Phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam

21/03/2022 07:16

Với chủ đề “Trường Sơn -Tây Nguyên-Đoàn kết, bản sắc và phát triển”, Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022 được tổ chức (từ 16-19/3) tại thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) đã khép lại và thành công ngoài mong đợi.  

Nhiều tiết mục đặc sắc

Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III quy tụ hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đại diện cho 19 tỉnh, thành phố, đại diện cho 6 vùng văn hóa và 6 nền văn hóa của 6 dân tộc khác nhau hội tụ về Măng Đen. Họ đến Liên hoan để được trình diễn, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc nhất của dân tộc mình và qua đây để được học hỏi, giao lưu với cộng đồng các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc.

 
Các đội tham gia thi diễn xướng, hát dân ca, dân vũ. Ảnh: PN

 

 
 
Trình diễn giới thiệu trang phục truyền thống tại Liên hoan. Ảnh: PN

 

Đánh giá về Liên hoan, ông Nguyễn Công Trung (Bộ VHTT&DL), Phó Ban tổ chức Liên hoan cho biết: Trong 4 ngày diễn ra Liên hoan, đã có khoảng 100 tiết mục diễn xướng, dân ca, dân vũ; trình diễn 19 bộ trang phục truyền thống và làm 19 mâm cỗ truyền thống, cùng 200 bộ cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc đã được các nghệ nhân tâm huyết trình diễn bằng cả trái tim và trách nhiệm bày tỏ sự tri ân với tổ tiên và các bậc tiền nhân đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với người dân và du khách đến với Măng Đen. Liên hoan đã thành công ngoài mong đợi. Điều đáng mừng, các đoàn mang đến Liên hoan nhiều tiết mục rất đặc sắc mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc ở địa phương. Với các tích trò miêu tả lại những hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc, tại Liên hoan này xuất hiện rất nhiều các tích trò hay, đảm bảo tính nguyên bản, chưa thấy tích trò nào có cải biên. Đặc biệt, nhiều loại hình nhạc cụ của đồng bào dân tộc thiểu số bị hạn chế bởi các tập tục mà đồng bào ít khi tham gia trình diễn nhưng đợt liên hoan này đã thấy xuất hiện. Đó là điều rất mừng.

Mâm cỗ của đoàn Đồng Nai. Ảnh: PN

 

Ngoài ra, với ông Trung là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nhiều năm nhưng lần đầu tiên tại Liên hoan này ông cũng mới được nghe nhiều làn điệu dân ca, dân vũ rất đặc sắc. Đơn cử như các tiết mục:“Lễ cấp sắc” của đoàn tỉnh Tuyên Quang; “Mừng nhà mới” đoàn Nghệ An; “Lễ hội chạy gió” đoàn Bắc Ninh, “Đào lý một cành” đoàn Hải Dương, “Cô đôi thượng ngàn” đoàn Vĩnh Phúc; “Xẩm chợ” đoàn Hà Nam; “Tục cưới hỏi người Thái” đoàn Thanh Hóa; “Lễ cúng gọi hồn” đoàn Quảng Trị; “Rước cây nêu” đoàn Thừa Thiên Huế… cho thấy mỗi nơi một nét đặc sắc riêng.

Hay như sự khát khao no đủ và tình cảm gắn kết được thể hiện qua các nghi lễ “Giọt nước” đoàn Kon Tum, “Mừng lúa mới” đoàn Lâm Đồng, “Lễ cầu mưa” đoàn Quảng Nam, “Đấu chiêng” đoàn Quảng Ngãi, “Lễ kết nghĩa anh em” đoàn Đăk Lăk, “Lễ hội Mừng mùa dân tộc Mnông” đoàn Đăk Nông… do các nghệ nhân trình diễn, tái hiện hết sức lôi cuốn làm tất cả cùng vỡ òa cảm xúc.  

“Ngoài ra, tại Liên hoan lần này, các tiết mục diễn xướng: "Ngày mùa" đoàn Đồng Nai, "Chimmohori và Chầm riêng chà Pay" đoàn An Giang, "Chúc phúc và Nguyên tiêu thịnh Hội" đoàn Thành phố Hồ Chí Minh của đồng bào các dân tộc Hoa, Kheme và Chơ ro được tái hiện giúp chúng ta tìm thấy sự co giãn hữu tình theo diễn biến nhịp nhàng của đời sống, đánh thức không gian bát ngát cho các làn điệu hát ru, câu hò điệu lý rập rình tự tình, trải dài qua miền ký ức và xúc cảm mênh mang”- ông Trung cho biết.

Cũng theo đánh giá của ông Trung, Liên hoan lần thứ III này có nhiều hoạt động phong phú đa dạng hơn nhiều so với 2 lần trước. Điều đó cho thấy việc tổ chức thường niên Liên hoan 2 năm một lần là một quyết định đúng đắn.

Ông Nguyễn Công Trung cho biết: Việc tổ chức Liên hoan này dù chỉ trong 4 ngày nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc kết nối, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trong cộng động các dân tộc Việt Nam được giao lưu, học hỏi, thắt chặt thêm tình đoàn kết.. Bởi, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, rất ít có dịp được đến các vùng khác để giao lưu. Từ đó, cùng nhau gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Cần tiếp tục bảo tồn và phát triển trong sinh hoạt cộng đồng

“Sao nỡ để kho tàng văn hóa dân gian dân tộc chỉ tồn tại trong ký ức người già hoặc nằm im trong những trang giấy cũ phủ bụi thời gian và thậm chí tệ hơn nữa là được tạo nên bởi những đơn đặt hàng phục vụ các sự kiện, hoặc các hoạt động giao lưu, quảng bá, đối ngoại. Những truyền nhân, nghệ nhân có tâm huyết hiện đang sinh sống tại các bản, làng canh cánh một nỗi lo về di sản văn hóa quý giá của dân tộc đang dần chìm vào quên lãng, tiềm ẩn một viễn cảnh: Rồi một mai, tiếng hát ru dần phai phôi trên môi người mẹ, thất lạc trong ký ức người con. Trẻ em lớn lên không biết đánh chiêng thổi kèn, hát lên câu hò điệu lý, không tròn vành rõ chữ khi phát âm tiếng dân tộc bản địa, không biết mặc trang phục do ông bà, cha mẹ làm ra”- đó là điều ông Nguyễn Công Trung trăn trở trong bài phát biểu tại Lễ bế mạc Liên hoan.

 
Đoàn Kon Tum tham gia biểu diễn. Ảnh: PN

 

Vì vậy, theo ông Trung, việc giữ gìn văn hóa dân tộc không thể một sớm một chiều, không phải một người hay một ngày mà phải kiên trì nhiều năm. Cần đánh thức, kêu gọi lòng tự hào dân tộc để người dân tự nguyện tham gia bảo tồn di sản, không chỉ là người kế thừa mà phải là những chủ thể mang căn tính văn hóa riêng biệt, đó là sức sống nội sinh làm nên bản sắc.

Liên hoan, hội thi chỉ là một trong những biện pháp nghiệp vụ, vì vậy cần khuyến khích các hoạt động văn hóa tại địa phương thông qua các lễ thức vòng đời của mỗi gia đình, lễ nghi nông nghiệp trong từng làng buôn… gắn liền với các lễ thức đoàn thể, tiến tới giảm dần những hình thức cũ rườm rà tốn kém, khuyến khích giảm phần lễ, tăng hình thức vui chơi tập thể. Tăng cường giảng dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc. Đây là những vấn đề mang tính chiến lược nên cần lắm những tấm lòng, sự sáng tạo của người tổ chức và đặc biệt là nguồn kinh phí cần có.

“Muốn giữ được nét truyền thống văn hóa chúng tôi phải truyền dạy, lớp già truyền lớp trẻ, giữ trong sinh hoạt hàng ngày; chứ chúng ta không phải làm để phục vụ sự kiện văn hóa, phục vụ du lịch, hoạt động giao lưu mà phải được diễn ra hàng ngày, trong dịp sinh hoạt của chung cộng đồng tại địa phương”- ông Nguyễn Công Trung nhấn mạnh.

Phúc Nguyên 

Chuyên mục khác