14/06/2022 14:05
Tranh thủ thời gian giải lao giữa giờ học, em Phan Ny cùng A Liêu tiếp chuyện chúng tôi. Nói về lý do chọn đề tài, em Phan Ny tâm sự: Em may mắn vì được sinh ra trong một gia đình có truyền thống sản xuất và chơi nhạc cụ, nên từ nhỏ em đã được làm quen với nhiều nhạc cụ dân tộc truyền thống. Và nhận thấy đàn Ching-Kram là một nhạc cụ rất khó chơi và ít người biết đến nên em đã đưa ra ý tưởng cải tiến loại đàn này. Khi bày tỏ ý tưởng và muốn hợp tác với A Liêu, Liêu đồng ý mà không một chút do dự.
Phan Ny kể tiếp, Ching-Kram là nhạc cụ dành cho nam giới dùng để hòa tấu trong sinh hoạt vui chơi giải trí. Cây đàn Ching-Kram nguyên thủy gồm 6 thanh ching (thanh tre) với độ dài khác nhau, mỗi thanh ching được coi là một nốt nhạc. Mỗi thanh có kèm theo một dùi gõ và một ống tre dài 20-25 cm làm bầu cộng hưởng. Còn âm thanh luyến láy được điều chỉnh bằng cách nghiêng - ngửa bàn tay đỡ thanh tre.
Để chơi được đàn Ching-Kram nguyên thủy phải cần đến 6 người tham gia biểu diễn cùng lúc. Khi dùng dùi gõ vào sẽ phát ra những âm vang giòn giã, mộc mạc, mang hơi thở của núi rừng.
Vì muốn đàn Ching-Kram chỉ cần 1 người chơi và có thêm nhiều nốt nhạc, đa dạng về âm sắc nên Phan Ny và A Liêu đã quyết định cải tiến đàn thành 14 ching, có giá đỡ giúp người chơi có thể vừa chơi đàn, vừa nhún nhảy theo nhịp đàn.
|
Theo A Liêu, để tạo ra một đàn Ching-Kram hoàn chỉnh, có âm sắc trong trẻo thì công đoạn chọn nguyên liệu rất quan trọng. Những ống tre, nứa phải đủ tuổi, đạt chuẩn về kích thước mới tạo ra những cung bậc âm thanh nhất định. Theo kinh nghiệm dân gian nên chọn tre vào ngày không có trăng để tránh mối mọt và tre phải từ 1,5 tuổi trở lên.
Sau khi lấy nguyên liệu về, A Liêu mang phơi nắng 1 tuần, rồi mang ngâm trong nước hơn 2 tháng. Khi tre được vớt ra em mang phơi trong mát hơn 2 tuần để không bị mối và loại được những cây tre hư. Khi đó, những thanh được chọn sẽ không bị phô chênh, lệch âm và giữ được cao độ.
Khi chọn được nguyên liệu tốt, Phan Ny và A Liêu vận dụng những kiến thức mà bản thân tìm hiểu được bắt đầu cải tiến đàn Ching-Kram. Gần 4 tháng ròng rã, trải qua nhiều gian khó, cây đàn Ching-Kram 14 thanh ching cũng được hoàn thiện.
Em A Liêu tâm sự: Điều khiến hai em cảm thấy khó khăn nhất trong lúc thực hiện đó là tạo ra âm sắc sao cho chuẩn nhất. Tuy nhiên em may mắn là có người cậu chuyên về nhạc cụ dân tộc hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhờ có sự động viên, giúp đỡ của cô giáo Giã Thị Tuyết Nhung là tổ trưởng tổ tiếng Anh đã đồng hành cùng em suốt quảng thời gian thực hiện.
Nói về mong ước trong tương lai, A Liêu tâm sự, sau khi hoàn thành chương trình THPT em sẽ cố gắng học lên đại học và trở về quê nhà tiếp tục chế tác, phát triển các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống. Còn em Phan Ny đặt mục tiêu cho bản thân là thi đậu vào Trường Đại học Ngoại thương và học thêm về công tác xã hội để sau này có thể đưa nhạc cụ truyền thống phát triển không chỉ ở trong nước, mà còn vươn xa ra thế giới.
Cô giáo Giã Thị Tuyết Nhung cho biết: 2 em A Liêu và Phan Ny từ nhỏ đã được làm quen và yêu thích các loại nhạc cụ truyền thống. Do đó, 2 em luôn muốn thực hiện một dự án để gìn giữ, phát triển văn hóa của dân tộc. Khi dự án cải tiến đàn Ching-Kram của 2 em đoạt giải bà con dân làng rất vui mừng, phấn khởi bởi lớp trẻ vẫn còn yêu thích văn hóa truyền thống. Thông qua dự án này tôi hy vọng sẽ thôi thúc được niềm đam mê phát huy các giá trị văn hóa dân tộc của học sinh. Đặc biệt, em Phan Ny học rất tốt môn tiếng Anh nên tôi mong rằng em có thể đưa văn hóa truyền thống vươn xa ra thế giới.
Nhìn hai em biểu diễn trước cây đàn Ching-Kram do tự tay mình cải tiến, tôi thấy được niềm đam mê, tình yêu nhạc cụ trong đôi mắt sáng, trong từng âm thanh phát ra. Tin rằng, trong thời gian tới, sản phẩm đàn Chinh-Kram cải tiến của hai em sẽ được nhiều người biết đến và ủng hộ, được góp mặt trong nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật lớn trong và ngoài tỉnh.
Văn Tùng