Người dân thôn Vang Loa gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng

26/09/2024 13:08

Từ bao đời nay, các nghi lễ truyền thống, trong đó, có văn hóa cồng chiêng, múa xoang luôn gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở thôn Vang Loa, xã Măng Bút (huyện Kon Plông).

Đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở thôn Vang Loa nói riêng và cộng đồng dân tộc Xơ Đăng ở xã Măng Bút nói chung rất phong phú và đa dạng, bao gồm những phong tục tập quán, tín ngưỡng và các lễ hội truyền thống của dân tộc Xơ Đăng (như ăn lúa mới, cúng máng nước…).

Ở thôn Vang Loa, đồng bào dân tộc Xơ Đăng trong thôn thường tổ chức sinh hoạt các nghi lễ liên quan đến sản xuất nông nghiệp một cách trang nghiêm và thành kính nhằm bày tỏ tấm lòng của người dân muốn cảm tạ thần linh đã ban phát, chở che và đem đến những thuận lợi trong đời sống sinh hoạt, theo tín ngưỡng đa thần.

Một trong số nghi lễ truyền thống quan trọng mà đồng bào Xơ Đăng ở thôn Vang Loa vẫn duy trì tổ chức cho đến tận ngày nay đó là lễ cúng máng nước.

Người Xơ Đăng ở thôn Vang Loa tái hiện lễ cúng máng nước. Ảnh: Đ.T

 

Những người lớn tuổi ở thôn cho biết, lễ cúng máng nước thường được tổ chức vào tháng 11 hoặc tháng 12 hằng năm. Bà con Xơ Đăng trong thôn quan niệm rằng, nguồn nước quan trọng hơn cả cơm ăn, áo mặc và cuộc sống có tốt tươi, sinh sôi nảy nở đều nhờ nguồn nước. Vì vậy, việc tổ chức lễ cúng máng nước để thần nước, thần núi, thần sông biết được thôn có người dân sinh sống, từ đó, các vị thần che chở, ban tặng cho người dân sức khỏe và làm ăn phát đạt.

Lễ cúng máng nước là dịp đồng bào Xơ Đăng ở đây cùng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, thông qua hoạt động lễ hội như đánh cồng chiêng, múa xoang và nấu những món ăn truyền thống. Đây cũng là dịp bà con trong thôn cùng nâng cao ý thức gìn giữ nguồn nước sạch và bảo vệ cảnh quan môi trường cho thôn.

Trước khi lễ cúng máng nước diễn ra, già làng cùng các chàng trai vào rừng tìm nguồn nước chảy tự nhiên và chặt các cây lồ ô để làm máng dẫn nước chảy về thôn. Tại vị trí đầu nguồn nước, già làng dựng cột “gâng” để gửi tín hiệu xin nước từ thần sấm sét và mong vị thần này giúp đỡ người dân trong thôn có được nguồn nước dồi dào.

Khi bắt đầu làm lễ, già làng cầm máng nước làm bằng cây lô ô có chứa tiết của con gà, con dúi hoặc con heo và khấn các vị thần chứng kiến, cầu xin các vị thần luôn cung cấp nguồn nước đầy đủ và trong lành để người dân trong thôn khỏe mạnh, có được mùa màng bội thu và đàn vật nuôi chật sân. Sau khi khấn các vị thần xong, già làng tiến hành khơi thông, dẫn nguồn nước tự nhiên chảy xuôi về thôn theo các máng lồ ô.

Ở điểm cuối của máng nước, các gia đình trong thôn đều đứng đợi và cầm trên tay những ống lồ ô có kích thước lớn để hứng những dòng nước chảy từ núi về. Các gia đình sau đó cùng đem nước lấy được đi nấu cơm và đổ vào ghè rượu. Mọi người cùng vui vẻ ăn uống, múa hát, đánh trống, đánh cồng, chiêng.

Đội cồng chiêng xoang của thôn Vang Loa hiện có hơn 50 người. Ảnh: ĐT

 

Từ xưa đến nay, cồng chiêng là nhạc cụ dân tộc không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần và luôn gắn bó mật thiết với các nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở thôn Vang Loa. Tiếng cồng, tiếng chiêng hay những điệu múa xoang được xem là hơi thở của cuộc sống, phản ánh quá trình lao động sản xuất của bà con trong thôn. Hoạt động biểu diễn cồng chiêng và múa xoang còn có ý nghĩa gắn kết những người dân trong thôn và “gắn kết” con người với núi rừng bao quanh- không gian sinh tồn của đồng bào Xơ Đăng nơi đây.

Ông A Thư- Bí thư Chi bộ thôn Vang Loa tự hào chia sẻ rằng, đồng bào Xơ Đăng ở đây luôn gìn giữ và phát huy văn hóa cồng chiêng, múa xoang của dân tộc Xơ Đăng mà các thế hệ cha ông đã chỉ dạy và trao truyền cho các thế hệ kế tiếp.

Thôn Vang Loa hiện nay có hơn 30 đàn ông biết đánh cồng chiêng và hơn 20 phụ nữ biết múa xoang. Tại Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS xã Măng Bút năm 2024, Đội nghệ nhân thôn Vang Loa xuất sắc đạt giải Nhất. Đội nghệ nhân của thôn sau đó đại diện cho xã Măng Bút tham dự Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số huyện Kon Plông và tại Hội thi này, Đội nghệ nhân của thôn đã đạt giải C.

“Ở thôn Vang Loa có già làng A Hơn và già A Ska là những nghệ nhân lớn tuổi am hiểu về cồng chiêng. Các nghệ nhân đều tích cực tham gia sinh hoạt cồng chiêng cùng cộng đồng thôn và truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ”- ông A Thư nói.

Đức Thành

Chuyên mục khác