phát triển hoạt động du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 địa bàn tỉnh Kon Tum. Các ngành, địa phương tích cực nắm bắt thông tin, tham mưu tỉnh nhiều chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn giúp các doanh nghiệp khôi phục và mở rộng hoạt động trong lĩnh vực du lịch sau dịch bệnh.
Một loạt hoạt động được tổ chức nhằm tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch như: Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022; Diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” năm 2022; Hội nghị “Bàn về giải pháp phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2022”. Thông qua đó, đã thu hút nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư và gây được ấn tượng mạnh với du khách, từ đó, Kon Tum dần trở thành cái tên hấp dẫn đối với khách du lịch.
Từ đà lan tỏa này, các địa phương cũng đồng loạt triển khai các hoạt động để “đánh thức” du lịch. Mỗi địa phương đã tận dụng tiềm năng, thế mạnh của mình, đồng thời, khai thác các trải nghiệm mới để thu hút du khách như: Huyện Tu Mơ Rông tổ chức phiên chợ “Sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch”; huyện Kon Plông phối hợp với nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh tổ chức Chương trình biểu diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên…
Những loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, trải nghiệm khám phá thiên nhiên, cảnh quan và văn hóa đặc trưng của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh là thế mạnh của tỉnh đang được ngành Văn hóa, các địa phương, doanh nghiệp tích cực quảng bá, khai thác và ngày càng có sức hấp dẫn với khách du lịch trong và ngoài nước.
Du lịch nhộn nhịp trở lại đã giúp nhiều doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ ăn uống, lưu trú “hồi sinh”, đời sống kinh tế - xã hội khởi sắc, tạo ra việc làm và mang lại thu nhập cho nhiều người dân. Điều đó, đã phần nào bù đắp cho những mất mát, thiệt hại nặng nề trong một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Những tín hiệu đáng mừng trong năm 2022 cho thấy ngành du lịch đang phục hồi tích cực và dự báo sẽ tiếp tục gặt hái những thành quả ấn tượng hơn trong thời gian tới. Vì thế, trong mục tiêu phát triển kinh tế năm 2023, tỉnh ta đặt mục tiêu cao hơn là phấn đấu đạt 1,3 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh.
Du lịch đang phục hồi và chuyển mình, tuy nhiên, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh còn nhiều việc phải làm, cần sự nỗ lực, hợp sức của cả nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân.
Thùy Hương