Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

24/05/2023 13:15

Để xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để phát triển phong trào, tạo thói quen đọc sách tích cực trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Ông Phan Văn Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Thời gian qua, tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng, qua đó khơi dậy tinh thần ham đọc sách, hình thành và phát triển kỹ năng đọc cho mọi tầng lớp nhân dân. Bởi, văn hóa đọc không phát triển được thì mục tiêu học tập của mỗi người dân sẽ không thể thực hiện được và sẽ không không có xã hội học tập”.

Thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã ban hành chương trình, kế hoạch triển khai tổ chức nhiều hoạt động thông qua các hội thi, toạ đàm, sinh hoạt ngoại khóa, các hội thi tuyên truyền giới thiệu sách. Thông qua các hoạt động đã xuất hiện nhiều “Đại sứ văn hóa đọc” ở nhiều lứa tuổi, cấp học. Đó là những dấu hiệu đáng vui mừng về ý thức đọc sách của mỗi con người và về sự hình thành, phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng xã hội.

Nhờ triển khai các phong trào đọc sách sâu rộng và đạt hiệu quả đã khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong thế hệ trẻ. Ảnh: H.T

 

Một trong những kết quả nổi bật trong việc lan tỏa văn hóa đọc trên địa bàn là sự ra đời và phát triển của nhiều mô hình, hệ thống thư viện ở nhiều địa phương, trường học ngày càng chất lượng và hiệu quả, tạo điều kiện xây dựng môi trường đọc thuận lợi, thân thiện thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Bà Đỗ Thị Thanh Thủy- Giám đốc Bảo tàng- Thư viện tỉnh cho biết, hệ thống mạng lưới thư viện cộng cộng trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư, củng cố. Hiện tại toàn tỉnh có 1 thư viện tỉnh, 7 thư viện huyện, 51 thư viện cấp xã và nhiều thư viện khác đang được một số địa phương xây dựng, đầu tư. Bên cạnh đó, tính từ năm 2020 đến nay, Thư viện tỉnh đã bổ sung thêm gần 40.000 đầu sách, 70 loại báo, tạp chí và 1 xe thư viện lưu động đa phương tiện… Qua đó, tích cực thực hiện công tác luân chuyển và đưa sách đến với bạn đọc, nhất là các đối tượng học sinh và người dân vùng sâu, vùng xa. Hàng năm,  Bảo tàng- Thư viện tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhằm góp phần khơi gợi, phát triển văn hóa đọc, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, lực lượng thanh niên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và người dân trên địa bàn tham gia.

Cô Ngô Thị Hoài - nhân viên thư viện Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Kon Tum) cho biết: “Để khuyến khích phong trào đọc sách phát triển trong nhà trường, chúng tôi xây dựng nhiều kế hoạch, phong trào để khơi gợi niềm đam mê, ý thức đọc sách tự giác của các em học sinh. Theo đó, xây dựng kế hoạch “Mỗi tuần một câu chuyện” giới thiệu những quyển sách, kể những câu chuyện hay mang ý nghĩa giáo dục trong các tiết chào cờ đầu tuần; phát động học sinh tham gia các cuộc thi phong trào về sách đạt chất lượng cao; bổ sung đa dạng các đầu sách tại thư viện, vận động các em quyên góp sách vở, truyện ủng hộ cho các trường vùng khó khăn. Nhờ những hoạt động tích cực, năm 2021, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong được tặng Giấy khen “Tập thể đã có thành tích xuất sắc trong phát triển phong trào đọc sách tại cơ sở giai đoạn 2019 - 2021”.

Thư viện của Trường Tiểu học Ngô Quyền (thành phố Kon Tum) cũng là một trong những thư viện trường học tiêu biểu trên địa bàn thành phố Kon Tum, đạt thư viện tiên tiến và có nhiều học sinh đạt giải cao tại các Hội thi kể chuyện cấp tỉnh, Đại sứ văn hóa đọc, đặc biệt là giải Nhất cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc truyền cảm hứng năm 2021”.

Cô Đào Thị Thu Hòa- nhân viên thư viện Trường Tiểu học Ngô Quyền cho biết: “Hàng năm, nhà trường xây dựng kế hoạch phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức nhiều hoạt động phong phú và sáng tạo như: Đọc sách sân trường, Xe lưu động, luân chuyển sách, cấp thẻ bạn đọc miễn phí, tổ chức cho học sinh và giáo viên sử dụng máy tính bảng trong tìm và đọc sách, tổ chức Ngày hội đọc sách, tiết đọc thư viện, sân khấu hóa các tác phẩm văn học, sáng tạo mô hình từ những câu chuyện, quyển sách đã được đọc ”.

Có thể nói, những phong trào thiết thực được tổ chức hiệu quả ở các đơn vị, địa phương trong thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về văn hóa đọc, vai trò của sách, tri thức trong đời sống.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển văn hóa đọc hiện nay cũng chịu nhiều khó khăn, thách thức trước sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện số, truyền thông, các tiện ích xã hội hiện đại. Điều nay gây ra tình trạng lười đọc, đọc ít và đọc theo phong trào ngày càng gia tăng.

“Để văn hóa đọc ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng, nhất là trong tầng lớp thanh thiếu niên rất cần sự chung sức, đồng lòng của các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân cùng tích cực hưởng ứng, tham gia. Qua đó, hướng đến việc đọc sách trong mỗi chúng ta trở thành một việc làm có ý thức, tự giác, đọc sách để tăng sự hiểu biết, đọc sách thật khoa học và hiệu quả nhất” - ông Phan Văn Hoàng cho biết thêm.      

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác