Nghệ nhân Kon Plông giữ hồn giai điệu cồng chiêng

06/06/2018 13:05

Đã bao đời nay, cồng chiêng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào các DTTS trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có huyện Kon Plông. Mỗi dân tộc, mỗi vùng đất đều có giai điệu cồng chiêng khác nhau tùy thuộc theo quan niệm sống với trời đất, núi rừng và quá khứ hình thành của dân tộc mình trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc...

Tha thiết với cồng chiêng

Trong những ngày cuối tháng 5, tôi cùng anh A Búp - cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kon Plông đến thăm một số làng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện để gặp gỡ một số nghệ nhân đang ngày đêm giữ hồn giai điệu cồng chiêng cho dân tộc mình được trường tồn mãi mãi với thời gian.

Ngồi trên chiếc xe mô tô phân khối lớn, anh chở tôi đi qua các con đường đất vào các làng đồng bào DTTS của huyện với đồi dốc quanh co, muôn vàn ổ gà gập ghềnh chao đảo, nhưng trong lòng ai nấy đều cảm thấy vui vẻ, tự hào với công việc sưu tầm và phản ánh không gian văn hóa cồng chiêng mà muôn đời luôn gắn với con người, nhà rông và núi rừng Kon Plông đại ngàn hùng vĩ.

Là một người con của dân tộc Xơ Đăng (nhánh Mơ Nâm) ở xã Măng Cành, A Búp tự hào nói với tôi rằng: Bây giờ anh đến bất cứ làng nào trên địa bàn huyện cũng còn lưu giữ cồng chiêng, bởi nó đã gắn bó bao đời nay với đời sống văn hóa linh thiêng của họ rồi. Mỗi khi trong làng có lễ hội, hay các gia đình có ma chay, cưới hỏi, ăn mừng lúa mới, khánh thành nhà mới… họ đều tổ chức đánh cồng chiêng để tạ ơn trời đất. Vì thế, ngay từ khi học phổ thông, A Búp đã chọn học ngành văn hóa để sau này có điều kiện làm việc tại quê nhà và góp phần lưu giữ, bảo tồn văn hóa dân gian của dân tộc mình, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng.

Chị Y Lim - Đội trưởng đội Cồng chiêng làng Kon Bring, xã Đăk Long cho biết: Đội Cồng chiêng của làng mình hiện có khoảng 50 người, trong đó 40 người nam chuyên đánh cồng chiêng và 10 người nữ chuyên múa xoang. Lớn lên mình đã nghe thấy tiếng cồng chiêng vang vọng khắp xóm làng, núi rừng rồi. Đến nay, mình đã 48 tuổi, giai điệu cồng chiêng luôn đi theo suốt cuộc đời mình. Hàng năm, mình thường tổ chức tập đánh cồng chiêng và múa xoang tại nhà rông cho các cháu trong làng để kế thừa, sau này khỏi phải mai một.

Đội cồng chiêng làng Kon Bring, xã Đăk Long, huyện Kon Plông biểu diễn cồng chiêng

 

Anh A Rôi gần 60 tuổi, là thành viên đánh và dạy cồng chiêng lớn tuổi nhất và giỏi nhất của đội Cồng chiêng làng Kon Bring cho biết: Cồng chiêng phải đánh ở nhà rông của làng và tiếng cồng chiêng được hòa với tiếng vọng của núi rừng thì mới linh thiêng. Nhớ lại một thuở cha ông len lỏi giữa rừng già tìm nơi lập làng sinh cơ hậu thế, biết bao thú dữ rập rình, bao rừng thiêng nước độc đã làm cho người dân tộc của mình cơ cực, lầm than. Vì thế, tiếng cồng chiêng của dân tộc mình thường mang nốt trầm. Càng nghe, càng thấy ấm lòng, càng đồng vọng với thời gian quá khứ, càng yêu hơn xóm làng nơi ta đã sinh ra và thủy chung với nó. Để tiếng cồng chiêng được ấm lại, được ngân vang, ngân xa, trải dài theo tiếng vọng của núi rừng, thì phải có người chỉnh cồng chiêng điêu luyện, phải trải qua nhiều năm “ăn nằm” với nó thì mới có thể “uốn nắn” thanh âm cồng chiêng theo ý của mình được.

Ông A Nuông già làng Kon Chêng, xã Măng Cành, huyện Kon Plông dạy đánh chiêng cho bà con trong làng

 

Nhưng theo ông A Nuông - nghệ nhân cồng chiêng ở làng Kon Chênh, xã Măng Cành cho biết: Giai điệu cồng chiêng phải gắn liền với không gian núi rừng và nhà rông văn hóa. Chỉ có ở đây, tiếng cồng chiêng mới hội tụ linh hồn của nó, mới khơi dậy tinh thần dân tộc và lòng yêu quê hương đất nước, yêu con người mãnh liệt. Thế nên, thiếu một trong ba yếu tố đó thì giai điệu cồng chiêng sẽ lạc lõng, rời rạc, nhạt nhẽo và vô vị.    

Giữ gìn giai điệu cồng chiêng

Ông Nguyễn Văn Lân - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Nhằm bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn huyện, trong những năm qua, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm nét truyền thống.

Hiện nay, trên địa bàn huyện còn lưu giữ được 495 bộ cồng chiêng tại các hộ gia đình và Phòng Truyền thống của huyện. Ngoài ra, 100% số xã đã thành lập được đội cồng chiêng và đại đa số các thôn làng đều có đội cồng chiêng để thực hiện các nghi thức sinh hoạt cồng chiêng khi làng có lễ hội… Đặc biệt, toàn huyện đã có 3 đội cồng chiêng bán chuyên nghiệp nhằm phục vụ các hoạt động đón tour du lịch, tham gia tuần lễ văn hóa và du lịch cũng như các hoạt động chính trị khác do huyện, tỉnh tổ chức.

Chị Y Lim – Đội trưởng đội Cồng chiêng làng Kon Bring, xã Đăk Long cho biết: Ngoài việc tham gia biểu diễn cho những lễ hội, đình đám trong làng, Đội Cồng chiêng của làng còn tham gia các lễ hội do tỉnh và huyện tổ chức, giao lưu với các đoàn tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh khi đến với Măng Đen. Hiện nay, bình quân mỗi tháng đội tham gia khoảng 10 cuộc biểu diễn với khoảng từ 16-18 nghệ nhân. Có lúc, đội phải “chạy xô” biểu diễn 2 lần trong đêm tại nhà rông của làng, hoặc tại các khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí trên địa bàn huyện cách xa làng từ 5-8km đường dốc. Vất vả vậy nhưng ai nấy đều vui vì không chỉ có thêm thu nhập mà còn có dịp nâng cao kỹ thuật đánh cồng chiêng.

Ông A Đrế ở làng Kon Vơng 1, xã Đăk Long cho biết: Từ lúc lên 10 tuổi, mình đã được ba mẹ truyền cho cách đánh cồng chiêng rồi. Từ đó đến nay, do yêu thích giai điệu cồng chiêng mượt mà sâu lắng, nên mình luôn trau dồi và tham gia đánh cồng chiêng với bà con trong làng. Do ý thức của người dân trân quý cồng chiêng, nên phần lớn gia đình nào cũng cho con học đánh cồng chiêng bằng cách cha mẹ truyền dạy cho con, anh em trong làng người biết truyền dạy cho người chưa biết, cứ thế nên có rất nhiều người biết đánh.    

Anh A Dũng - cán bộ phụ trách văn hóa xã Măng Cành tâm sự: Hàng năm, UBND xã chỉ trích ra một ít kinh phí để hỗ trợ cho một số làng có phong trào truyền dạy đánh cồng chiêng tốt thôi, còn lại là nhân dân tự giác truyền dạy cho nhau. Nhờ có nhà rông rộng rãi và cuộc sống xã hội bình yên, nên người dân tham gia tập luyện đánh cồng chiêng ngày càng đông và khá tốt.

Chị Nguyễn Thị Quyết – Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kon Plông cho biết: Công tác truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng được huyện đặc biệt quan tâm triển khai thường xuyên và liên tục với nhiều phương thức khác nhau. Trong đó, việc cha truyền con nối dạy bảo lẫn nhau đánh cồng chiêng được phát huy cao độ, có tính lưu truyền và kế thừa khá bền vững. Ngoài ra, UBND huyện đã mở được 2 lớp truyền dạy nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng cho 60 học viên trẻ tuổi và đưa công tác giáo dục di sản Không gian văn hóa cồng chiêng vào trong trường học một cách phù hợp theo từng lứa tuổi.

Điều đáng mừng, năm 2015, huyện Kon Plông có 3 nghệ nhân vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian truyền dạy và bảo tồn văn hóa cồng chiêng, đó là các cụ: Y Nâng, A Grang, A Pía đều trú tại thôn Kon Du, xã Măng Cành.

Hiện nay, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với các phòng chuyên môn của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tiến hành xây dựng, tổng hợp hồ sơ để trình Hội đồng cấp tỉnh xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” năm 2018 cho 9 nghệ nhân.

Tạm biệt Kon Plông, tạm biệt đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ, nơi có những mái nhà rông cao vút nằm giữa những ngôi làng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi lại trở về thành phố Kon Tum trong một chiều nhạt nắng. Nhưng có lẽ, dư âm giai điệu cồng chiêng và hình ảnh những mái nhà rông vẫn còn vang vọng trong tôi như thôi thúc một ngày không xa sẽ trở lại với Kon Plông, với giai điệu cồng chiêng da diết nhớ thương này…

                                                                   Bài và ảnh: Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác