12/02/2023 06:25
Ngay từ lần đầu tiên được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán Bính Thân (2016), hoạt động “trải nghiệm và khám phá” được Bảo tàng Kon Tum tổ chức đã khẳng định là chương trình thực tế hiệu quả nhằm đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại.
Theo bà Đỗ Thị Thanh Thủy - Giám đốc Bảo tàng Kon Tum, trên cơ sở tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, chương trình trải nghiệm, khám phá của Bảo tàng Kon Tum có sự sáng tạo, đổi mới nhất định, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, song vẫn mang sắc màu riêng. Không chỉ giới thiệu nét đẹp cồng chiêng - xoang, các nghề truyền thống, các trò chơi dân gian, nhạc cụ dân tộc để chiêm ngưỡng, cảm nhận; chương trình còn làm cầu nối giúp mọi người tìm hiểu, làm quen, trải nghiệm cùng văn hóa dân tộc bằng cách trực tiếp tham gia chế tác, sử dụng sản phẩm nhờ sự hướng dẫn của các nghệ nhân.
|
Có thể nói, dấu ấn từ các lần tổ chức nhân sự kiện Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3 (tháng 3/2016), nhân dịp đón xuân Đinh Dậu 2017, Tuần Văn hóa - Du lịch Kon Tum lần thứ IV (năm 2018) cũng như Hội Báo Xuân hai năm gần đây ngày càng chứng tỏ sức hấp dẫn của chương trình trải nghiệm, khám phá văn hóa dân tộc tại Bảo tàng Kon Tum.
Thông qua nội dung thể hiện dung dị mà độc đáo, đơn sơ mà lạ lẫm tại đây, các DTTS lâu đời ở bắc Tây Nguyên cũng như các DTTS anh em từ mọi miền đất nước đều có dịp giới thiệu nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc đến nhân dân trong tỉnh và du khách gần xa.
|
Tuy vậy, trên thực tế, chương trình trải nghiệm, khám phá tại Bảo tàng Kon Tum chủ yếu mới chỉ được tổ chức vào dịp Tết hay nhân các sự kiện của tỉnh và phụ thuộc vào khả năng cân đối kinh phí của đơn vị. Các nghệ nhân đều tâm huyết, trách nhiệm khi tham gia chương trình, cố gắng thể hiện nét đẹp, sự độc đáo của văn hóa dân tộc; họ cần được đảm bảo điều kiện vật chất để chuẩn bị chu đáo nguyên vật liệu, bố trí các công đoạn chế tác, sáng tạo. Vì vậy, để chương trình ngày càng mới mẻ, hấp dẫn, Bảo tàng Kon Tum luôn phải cân nhắc, tính toán để có thể bổ sung nội dung, hình thức phù hợp, cũng như để có thể giới thiệu thêm những nghệ nhân mới, nét đẹp của từng địa bàn khác nhau; góp phần tạo nên sức sống của một chương trình bảo tồn văn hóa gắn với giáo dục truyền thống mang tính thực tiễn.
Bên cạnh đó, nếu được sự quan tâm phối hợp của các đơn vị, trường học, nơi đây hoàn toàn có thể trở thành “sân chơi” mang tính tập thể bổ ích, không gian “ngoại khóa” lý tưởng, hay “địa chỉ xanh” hấp dẫn để giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc, góp phần giáo dục, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh, sinh viên nói riêng, thanh thiếu nhi nói chung.
Tham gia hoạt động “trải nghiệm, khám phá” tại Bảo tàng Kon Tum, chắc hẳn nhiều người hi vọng rằng, mỗi lần đến đây sẽ lại là một lần đón nhận sự mới mẻ, hấp dẫn.
Thanh Như