10/05/2020 13:05
“Như Lễ hội mừng giọt nước của làng. Từ thời xưa, người dân trong thôn đã cùng nhau đi tìm những mạch nước để làm giọt nước làng. Từ giọt nước này, dân làng làm những chiếc máng nhỏ để dẫn nước về các mái nhà. Bây giờ cuộc sống hiện đại, nhà nào cũng đã có nguồn nước riêng, không còn phụ thuộc vào giọt nước như trước nữa. Tuy nhiên, Lễ hội mừng giọt nước đến nay vẫn luôn được duy trì, tổ chức vào đúng ngày 8/12 hàng năm, như nhắc nhở mỗi người về một tập tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc” - Nghệ nhân Y Khar dẫn chứng.
Như hầu hết các lễ hội trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, Lễ hội mừng giọt nước của dân làng Kon Klốc gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Ngay trước khi diễn ra lễ hội, bà con sẽ tập trung tu sửa giọt nước của làng. Bất kể là già, trẻ, gái, trai, mỗi người đều phải đóng góp sức mình để chuẩn bị cho lễ hội. Trai tráng trong thôn sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa, thay thế những chỗ hư hỏng của máng nước giọt. Phụ nữ và trẻ em cùng nhau vệ sinh nơi đầu nguồn nước…
Lễ hội mừng giọt nước thường được chuẩn bị hết sức kỹ càng, bởi dân làng quan niệm, tìm được nguồn nước tốt sẽ đem lại cuộc sống sung túc cho mọi nhà, không ốm đau, bệnh tật. Trong phần lễ, dân làng sẽ chuẩn bị một con heo hoặc gà để già làng cắt tiết, sau đó nhỏ 3 giọt máu vào giọt nước, chờ máu đó hòa tan, trộn đều với nước giọt cho đến khi trong vắt già làng sẽ uống thử nước trong giọt, để nếm vị, qua đó quyết định liệu nước đó có đủ để nuôi sống dân làng không.
|
Bây giờ cuộc sống dân làng đã định cư lâu dài, không còn phải lo đi kiếm tìm nguồn nước như trước đây nữa, nhưng phong tục này vẫn được bà con duy trì thực hiện hàng năm, tuy nhiên, nhiều thủ tục rườm rà được giảm bớt.
Nghỉ một chút, Nghệ nhân Y Khar tiếp tục giới thiệu với chúng tôi một lễ hội khác của làng, đó là Lễ hội mừng lúa mới. Từ xưa, đây là một trong những lễ hội rất quan trọng, thường được tổ chức sau khi kết thúc vụ mùa vào ngày 10/10 Âm lịch hàng năm.
Tại thôn Kon Klốc, Lễ hội mừng lúa mới được tổ chức riêng theo từng hộ. Lễ hội diễn ra khi lúa đã được gặt, phơi xong, và được cất vào bao. Mang lúa về kho, gia đình sẽ làm gà và chuẩn bị ghè rượu để cúng. Tiết gà được gia đình dùng để bôi vào bao lúa, bậc thang lên xuống và 2 bên cánh cửa của nhà kho. Đây là lễ cúng được tổ chức hàng năm, có ý nghĩa tôn vinh hạt thóc của Giàng ban cho dân làng.
Việc tổ chức lễ lớn hay nhỏ tùy thuộc vào khả năng thu hoạch được nhiều hay ít của từng gia đình và cũng theo đó mà thời gian có thể kéo dài một hay nhiều ngày. Đây cũng là dịp để gia chủ mời bà con, họ hàng, bạn bè cùng đến vui chơi, ăn uống, múa hát, nhà nào có đông khách coi như là niềm vinh dự.
Một lễ hội nữa của dân làng Kon Klốc không thể không nhắc đến là Mừng nhà rông. Tuy không tổ chức thường xuyên, chỉ thực hiện mỗi khi sửa chữa, nâng cấp nhà rông, nhưng lễ hội này thường được tổ chức rất lớn. Mỗi khi làng dự định tu sửa nhà rông, đều phải báo trước cho bà con khoảng thời gian dài, để bà con tiết kiệm, dành dụm tiền mua trâu, heo tổ chức lễ hội. Khi việc sửa chữa nhà rông được phát động, dân làng đều hăng hái tham gia. Không phân biệt tuổi tác, giới tính, mỗi người đều phải có trách nhiệm trong việc góp phần xây dựng “hồn” của làng. Tùy vào số nhân khẩu trong gia đình, già làng sẽ tính toán các phần việc hợp lý để phân công cho từng hộ.
Sau khi nhà rông hoàn thành, mọi người trong thôn sẽ cùng nhau thực hiện các nghi lễ, rồi ngồi quây quần, ăn uống, múa hát... Khi ấy, những người già sẽ kể cho lớp trẻ nghe câu chuyện về quá trình xây dựng làng, những khó khăn vất vả, cũng như công sức để hình thành nên một nếp nhà rông.
Sẽ là thiếu sót, nếu nhắc đến các lễ hội truyền thống mà không nói về văn hóa cồng chiêng của người dân Kon Klốc. Đây là một trong những món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con từ bao đời nay. Trong các lễ hội, mỗi khi tiếng cồng chiêng được vang lên, như một chiếc cầu nối, nhắc nhở mọi người về cội nguồn của dân tộc. Văn hóa cồng chiêng tại thôn Kon Klốc luôn được kế thừa và phát triển mạnh mẽ.
Nghệ nhân Y Khar cho biết: Hiện tại, toàn thôn Kon Klốc có 3 đội cồng chiêng. Trong đó, đội trung niên và thanh niên mỗi đội gồm 25 thành viên, đội thiếu nhi gồm 30 thành viên. Các đội cồng chiêng đã được đi biểu diễn nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, qua đó, nhận được rất nhiều lời khen và giải thưởng. Những năm gần đây, cũng đã có rất nhiều người đến với thôn Kon Klốc để tìm hiểu và thưởng thức tiếng cồng chiêng tại nơi đây. Tôi tin rằng, tiếng cồng tiếng chiêng của Kon Klốc sẽ ngày càng bay cao, bay xa hơn.
Tất Thành