Nơi giữ hồn làng

17/07/2019 06:04

Giống như bao ngôi làng khác của dân tộc Giẻ Triêng, nhà rông làng Đăk Gô (xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei) được dựng ở vị trí đẹp nhất làng, từ rất xa đã có thể thấy mái nhà rông cao vút. Hàng năm, những lễ hội vẫn diễn ra ở đó. Trong tâm thức của dân làng, nhà rông là nơi giữ hồn làng, và họ luôn nhắc đến nhà rông với niềm tự hào vô bờ bến...

Một buổi chiều mưa lất phất, chúng tôi ngồi trong nhà rông nghe ông A Phất- Bí thư Chi bộ thôn Đăk Gô kể về chuyện dân làng dựng nhà rông năm xưa.

Các cháu à - ông vít cần rượu, rủ rỉ nói - với bất cứ làng Giẻ Triêng nào, nhà rông luôn nằm ở vị trí đẹp nhất, hàng năm, những lễ hội vẫn diễn ra ở đó. Dù có lưu lạc đến đâu, dân làng vẫn dựng nhà rông, để cháu con mai sau biết ông bà mình có ngôi nhà chung như thế. Làng Đăk Gô cũng vậy, dù là trong thời kháng chiến, gian khó là thế, bom đạn là thế, nhưng làng vẫn dựng được nhà rông.

Ngày xưa, khi đất nước chưa hết chiến tranh, làng Đăk Gô ở tít trên núi, giáp với nước Lào. Khi đất nước giải phóng, dân làng quyết định dời làng từ trên núi xuống. Ông A Phất là một trong những thanh niên của làng được giao nhiệm vụ cùng với già làng đi tìm nơi định cư mới cho làng. Qua nhiều ngày trời ròng rã trèo núi vượt rừng, mọi người tìm được vùng đất mới, là nơi làng đang định cư hiện tại.

Việc đầu tiên khi đến làng mới là dựng nhà rông, để linh hồn của làng có nơi trú ngụ - ông A Phất nhớ lại.

Khi ấy, làng chỉ có vài chục hộ dân sống quần tụ bên nhau, nhà rông của làng cũng nhỏ và thấp hơn bây giờ. Qua thời gian, dân số trong làng tăng dần lên, diện tích của làng cũng được mở rộng. Đến năm 2002, khi thấy nhà rông cũ đã xuống cấp, không còn đủ điều kiện để sinh hoạt, bà con họp bàn và đi đến quyết định dựng nhà rông mới.

Để xứng đáng là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng và là biểu tượng sức mạnh, quyền lực của làng, mọi người quyết tâm xây dựng nhà rông mới to và đẹp. Dân làng bầu ra ban điều hành, gồm các vị cao tuổi, già làng, thôn trưởng, có nhiệm vụ điều hành toàn bộ quá trình thực hiện, từ khâu thiết kế, thành lập các tổ thợ, đến phân công nhiệm vụ tìm vật liệu, giám sát, đôn đốc mọi người…

8 tổ thợ được thành lập, mỗi tổ gồm 12 người đàn ông khỏe mạnh, những người này có nhiệm vụ vào rừng tìm những vật liệu chính để về làm chân cột, làm khung, làm phên vách và tham gia vào việc dựng nhà rông. Việc tìm vật liệu làm phần mái nhà rông được giao cho từng hộ dân với quy định “1 khẩu nộp 5 bó cỏ tranh”; mỗi hộ trong làng cũng tham gia đóng góp 10.000 đồng.

Anh A Than - Thôn trưởng Đăk Gô, người tham gia vào việc xây dựng nhớ lại, để đủ cỏ tranh làm phần mái, phụ nữ trong làng tranh thủ sau khi hoàn thành việc rẫy, vườn đã đi cắt suốt nhiều tuần liền. Những vật liệu còn lại, anh và những người khác phải đi tận vào rừng sâu, thậm chí về lại làng cũ mới tìm được. Thời gian đi tìm từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, vì theo kinh nghiệm của mọi người, thời điểm này các cây gỗ khô, đáp ứng được yêu cầu sử dụng.

“Vất vả nhất là tìm 12 cây mít rừng để làm chân cột nhà rông. Cứ tìm được một cây, mọi người lại phải cùng nhau kéo vài ngày liền mới về đến làng”- anh A Than kể.

Việc kéo những cây gỗ lớn, gỗ nhỏ được thực hiện trong nhiều tháng liền. Khi các cây gỗ được kéo về, dân làng bắt đầu phân loại, những cây lớn làm trụ, làm khung thì được đem ra cắt rồi đục các khớp nối ráp vào với nhau. Những cây nhỏ làm xà ngang hoặc chống chéo thì được ngâm trong bùn một tháng nhằm tránh mối mọt.

Khi khung nhà rông được dựng lên, mọi người bắt đầu lợp mái và đan phên vách. Để đảm bảo chắc chắn, sàn gỗ được đóng bằng đinh gỗ. Việc sơn, vẽ các chi tiết hoa văn được thực hiện dưới sự hướng dẫn của những vị cao tuổi trong làng.

Vì bà con vừa làm rẫy vừa tranh thủ tham gia dựng nhà rông, cộng thêm những tháng mùa mưa, nên công trình nhà rông của làng kéo dài tới 2 năm mới hoàn thành, cao 15m, rộng 12m, dài 20m, có thể chứa hơn 600 người, lừng lững vươn cao giữa trời xanh trong niềm vui sướng, tự hào của dân làng. Bên trong nhà rông, ở vị trí trang trọng nhất được treo ảnh Bác Hồ và cờ Tổ quốc; nội quy của làng.

“Không thể tính toán được giá trị vật chất để làm nên nhà rông đâu. Vì để dựng nhà rông, toàn thể dân làng đều góp công, góp sức cả. Từ người già đến trẻ em, ai cũng tự thấy phần trách nhiệm của mình trong đó và tự giác thực hiện”- thôn trưởng A Than phấn khởi nói.

Nhà rông làng Đăk Gô. Ảnh: ĐT

 

Nhà rông là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, lễ hội quan trọng của làng; là nơi hội họp, học tập các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước; tổ chức lễ cưới cho các đôi lứa. Buổi chiều mỗi ngày, tại sân nhà rông, trẻ em tập trung nô đùa, thanh niên thì tổ chức các hoạt động thể thao. 

Đều đặn 2 lần trong tháng, dân làng lại tập trung quét dọn, vệ sinh nhà rông và khuôn viên, nên nhà rông lúc nào cũng sạch sẽ. Thanh niên trong làng còn trồng thêm nhiều cây xanh xung quanh nhà rông để cảnh quan thêm đẹp.

Sau hơn 15 năm từ khi được xây dựng, nhà rông Đăk Gô chỉ sửa chữa một lần vào năm 2010. Lần đó, phần mái và phên vách của nhà rông bị hư hỏng do ảnh hưởng thời tiết. Không như một số làng khác thay phần mái bằng tôn, dân làng Đăk Gô tiếp tục vào rừng tìm cỏ tranh, cây nứa để về thay thế.

Nhắc đến việc tìm nguồn vật liệu để thay thế khi phần mái và phên vách của nhà rông bị hư hỏng trong tương lai, ông A Phất cho hay đây là vấn đề làm dân làng lo lắng. "Khoảng 3 năm nữa, dân làng sẽ phải sửa chữa lại phần mái và phên vách. Hiện tại cỏ tranh và cây nứa không còn nhiều như lúc trước, đặc biệt là cỏ tranh, ngày càng khan hiếm. Vì vậy, dân làng đang cố giữ gìn những khu vực có cỏ tranh mọc, không phun thuốc hay phát rẫy- ông A Phất tiết lộ.

Khi chúng tôi chia tay làng Đăk Gô trời chợt hửng nắng. Ráng chiều nhuộm đỏ mái nhà rông. Dù đã đi khá xa, tôi vẫn nhìn thấy mái nhà rông sừng sững vươn lên như một lưỡi rìu khổng lồ giữa trời chiều...

ĐỨC THÀNH

Chuyên mục khác