Phát triển du lịch thể thao mạo hiểm

03/08/2023 06:09

Với nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, địa hình, tỉnh ta có nhiều tiềm năng để phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm. Nhưng trong thực tế phát triển loại hình du lịch này vẫn còn nhiều khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng để trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn.

Tỉnh ta có điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại hình du lịch thể thao mạo hiểm hấp dẫn, được du khách ưa chuộng. Trong đó, nhiều địa phương có tiềm năng phát triển các môn đặc thù như khinh khí cầu, dù lượn tại huyện Sa Thầy, Đăk Tô, Kon Plông, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum; đu dây, chèo thuyền vượt ghềnh thác trên các lòng hồ thủy điện Sê San, Ya Ly, Plei Krông, Thượng Kon Tum; du lịch sinh thái kết hợp các hoạt động thể chất, leo núi, trải nghiệm tại huyện Kon Plông, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh. Tuy nhiên, các tour du lịch mạo hiểm phần lớn mang tính tự phát, lượng khách tham gia nhỏ lẻ nên doanh thu từ việc phát triển loại hình du lịch này không ổn định.

Thực tế đã có nhiều môn thể thao mạo hiểm được một số đơn vị, địa phương đứng ra tổ chức các giải lớn, thu hút nhiều du khách, các vận động viên chuyên nghiệp đến tham gia nhưng vẫn có những sự cố khó kiểm soát được. Nguyên nhân chủ yếu là khâu tổ chức chưa chuyên nghiệp, đồng bộ; tính cá nhân, tự phát còn cao. Chính vì vậy, loại hình này vẫn chưa được khai thác xứng với tiềm năng.

Dù lượn trên đỉnh Chư Tan Kra. Ảnh: H.T

 

Ông Đỗ Văn Minh - Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Để quản lý hiệu quả, tăng tính chuyên nghiệp cho các loại hình, sản phẩm du lịch, tỉnh ta đã xây dựng đề án đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh của loại hình du lịch thể thao mạo hiểm. Theo đó, tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, đề án chi tiết để triển khai thực hiện; đồng thời tăng cường các giải pháp để siết chặt, tăng cường quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả, giảm thiểu rủi ro đối với các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm này. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý cho du lịch thể thao, mạo hiểm phát triển bền vững, gắn kết và tạo giá trị cho cộng đồng, người dân địa phương; góp phần phát triển du lịch, kinh tế- xã hội của tỉnh”.

Đề án đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành đã phát huy sự chủ động, sáng tạo của các đơn vị, địa phương trong khai thác các tiềm năng vốn có để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, trong đó có các bộ môn thể thao mạo hiểm.

Thời gian qua, việc được tỉnh phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Chư Mom Ray giai đoạn 2021-2030 là “cú hích” giúp đơn vị đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các khâu, phần việc để hoàn thiện nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, trong đó có các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm được du khách ưa chuộng.

Ông Đào Xuân Thủy- Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cho biết: “Do có địa hình phân cắt với nhiều cảnh quan tự nhiên đẹp như các thác nước, suối nước, các đỉnh núi cao, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có thuận lợi để xây dựng, tổ chức các chương trình du lịch gắn với loại hình du lịch thể thao mạo hiểm tại các điểm như thác 7 tầng, thác Bê Rê I, đỉnh cao Chư Mom Ray, đỉnh yên ngựa 1.200m; các hoạt động leo núi chinh phục các đỉnh núi cao, các tuyến đi bộ mạo hiểm xuyên rừng. Đối tượng hướng tới của hoạt động này cần có sức khỏe, thích khám phá và trải nghiệm mạo hiểm. Nằm ngoài ranh giới của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, đỉnh cao Chư Tan Kra đang được tư nhân khai thác để làm điểm bay dù lượn. Ngoài ra còn có các tuyến du lịch nổi tiếng khác như: Đỉnh núi nhọn cao 1.440m ở xã Rờ Kơi; lòng hồ thủy điện Yaly; tuyến du lịch leo núi Sa Nhơn- đỉnh Chư Mom Ray; tuyến du lịch địa hình Sa Thầy- Yabook; tuyến du lịch dài ngày vòng quanh Vườn quốc gia Chư Mom Ray”.

Trên địa bàn tỉnh ta còn rất nhiều địa điểm có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi với địa hình đẹp, nhiều lòng hồ, thác nước là nơi phù hợp để du khách tham quan, khám phá kết hợp với tìm hiểu văn hóa, nghỉ dưỡng, các hoạt động thể thao, trải nghiệm, mạo hiểm.

Ông Lương Bá Hoàng- Giám đốc Khu du lịch sinh thái Hoàng Ánh Kon Xom Lu (làng Kon Xom Lu, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) cho biết: “Chúng tôi chú trọng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, tìm hiểu văn hóa gắn với trải nghiệm, thể thao mạo hiểm tại các con suối, thác, đập nước trong khu vực. Ở mỗi tour, chúng tôi cố gắng kết hợp các sản phẩm, loại hình du lịch lại với nhau để tạo thành chuỗi sản phẩm thu hút du khách; đặc biệt là các hoạt động thể thao, trải nghiệm, mạo hiểm được du khách rất ưa thích, không thể thiếu trong chuyến hành trình của họ”.

Ông Phạm Viết Thạch- Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Kon Rẫy cho biết: “Tuy có nhiều tiềm năng nhưng việc phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm, thể thao mạo hiểm trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Bởi, loại hình du lịch thể thao mạo hiểm này đòi hỏi nguồn lực lớn, sự chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật cao. Trước mắt, chúng tôi tiếp tục thu hút, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này; tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân để triển khai từng sản phẩm cụ thể, qua đó từng bước đánh giá, nâng cao chất lượng. Các hoạt động hướng đến đảm bảo an toàn sinh thái, sinh kế của người dân bản địa, tạo môi trường phát triển lành mạnh, hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp”.    

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác