Phát huy nguồn lực văn hóa vùng DTTS

27/12/2023 13:51

Tỉnh ta có kho tàng văn hóa phong phú, được kết tinh bằng trí tuệ, kinh nghiệm, sự sáng tạo của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Do đó, vấn đề đặt ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đối với các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành chức năng của tỉnh là cần phải khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa để vừa bảo tồn những nét đẹp truyền thống, vừa góp phần phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn bền vững, nhất là vùng DTTS.

Tỉnh ta là nơi hội tụ, là địa bàn cộng cư của nhiều DTTS trong cả nước; trong đó có 7 dân tộc tại chỗ là Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Gié Triêng, Brâu, Rơ Mâm, Hrê. Đồng bào DTTS của tỉnh chiếm khoảng 54% dân số toàn tỉnh. Các hoạt động cộng đồng, đời sống xã hội của đồng bào DTTS luôn gắn liền với rừng, tập quán canh tác nương rẫy dưới hình thức luân canh là chủ yếu; đồng bào DTTS còn biết những nghề thủ công phổ biến là đan và dệt để bổ trợ cho cuộc sống, tự túc về ăn mặc và các vật dụng trong sinh hoạt.

Trước đây, đời sống của đồng bào DTTS ở Tây Nguyên nói chung, ở tỉnh Kon Tum nói riêng hầu như phụ thuộc vào tự nhiên, cộng thêm trình độ dân trí thấp và với quan niệm “vạn vật hữu linh” nên cộng đồng các DTTS có tín ngưỡng đa thần, với mong muốn được các đấng thần linh (Yàng) che chở, đem lại cuộc sống bình an cho cộng đồng. Vì vậy, đồng bào DTTS tại chỗ Kon Tum thường xuyên tiến hành những lễ nghi nông nghiệp gắn với chu kỳ phát triển của cây trồng, mùa vụ để tìm sự trợ giúp của siêu nhiên. Những yếu tố về mặt tự nhiên, xã hội nêu trên chính là cơ sở để hình thành những nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng các DTTS trên địa bàn.

Tỉnh ta sở hữu kho tàng văn hóa dân gian phong phú, đặc sắc của cộng đồng 43 dân tộc anh em. Ảnh: HT

 

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là nguồn lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước, bao gồm nhiều yếu tố cấu thành như: khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, đạo đức xã hội, những kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình lao động. Trong đó, các yếu tố khoa học, giáo dục và đào tạo là những nền tảng quan trọng tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh ta đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hoá, hướng đến vì con người, cộng đồng các dân tộc; nhất là việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, nhiều chính sách, dự án trong dạy và học phát huy tác dụng, giúp hầu hết trẻ em trong độ tuổi được đến trường, học sinh DTTS có thêm điều kiện để học tập, nâng cao trình độ văn hóa, tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật. Từ đó, chất lượng giáo dục của các trường học, trường dạy nghề ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS từng bước được nâng lên.

Hệ thống các trường chuyên biệt dành cho học sinh DTTS ngày càng được củng cố và hoàn thiện; công tác nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS được các cấp, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm.

Trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, tỉnh ta dành nhiều chính sách quan tâm đầu tư cho cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất để nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh liên kết sản xuất, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới có sự tham gia của đồng bào DTTS. Đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế tập thể ở nông thôn được hình thành, phát triển, đặc biệt là trong khu vực đồng bào DTTS. Một số sản phẩm OCOP trong lĩnh vực dược liệu ra đời, tạo dựng được các chuỗi liên kết với bà con người DTTS ở các huyện như Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Tô thông qua các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác liên kết sản xuất, cung ứng nguyên liệu.

Giáo dục là con đường hiệu quả nhất để tạo ra nhiều giá trị văn hóa bền vững. Ảnh: HT

 

Tỉnh ta cũng dành nhiều nguồn lực quan tâm đầu tư, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống, đã phục dựng, lưu giữ nhiều loại hình tiêu biểu về lễ hội, dân nhạc, dân ca, dân vũ, nhà rông, cồng chiêng. Trong đó, có khoảng 2.500 bộ cồng chiêng với khoảng 30 loại khác nhau được bảo tồn, lưu giữ. Đồng thời, đã trang bị 137 bộ cồng chiêng, trống cho 137 thôn, làng DTTS tại chỗ không có cồng chiêng; có 409/503 thôn, làng DTTS tại chỗ bảo tồn, khôi phục được nhà rông truyền thống. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 100% các làng DTTS có nhà rông và cồng chiêng

Có thể thấy, hiện nay, sự phát triển kinh tế- xã hội ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh không chỉ dựa vào các điều kiện tự nhiên sẵn có, mà đã phát huy được những tiềm năng về khoa học, kỹ thuật, trình độ dân trí, vận dụng những tư duy, nếp nghĩ, cách làm mới của bà con.

Để nâng cao hiệu quả hơn nữa, các cấp ủy đảng, các ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo được sự chuyển biến về nhận thức, làm thay đổi lối nghĩ, năng lực hoạt động thực tiễn của bà con vùng đồng bào DTTS. Trong đó, cần phân tích, nhìn nhận những ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa để kịp thời có những điều chỉnh, giải pháp hiệu quả trong việc tuyên truyền, vừa góp phần bảo tồn được những nét văn hóa đặc sắc, vừa tạo được nguồn lực văn hóa bền vững để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác