Phong trào cầu lông: Cần sự tiếp sức

02/10/2017 06:00

​Những năm gần đây, môn cầu lông thu hút khá đông người dân Kon Tum tham gia tập luyện. Giải cầu lông các lứa tuổi toàn tỉnh năm 2017 do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức trong tháng 9 này có rất nhiều vận động viên đủ mọi lứa tuổi tham gia và đông đảo cổ động viên đến cổ vũ. Tuy nhiên, cầu lông ở Kon Tum mới chỉ ở bước “phong trào”...

Cầu lông - môn thể thao gia đình

Mọi người vẫn gọi thế, vì môn cầu lông dành cho mọi lứa tuổi, ai cũng có thể học và chơi được, thậm chí cả nhà 3 thế hệ cùng chơi môn thể thao này. Nhưng đông nhất vẫn là công chức, viên chức, doanh nghiệp, những người đã nghỉ hưu, học sinh, sinh viên và cả những người nội trợ…

Môn này nếu chơi thường xuyên rất tốt cho sức khỏe, giúp cho người chơi nhanh nhạy, hoạt bát hơn. Ngoài ra cầu lông còn mang lại sự thư giãn, giải stress sau một ngày mệt nhọc...

Một trận đấu nội dung đôi nam nũ lứa tuổi từ 14-17 trong khuôn khổ giải cầu lông các lứa tuổi toàn tỉnh năm 2017. Ảnh:G.T

 

Trên địa bàn thành phố Kon Tum có khá nhiều địa điểm chơi cầu lông. Địa điểm tập trung chính phải kể đến Nhà tập luyện Thể dục Thể thao, Nhà Văn hóa Lao động, Trung tâm Văn hóa thể thao thanh thiếu nhi, các trường phổ thông, Tỉnh đội, công an và các sân cơ quan nhà nước…

Nhiều câu lạc bộ cầu lông đã được thành lập như: Huy Hoàng, Bình Minh, Đăk Bla Xanh, Công an, Đăk Hà, Ngọc Hồi…

Tìm hiểu sự cuốn hút của môn chơi này, chúng tôi có cuộc nói chuyện với chị Lê Thị Bóng. Chị Bóng trước đây công tác tại Bệnh viện nay đã nghỉ hưu. Nhìn chị chơi cầu không ai nghĩ chị đã ngoài 60 tuổi vì mọi động tác đánh cầu của chị rất nhanh nhẹn, hoạt bát cộng với sức khỏe dẻo dai. Chị là thành viên của Câu lạc bộ Bình Minh, mỗi lần có các giải mở rộng ở tỉnh và khu vực chị đều tham gia và hầu hết có giải.

Chị Bóng tâm sự: Chơi cầu lông riết rồi thành quen, ngày nào không đi đánh rất khó chịu. Nhờ chơi cầu lông đều đặn mà sức khỏe tôi rất tốt, ít đau ốm lặt vặt. Cứ 5h sáng mỗi ngày là tôi đã có mặt ở sân chơi rồi.

Còn anh Nguyễn Quang Định – phường Thắng Lợi tâm sự: Chơi cầu lông khi đã thấm vào người rồi nó thành đam mê. Công việc dù bận mấy tôi cũng cố gắng sắp xếp để có thời gian đi tập. Nhờ chơi cầu đều đặn như vậy mà tối về tôi ăn rất ngon miệng và tinh thần cũng sảng khoái hơn, công việc vì thế cũng thuận lợi hơn nhiều.

Chị Nguyễn Thị Liên - phường Duy Tân cho biết: Tôi thường hay chơi cầu lông ở Nhà Văn hóa Lao động. Do các sân trên địa bàn thành phố tầm từ 5  đến 7h sáng và từ 17 đến 19h tối đều kín cả, nên những người ở nhà nội trợ như tôi hoặc nghỉ hưu thường chơi tầm 9 đến 11h hoặc 14 đến 16h30 hằng ngày. Giờ đó, các sân thường trống nên đánh thoải mái.

Trao đổi với anh Võ Cảnh – người quản lý sân tại Nhà tập luyện Thể dục Thể thao, anh cho biết: Người chơi cầu lông ngày một đông. Trước kia mọi người chỉ chơi buổi sáng từ 5h đến 7h, chiều từ 17h đến 19h. Nay lượng chơi đông hơn rất nhiều, không còn đủ sân nên họ hợp đồng sân chơi thêm các giờ còn lại.

Những người “truyền lửa”

Cầu lông là một môn thể thao dễ chơi, ai cũng có thể chơi được, nhưng để cầm vợt, đánh cầu, di chuyển… đúng kỹ thuật thì cần có người hướng dẫn.

Huấn luyện viên đang hướng dẫn các em luyện tập. Ảnh: G.T

 

Nhiều lớp huấn luyện cầu lông đã được mở tại Nhà tập luyện Thể dục Thể thao và Nhà Văn hóa Lao động... thu hút khá đông học viên. Học viên có đủ các lứa tuổi, thành phần, nhưng đông nhất là các em nhỏ. Huấn luyện viên, hướng dẫn viên các lớp này thường là giáo viên Thể dục - Thể thao của các trường học như anh Nguyễn Thành Nhân (Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum), anh Lê Đăng Khoa (Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc) và anh Võ Hoàng Lân (Nhà Văn hóa Lao động)...

Điểm chung của họ là xem việc huấn luyện cầu lông như nghề “tay trái”. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chính tại cơ quan, đơn vị, các anh mới bắt đầu công việc “truyền lửa” đam mê cho học trò của mình.

Anh Nhân - người có thâm niên hơn 10 năm và cũng là người đầu tiên mở lớp huấn luyện cầu lông ở thành phố Kon Tum cho biết: Cứ vào mỗi dịp hè phụ huynh đưa con em mình đến học rất đông. Đầu tiên để rèn luyện sức khỏe cho các em, khi mà các em ý thức và đam mê môn cầu lông rồi thì tự bản thân các em sẽ tránh xa các trò chơi game bạo lực, những thói xấu mà ở lứa tuổi các em chưa nhận thức được...

“Dạy các em nắm bắt các kỹ năng, kỹ thuật cơ bản của cầu lông không khó, nhưng để truyền sự đam mê, gắn bó với cầu lông cho các em là điều không dễ, vì trong những năm gần đây, khối lượng học chính khóa, học thêm của các em rất nhiều...” - anh Nhân nói.

Em Trần Khánh Hưng, học sinh lớp 9H, Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc (thành phố Kon Tum) cho biết: Cháu theo học thầy Nhân cũng đã lâu. Cứ tầm 5h chiều nếu không học thêm cháu đều tranh thủ đến đây để học và đánh cùng với mọi người. Năm ngoái, cháu đã mang về cho trường giải Nhất đôi nam và đơn nam cấp tỉnh. Vừa rồi đại diện cho Câu lạc bộ Nhân Sport tham gia giải cầu lông toàn tỉnh năm 2017 cháu tiếp tục giành được giải Nhất đôi nam và đơn nam. Để có thời gian đến đây cháu phải sắp xếp hài hòa lịch học văn hóa và thể thao…

Cần sự tiếp sức

Phong trào cầu lông ở Kon Tum khá phát triển thu hút rất đông người chơi, tuy nhiên hoàn toàn mang tính tự phát. Người chơi tự tập trung, quẩn quanh “ao làng” vui chơi với nhau chứ chưa có sự định hướng đến thành tích cao từ ngành chức năng.

Nội dung đôi nam lứa tuổi từ 55-60 tại giải cầu lông các lứa tuổi năm 2017. Ảnh: G.T

 

Chị Trần Thị Nguyệt – Tổng thư ký Liên đoàn Cầu lông tỉnh cho biết: Hai năm nay Liên đoàn Cầu lông không hoạt động. Liên đoàn chưa tổ chức đại hội được nên không có người đứng đầu. Bộ môn cầu lông cũng chưa được ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch quan tâm như nhiều bộ môn khác, kinh phí mỗi năm chỉ được cấp 20 triệu đồng, không đủ cho các hoạt động. Nếu được ngành chức năng quan tâm, chắc chắn chưa đầy 5 năm tới, tỉnh sẽ có những vận động viên đạt giải ở tầm quốc gia.

Cùng chung những trăn trở đó, anh Nhân mong muốn: Hằng năm, tỉnh cần tổ chức các giải thường niên để các em có điều kiện cọ sát, lúc đó có điều kiện tìm ra được những vận động viên tiềm năng để kịp thời bồi dưỡng, hướng đến thể thao thành tích cao.

Trao đổi với chúng tôi, anh Phan Đình Vũ - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể dục Thể thao tỉnh cho biết: Kinh phí hàng năm chỉ hơn 300 triệu nên Trung tâm tập trung vào các môn không đòi hỏi đầu tư nhiều, lại có khả năng đạt thứ hạng cao như võ thuật. Muốn phát triển bộ môn cầu lông, có những vận động viên tầm quốc gia, đòi hỏi phải có sự quan tâm của tỉnh; đồng thời phải đẩy mạnh xã hội hóa. Về điểm này các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Nha Trang… làm rất tốt, bởi vậy họ rất có thế mạnh về bộ môn cầu lông.

Để bộ môn cầu lông phát triển cả về phong trào và thành tích cao, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh cần có sự quan tâm kiện toàn Liên đoàn Cầu lông tỉnh; chọn những người tâm huyết, có đủ khả năng tham gia điều hành tổ chức này; xây dựng chương trình hành động cụ thể, sát thực, phù hợp thực tiễn địa phương, thu hút nguồn lực xã hội, sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân... Với sự tiếp sức ấy, tin rằng phong trào cầu lông tỉnh nhà sẽ vươn tới tầm cao mới.

Gia Thịnh

Chuyên mục khác