Phụ nữ xã Đăk Pne giữ gìn nghề dệt thổ cẩm

26/10/2018 07:03

​Có dịp về xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy), đi qua những ngôi nhà nhỏ ven đường, chúng tôi nghe tiếng lách cách của những khung dệt. Trong nhịp sống sôi động, chị em phụ nữ Ba Na nơi đây vẫn dành thời gian bên khung dệt để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc mình...

Đến thăm nhà chị Y Ban 37 tuổi, trú tại thôn 1 của xã, chúng tôi đã được chị kể lại rằng: Từ năm 16 tuổi, chị đã biết dệt thành thạo những chiếc khăn khố, chăn đắp cho gia đình. Ngày ấy, do nhà nghèo không có điều kiện để học văn hóa, gia đình lại ở xa trường trung học cơ sở, nên chị học đến lớp 5 là nghỉ học, rồi lấy chồng. Trong khoảng thời gian đấy, những lúc nông nhàn, chị được bà Y Xôi là mẹ ruột của chị dạy cho chị dệt thổ cẩm. Cũng bởi tiếp cận với công việc dệt thổ cẩm từ khá sớm, nên đến giờ chị là một trong những phụ nữ khéo tay nhất thôn.

Bà Y Nhai 60 tuổi, trú tại thôn 2 của xã cho biết: Việc dệt thổ cẩm không mất nhiều sức, nhưng khi ngồi dệt rất mỏi vì hai cánh tay luôn phải thoăn thoắt vuốt sợi, kéo con xe, nên lưng và hai chân tê buốt bởi ngồi một tư thế quá lâu. Vì thế, việc những sợi vải mỏng manh được dệt lại với nhau tạo thành tấm, thành món không phải là việc dành cho những người thiếu kiên nhẫn, mà phải qua rất nhiều công đoạn và thao tác chính xác mới làm cho một sợi chỉ mỏng manh được nối tiếp vào thớ vải. Hàng ngàn lượt dệt chỉ như vậy nối tiếp nhau và đều đặn mới cho ra một chiếc khăn hay một tấm áo choàng có hình dạng đẹp được.

Chị Y Oanh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đăk Pne cho biết: Hiện nay, toàn xã có 320 hội viên phụ nữ sinh hoạt ở 4 chi hội cơ sở, trong đó có hơn 60% số hội viên có khung cửi để dệt thổ cẩm. Bất cứ khi nào rảnh rỗi hay cần dùng khi có lễ hội của thôn làng, những người phụ nữ trong xã lại ngồi vào khung cửi để dệt.

Chị Y Ban ở thôn 1, xã Đăk Pne đang chuẩn bị chỉ vào khung để dệt. Ảnh: N.H

 

Người Ba Na xã Đăk Pne quan niệm, con gái không biết dệt vải và không biết nấu nướng thì khó lấy được chồng. Cô nào chăm chỉ, khéo léo trong dệt vải, thì chồng và gia đình nhà chồng mới yêu quý, tôn trọng. Vậy nên, ngay từ khi còn nhỏ, các bé gái đã được bà và mẹ tập cho dệt vải.

Nhờ đó, đến nay những cô gái Ba Na ở xã Đăk Pne vẫn giữ được nghề dệt truyền thống. Trong đó, điển hình có các chị như: Y Nghenh, Y Trơk trú tại thôn 1; Y Thái, Y Sắt, Y Căng trú tại thôn 2; Y Nắp trú tại thôn 4… Đây là những chị dệt thổ cẩm rất giỏi, luôn giữ niềm đam mê với nghề và luôn tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Mỗi khi có đơn đặt hàng, các chị tranh thủ thời gian rảnh rỗi cả ngày lẫn đêm dệt cho kịp để giao cho khách hàng.

Trong các hoạt động lễ hội của dân tộc Ba Na hay Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, Hội Phụ nữ xã Đăk Pne luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền chị em dân tộc Ba Na ở đây ăn mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình đi dự lễ hội để giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Để các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống có thể vươn xa tới nhiều thị trường, chị em phụ nữ trên địa bàn xã mong muốn các cấp, các ngành của huyện Kon Rẫy có những chính sách đầu tư, khuyến khích vận động thành lập các mô hình dệt thổ cẩm, các doanh nghiệp làm “bà đỡ”, đồng thời đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Chị Y Oanh bày tỏ: Trong thời gian tới, các ngành, các cấp có liên quan của huyện cần mở các lớp tập huấn về truyền dạy nghề dệt thổ cẩm để nâng cao tay nghề cho các cháu từ 10-15 tuổi, đồng thời có chính sách hỗ trợ vật liệu như: len, chỉ… cho hội viên phụ nữ để duy trì nghề dệt thổ cẩm được bền vững hơn. 

Nguyên Hà

Chuyên mục khác