Nghề dệt

22/02/2023 06:26

Tôi viết những dòng này tặng những mẹ, những chị người Ba Na đang âm thầm mà quyết liệt giữ nghề dệt thổ cẩm. Nghĩ cũng lạ, những phận người có phần nhỏ nhoi, thầm lặng ấy lại có vai trò quyết định trong việc gìn giữ một nghề truyền thống trước nguy cơ mai một.

Sáng cuối tuần, tôi bị đánh thức bởi hàng loạt tin nhắn của bạn bè trên ứng dụng zalo. Và thật bất ngờ, khá nhiều trong số đó liên hệ nhờ tôi cung cấp tư liệu về nghề dệt thủ công của dân tộc Ba Na.

Vậy là đi tong buổi sáng cuối tuần quý giá- tôi lầm bầm, nhưng sau đó vẫn hào hứng bắt tay vào làm việc. Bởi như bao người, thông tin nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na tại Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia làm tôi hứng khởi.

Báo chí đưa tin vui, ngày 14/2/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 238/QĐ-BHVTTDL công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na tại các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum tỉnh Kon Tum.

Hướng dẫn con cháu dệt thổ cẩm. Ảnh: T.H 

 

Trong niềm hứng khởi chung, tôi thật sự hào hứng với việc chia sẻ nguồn tư liệu mình có cho bạn bè gần xa.

Và khi lục kho ảnh, tôi gặp lại những mẹ, những chị người Ba Na đang âm thầm mà quyết liệt giữ nghề dệt thổ cẩm. Nghĩ cũng lạ, những phận người có phần nhỏ nhoi, thầm lặng ấy lại có vai trò quyết định trong việc gìn giữ một nghề truyền thống trước nguy cơ mai một.

Những mẹ, những chị ấy, ta có thể gặp ở bất cứ đâu trong những ngôi làng Ba Na trầm mặc. Ngay cả trong những đận khó khăn nhất, ở đâu đó dưới những mái nhà tuềnh toàng, ta vẫn có thể nghe tiếng lách cách của con thoi vỗ vào khung dệt, như đã từng lách cách bao đời.

Tôi thường vào làng Plei Tơ Nghia (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) chơi, không chỉ bởi Plei Tơ Nghia là một làng cổ của người Ba Na, mà còn vì làng lưu giữ được nghề dệt truyền thống. 

Vào làng, nếu để ý, ta vẫn nghe tiếng lách cách của khung cửi dệt vải. Bước vào một cánh cổng liêu xiêu nào đó, khi mắt còn chưa quen với khoảng sân ngập nắng, thì rất có thể cái mà bạn nhìn rõ nhất sẽ là khung dệt để bên hiên.

Và nếu may mắn, bạn vẫn được ngắm những bàn tay chai sần bởi cầm dao, cầm cuốc làm rẫy của các mẹ, các chị mềm mại, uyển chuyển như múa khi xe sợi kéo chỉ dệt, hoặc thêu thùa, tạo hình hoa lá cỏ cây, chim muông, thú rừng, ô vuông, ô trám.

Bạn hãy ngồi xuống, đừng nói gì cả, chỉ lặng yên nghe tiếng thoi lách cách, lặng yên ngắm đôi tay tài hoa thoăn thoắt luồn thoi. Bạn sẽ nhận thấy, trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người phụ nữ nhỏ bé ấy luôn có một tình yêu kỳ lạ với thổ cẩm, tình yêu ấy giống như than hồng, cứ lặng lẽ, bền bỉ nép mình chờ đến lúc bùng cháy.

Sau khi cảm nhận đủ rồi, bạn hãy trò chuyện với người dệt, vì nhiều lý do mà hầu hết đều là phụ nữ đã lớn tuổi. Nhưng không sao, họ sẽ cho bạn thấy rõ nhất thế nào là nghề dệt.

Dệt thổ cẩm là nghề “mẹ truyền con nối”. Ngày xưa, phụ nữ Ba Na được làm quen với khung dệt, được mẹ dạy cho cách thêu thùa, cách nhận biết, tìm kiếm lá, rễ cây rừng để nhuộm màu sao cho đẹp, cho bền từ khi tay chưa dài bằng khung dệt.

Ngày xưa, dệt thổ cẩm trở thành tiêu chuẩn hàng đầu để các chàng trai chọn vợ; cô nào dệt nhanh, dệt đẹp sẽ có nhiều chàng trai theo đuổi.

Để học nghề, phải đi tước từng sợi chỉ trong thân cây chuối ra để dệt thử; đến khi dệt thành công, mẹ mới cho tiền mua chỉ để dệt.

Lớn lên, lấy chồng, mặc dù bận bịu với việc chăm con cái, lo chuyện ruộng rẫy nhưng tối về lại ngồi bên khung dệt miệt mài dệt thổ cẩm may trang phục cho những người trong gia đình. Bây giờ, nhiều mẹ đã cao tuổi nhưng vẫn cần mẫn dệt. Không chỉ vì đời sống, mà còn vì giữ gìn tinh hoa cho mai sau.

Dệt được một tấm vải là cả một quá trình lao động công phu và tỉ mỉ. Vải được dệt với khổ rộng từ 50-80cm, trung bình một ngày, một người dệt được từ 0,8-1m chiều dài. Để dệt xong một cái váy hoặc áo mất từ 30 – 35 ngày (hoặc có thể lâu hơn); dệt xong tấm đắp cũng mất vài ngày; một áo khoác cho chồng, cho con trai cũng mất đến 2 ngày dệt không ngơi nghỉ.

Nếu tìm hiểu về nghề dệt sẽ biết, khó nhất, kỳ công nhất là khâu bắt hoa văn, họa tiết. Ở phần họa tiết, mỗi sợi chỉ ép vào khung dệt là một màu khác nhau. Để làm thành những biểu tượng sông, núi, cây, lá đối xứng nhau mang cả sắc thái văn hóa, tâm hồn người Ba Na đòi hỏi người dệt phải thật tỉ mỉ, khéo léo.

Có lẽ vì vậy mà nghề dệt thủ công của người Ba Na ở Kon Tum đã tạo ra những sản phẩm mang nét văn hóa độc đáo riêng có của họ. Trong đó phải kể đến sự sáng tạo trong cách dệt hoa văn. Họ vẫn duy trì cách dệt những hoa văn truyền thống đồng thời sáng tạo nên những hoa văn mới, những màu sắc mới nhưng không làm mất đi những giá trị cũ.

Thời thế xoay vần, do ít người mặc trang phục truyền thống, váy áo thổ cẩm được thay thế bởi những bộ quần áo hiện đại, nên người biết dệt ngày càng ít đi. Vì vậy, nghề dệt thổ cẩm đang dần vắng bóng ngay trong đời sống của người Ba Na.

Cho nên, vệc đưa nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trang phục truyền thống, nghề thủ công truyền thống của các DTTS tỉnh Kon Tum, góp phần phát triển bền vững văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh.

Đây cũng sẽ là cơ sở để đánh giá thực trạng về trang phục truyền thống, nghề dệt thủ công truyền thống; là cơ sở tư liệu khoa học để triển khai các hoạt động bảo tồn trang phục truyền thống, nghề dệt thủ công truyền thống của đồng bào các DTTS trong thời gian tới.

THÀNH HƯNG

Chuyên mục khác