01/10/2024 13:00
Trong một lần đến thôn Đăk Rơ Chót, chúng tôi được gặp nghệ nhân Y Hen- người còn giữ nhiều kỹ thuật và bí quyết dệt, tạo hoa văn độc đáo trên trang phục thổ cẩm truyền thống dân tộc Ba Na. Từ nhỏ, bà lớn lên trong lời ru và tiếng kẽo kẹt của khung cửi dệt vải của mẹ, khiến tình yêu dành cho nghề dệt thổ cẩm lớn dần theo năm tháng. Năm 20 tuổi bà đã biết dệt thông thạo các loại vật dụng trong nhà như khăn, túi, váy, áo, chăn.
Nghệ nhân Y Hen cho biết: “Mẹ tôi luôn căn dặn là con gái Ba Na phải biết dệt thổ cẩm. Vì vậy, ngay còn nhỏ, tôi đã được mẹ dạy cách se chỉ, nhuộm màu, dệt vật dụng cơ bản như túi, khăn, rồi đến tấm chăn, khố, váy, áo. Để thành thục như ngày hôm nay, tôi đã phải học hỏi rất nhiều”.
Hằng ngày nghệ nhân Y Hen bận lên rẫy nên chỉ tranh thủ dệt mỗi buổi sáng sớm hoặc khi chiều muộn. Đó là thói quen gần 40 năm nay của bà để “thổi hồn” cho nghề dệt thổ cẩm đồng bào Ba Na nơi đây. Bà không nhớ đã dệt bao nhiêu tấm khố, váy, áo, chăn cho khách, chỉ biết những người dùng sản phẩm của bà đều khen là tinh tế và sắc sảo. Ai đã mua thổ cẩm của bà một lần thì sẽ quay lại, cứ thế tiếng tăm về tay nghề của bà lan khắp vùng.
|
Từ lòng nhiệt huyết dành cho nghề dệt mà sản phẩm của nghệ nhân Y Hen được biết đến là đẹp nhất nhì thôn Đăk Rơ Chót. Ngoài ra, bà còn miệt mài truyền dạy cho chị em phụ nữ ở thôn dệt những họa tiết khó. Bà thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, truyền dạy và hướng dẫn kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống do xã, huyện tổ chức. Cứ như vậy, gần 20 năm qua, bà đã truyền cảm hứng, dạy nghề dệt thổ cẩm cho gần 300 người phụ nữ trong và ngoài thôn.
Bên cạnh dệt thổ cẩm, nghệ nhân Y Hen còn biết đánh cồng chiêng và hát dân ca Ba Na. Bà cho biết, trong tất cả các buổi sinh hoạt, lễ hội, thậm chí trong đám tang của người Ba Na trước đây đều không thể thiếu vắng tiếng cồng chiêng. Trước đây, theo phong tục nam giới mới được đánh chiêng, còn phụ nữ chỉ múa xoang. Nhưng hiện nay chị em phụ nữ trong thôn đã dần tiếp xúc với cồng chiêng và trình diễn không khác gì đội chiêng nam.
“Từ nhỏ, tôi đã bị mê hoặc bởi tiếng cồng chiêng mỗi khi thôn có lễ hội. Lớn lên, tôi thích được trực tiếp đánh cồng chiêng nên luôn ấp ủ một ngày nào đó thành lập đội cồng chiêng nữ. Đến năm 2003, tôi cùng các nghệ nhân khác trong thôn vận động nhiều chị em học đánh cồng chiêng và thành lập đội chiêng nữ với 30 thành viên. Từ đó đến nay, cuối tuần nào chúng tôi cũng đến nhà rông của thôn tập luyện để phục vụ lễ hội, hội thi, sự kiện lớn của địa phương”- nghệ nhân Y Hen chia sẻ.
Am hiểu nhiều nét văn hóa truyền thống nhưng có lẽ, chúng tôi vẫn ấn tượng nhất với giọng hát dân ca của nghệ nhân Y Hen. Giọng của bà lúc hùng tráng, lúc bay bổng, não nề khiến người nghe bị lôi cuốn, chăm chú lắng nghe từng câu từ. Hiện bà thuộc lòng hơn 10 bài hát có độ dài ngắn khác nhau. Được biết, bà khá kiệm lời và hơi rụt rè trong giao tiếp. Tuy nhiên, khi bà nhập tâm vào từng bài hát thì phong thái hoàn toàn trái ngược.
|
Tại Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS huyện Đăk Hà lần thứ I năm 2022, nghệ nhân Y Hen đạt giải Nhất trong phần thi trình diễn làn điệu dân ca truyền thống. Bà cùng đoàn nghệ nhân của xã Đăk La tham gia tiết mục trình diễn cồng chiêng, xoang và đạt giải Nhất.
Với những đóng góp của mình, nhiều năm qua, nghệ nhân Y Hen được các cấp, các ngành tặng bằng khen, giấy khen là nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, trình diễn văn hóa dân gian.
Ông Trần Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk La cho biết: “Bà Y Hen là nghệ nhân nữ duy nhất của xã biết đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm và hát dân ca người Ba Na. Thời gian qua, bà cùng các nghệ nhân ở xã tích cực truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, bà cũng thường xuyên tham gia hoạt động văn hóa do xã, huyện tổ chức, góp phần tích cực vào gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Ba Na tại địa phương”.
Mai Vàng