17/05/2024 06:07
Sinh ra và lớn lên tại làng Bar Gốc, tiếng cồng chiêng ngấm sâu vào máu nghệ nhân A Sứp từ nhỏ. Không cần ai chỉ dạy, qua vài lần tập làm quen từng chiếc chiêng, ông đã nhanh chóng biết sử dụng và đánh theo nhịp với mọi người mà không hề vấp. Cứ thế, ông là một thành viên không thể thiếu trong đội cồng chiêng khi làng có việc quan trọng.
Với mong muốn lưu giữ giá trị văn hóa dân tộc Gia Rai, nhiều năm qua, nghệ nhân A Sứp đã sưu tầm, bảo quản, giữ gìn bộ chiêng của mình như đứa con tinh thần. Ông nói với tôi rằng, luôn mong muốn khi khách đến nhà thấy bộ chiêng, tìm hiểu về chiêng cũng chính là cách để chiêng trường tồn.
|
Nói xong, nghệ nhân A Sứp vào trong nhà đem ra 2 bộ cồng chiêng quý và đặt ngay ngắn giữa hiên nhà sàn rồi cẩn thận lau chùi từng chiếc. Bộ chiêng đầu tiên được ông mua lại với giá 60 triệu đồng từ một hộ dân trong huyện cách đây hơn 20 năm. Thời điểm đó ông đã bán 3 con bò và 2 con trâu để đổi lấy bộ chiêng. Còn bộ thứ 2, ông phải lặn lội vào huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) 4 năm trước tìm mua với giá gần 50 triệu đồng.
“Tiếng chiêng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con dân tộc Gia Rai nơi đây. Mỗi khi gia đình hoặc làng có lễ hội, sự kiện trọng đại đều mang cồng chiêng của tôi để biểu diễn. Tôi rất tự hào vì có thể góp phần nhỏ trong việc giữ gìn văn hóa cồng chiêng dân tộc mình”- nghệ nhân A Sứp chia sẻ.
Những năm gần đây, khi xã Sa Sơn chú trọng tới việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống, nghệ nhân A Sứp đã tích cực vận động thanh - thiếu niên tham gia học tập đánh cồng chiêng, múa xoang. Năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Truyền thông huyện Sa Thầy phối hợp với UBND xã Sa Sơn tổ chức lớp truyền dạy văn hóa dân gian ở làng Bar Gốc, ông A Sứp cùng với một số người lớn tuổi trong làng trực tiếp hướng dẫn thế hệ trẻ cách đánh cồng chiêng, chế tác và biểu diễn nhạc cụ truyền thống.
Nhờ đó, đến nay làng Bar Gốc đã có 2 đội cồng chiêng, múa xoang với hơn 40 người, bao gồm cả người lớn, thanh niên và các em nhỏ. Đội cồng chiêng làng đánh thuần thục nhiều bài chiêng hay và tham gia các hội thi, cuộc thi, sự kiện lớn của xã, huyện. Anh A Sem (23 tuổi, ở làng Bar Gốc) chia sẻ: “Nhờ được nghệ nhân A Sứp truyền dạy, tôi và nhiều bạn trẻ khác trong làng đã biết đánh cồng chiêng và ai cũng đều rất vui khi được tham gia cùng đội cồng chiêng làng biểu diễn tại các sự kiện của địa phương”.
|
Ngoài dành tình yêu đặc biệt cho cồng chiêng, nghệ nhân A Sứp còn duy trì nghề đan lát truyền thống. Căn nhà của ông vì thế trở thành nơi người dân thường xuyên lui tới đặt mua những chiếc gùi, rổ, rá để phục vụ sinh hoạt gia đình. “Việc duy trì nghề đan lát không chỉ phục vụ cho gia đình hay bán kiếm thêm thu nhập mà còn giúp người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ biết tới nghề truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Từ đó, họ biết trân trọng và tham gia gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống quý báu này”- nghệ nhân A Sứp cho hay.
Không dừng lại ở đó, nghệ nhân A Sứp còn nổi tiếng bởi hát dân ca Gia Rai. Mỗi khi làng có lễ hội hay kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, bao giờ ông cũng là người giúp cho không khí ngày hội trở nên cuốn hút bằng làn điệu dân ca. Rồi từ các điệu dân ca truyền thống, ông phát triển thành những bài hát có ý nghĩa tuyên truyền khác nhau. Có thể kể đến các bài như: “Ca ngợi bộ đội, nhà nước”, “Tiếng chiêng gọi thanh - thiếu niên làm rẫy”.
Với những đóng góp của mình, nhiều năm qua, nghệ nhân A Sứp được các cấp, các ngành tặng bằng khen, giấy khen là nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, trình diễn văn hóa dân gian.
Ông A Bứi - Phó Chủ tịch UBND xã Sa Sơn cho biết, nghệ nhân A Sứp là một người đam mê văn hóa truyền thống dân tộc Gia Rai. Những năm qua, ông tích cực truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho dân làng, nhất là thế hệ trẻ, góp phần cùng xã thành lập 2 đội cồng chiêng thường xuyên biểu diễn ở các sự kiện lớn của xã, huyện. Không chỉ góp phần lưu giữ nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc mà nghệ nhân A Sứp còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong làng Bar Gốc đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa.
Nay Săt