Nghề đan lát của người Mường

07/07/2024 13:27

Xa quê, lập nghiệp trên vùng đất mới hàng chục năm nay, nhưng cộng đồng người Mường ở huyện Ngọc Hồi vẫn gắn bó và gìn giữ nghề đan lát truyền thống lâu đời của dân tộc mình.

Từ huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) vào huyện Ngọc Hồi lập nghiệp đến nay đã 33 năm, nhưng ông Đinh Công Ngữ (66 tuổi, dân tộc Mường, ở thôn Hào Lý, xã Sa Loong) vẫn luôn giữ nghề đan lát truyền thống của cha ông để lại. Từ cái rổ, nia, mẹt, ớp (vật dụng đeo vai), chón (vật dụng đựng giống lúa, bắp)trong gia đình đều do đôi bàn tay khéo léo của ông làm ra.

Nhìn những ngón tay chai sần chi chít sẹo thoăn thoắt gài mối, siết nan cũng phần nào hiểu được niềm đam mê của ông đối với đan lát. Ông Ngữ kể, khi 15 tuổi, ông được cha dạy nghề, bắt đầu từ việc vào rừng chọn tre, lồ ô, đến công đoạn phơi, chẻ nan, vuốt nan rồi sau cùng mới là đan lát. Đến năm 20 tuổi, ông thành thạo kỹ thuật đan lát và gắn bó với nghề cho đến nay.

“Muốn các sản phẩm bền đẹp, người đan phải có kỹ thuật tốt, thậm chí, có những sản phẩm phức tạp có khi mất cả tháng trời mới làm xong. Sau khi hoàn thiện, các sản phẩm thường gác trên bếp để hong khói, giúp đồ vật bền hơn, tránh mối mọt, có thể sử dụng nhiều năm”- ông Ngữ chia sẻ.

Ông Đinh Công Ngữ đã gắn bó và giữ nghề đan lát dân tộc Mường hơn 50 năm nay. Ảnh: NS

 

Theo ông Ngữ, công đoạn vất vả nhất để hình thành một sản phẩm đan lát là đi lấy nguyên liệu. Nhà neo người, ông phải một mình vào rừng chặt tre, lồ ô. Lấy nguyên liệu về, ông tự tay chẻ nan, lạt, tự đan ra thành phẩm. Các nan tre, lồ ô được chẻ và vót khá đều nhau, trước khi đan thường ngâm nước để tăng độ dẻo, rồi phơi ráo từ 1 - 2 ngày mới đan.

Trong số các sản phẩm đan lát của người Mường nơi đây, ớp đeo vai là đồ vật được dùng phổ biến nhất và không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Khi lên rẫy, bà con thường đeo chiếc ớp bên người như vật bất ly thân để đựng cơm, nước hoặc rau, củ, quả hái trên rừng. Ớp có 2 loại là đan thưa và đan dày, đáy ớp dẹp, miệng rộng, không nắp, có dây đeo nên thuận tiện cho việc sử dụng.

“Ngoài dùng cho việc đồng áng, ớp còn được phụ nữ Mường làm túi xách đựng đồ mỗi lần đi chợ. Đây là vật dụng rất thuận tiện, bền, thân thiện với môi trường, phù hợp với phong tục tập quán. Cho nên trong nhà của người Mường luôn có vài cái ớp để dùng”- ông Ngữ cho hay.

Bén duyên với nghề đan lát từ lúc 15 tuổi, đến nay ông Đinh Công Chênh (55 tuổi, dân tộc Mường) quê ở huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), nay trú thôn Hòa Bình (xã Đăk Kan), đã có hơn 40 năm kinh nghiệm. Nói về nghề, ông chia sẻ, khi còn nhỏ ông hay sang nhà ông ngoại chơi, xem đan rổ, nia thấy rất thích thú. Để học đan, ông đã lượm lặt các nan bị hỏng, nan ngắn ông ngoại bỏ ra rồi nhìn cách luồn nan và làm theo. Cùng với sự trợ giúp của ông ngoại, ông Chênh cũng có những chiếc rổ đầu tiên, dù không đẹp mắt nhưng ông rất vui khi hoàn thành được nó. Từ đó, niềm đam mê ngày càng lớn dần và ông gắn bó với đan lát đến tận bây giờ.

Toàn huyện Ngọc Hồi có hơn 40 người Mường còn giữ nghề đan lát truyền thống của dân tộc. Ảnh: N.S

 

Ông Chênh cho biết: “Nhìn đơn giản thế này thôi chứ hoàn thiện một chiếc ớp, rổ, mẹt là cả một quá trình. Để có những cây lồ ô thẳng tắp, lóng dài, tôi phải lên đồi núi gần nhà tìm và phải lựa chọn cây không quá già mà cũng không quá non. Vì khi đó chiếc nan sẽ có độ dẻo, độ bền, sản phẩm làm ra sử dụng được lâu năm. Khâu chẻ nan cũng phải thật tỉ mỉ, tất cả các nan phải đều nhau tránh nan dày, nan mỏng khi sản phẩm hoàn thiện sẽ không thẩm mỹ. Hiện nay, giá bán rổ, nia, mẹt là khoảng 100.000 - 150.000 đồng/chiếc (tùy loại, kích cỡ); ớp, chón giá từ 50.000 - 150.000 đồng (tùy loại, kích cỡ). Trung bình mỗi tháng tôi kiếm từ 1,5 - 3 triệu đồng”.

Không chỉ xã Sa Loong và xã Đăk Kan, tại một số xã ở huyện Ngọc Hồi vẫn có nhiều hộ người Mường còn gắn bó với nghề đan lát của dân tộc. Các sản phẩm bằng tre, lồ ô mà họ làm ra đều gắn liền với sinh hoạt, sản xuất và nét truyền thống của quê hương nơi họ sinh ra, lớn lên.

Ông Phạm Khánh Quân- Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ngọc Hồi cho biết: “Hiện, toàn huyện có hơn 170 người biết đan lát, trong đó, hơn 40 người dân tộc Mường. Đối với người Mường, những sản phẩm đan lát thủ công không chỉ phục vụ nhu cầu mà còn chứa đựng nét văn hóa truyền thống cần được bảo tồn và phát huy. Vì vậy, thời gian tới, Phòng sẽ xây dựng kế hoạch mở lớp truyền dạy đan lát cho thế hệ trẻ; phối hợp với các đơn vị chức năng quảng bá sản phẩm đan lát đến đông đảo khách hàng trong và ngoài huyện. Qua đó, nâng cao thu nhập cho các hộ dân, bảo tồn, phát huy nghề đan lát truyền thống dân tộc Mường trên địa bàn huyện”.  

Nay Săt

Chuyên mục khác