Nét đẹp vùng biên

24/08/2023 13:14

Không chỉ chăm lo sản xuất, ổn định đời sống, đồng bào người Thái thôn 2 (xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai) còn hăng say tập luyện, giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc nơi mảnh đất vùng biên.

Chị Lương Thị Hải - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ kiêm đội trưởng đội nghệ nhân hồ hởi cho hay: Việc cạo mủ cao su thường bắt đầu vào khoảng 16 giờ hằng ngày, nên đã thành nếp quen, việc tập hợp chị em để luyện xòe ở khu dân cư được bắt đầu từ sau giờ nghỉ trưa đến hơn 3 giờ chiều, hoặc vào buổi tối.

Là một trong số khu dân cư mới thuộc xã Ia Đal được hình thành kể từ ngày huyện Ia H’Drai thành lập, thôn 2 hiện có 123 hộ với 470 nhân khẩu, hầu hết là bà con quê gốc ở huyện Lang Chánh và Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa) vào làm công nhân cao su từ những năm 2012-2013 đến nay. Theo trưởng thôn Lương Văn Biêng: Trải qua không ít khó khăn, bà con đã từng bước “quen thổ quen thung” nơi quê hương mới. Không chỉ chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, mọi người còn tâm huyết, nhiệt tình giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của người Thái ở đây.

Thường xuyên tập luyện xòe Thái tại thôn 2, xã Ia Đal. Ảnh: T.N

 

Ông Lò Văn Quảng - nghệ nhân đánh trống đánh chiêng tiêu biểu ở khu dân cư chia sẻ: Nếu rời xa quê mà bỏ quên những phong tục tập quán đã có từ lâu đời thì làm sao xứng đáng là con cháu tổ tiên, ông bà nơi chôn nhau cắt rốn? Vậy nên, dù cuộc sống có thế nào thì cũng bảo nhau giữ cho bằng được những nét đẹp truyền thống. Đó chính là dân vũ, dân ca, là các lễ hội, tục lệ mang tính nhân văn, phát huy tinh thần đoàn kết.

Được sự quan tâm của chi bộ, các chi hội đoàn thể và nỗ lực chung tay của người dân, thôn 2 đã hình thành và duy trì hoạt động của đội nghệ nhân gồm 25 thành viên. Trong số này, ngoài một số nghệ nhân nam chuyên đánh trống và cồng chiêng, chủ yếu là các nghệ nhân nữ tuổi từ 25 - 60, không chỉ giỏi hát múa dân gian, mà còn đảm nhận nấu nướng các món ăn dân tộc và may vá, thêu trang phục truyền thống. Hằng năm, hoạt động văn hóa truyền thống ở khu dân cư không chỉ được tổ chức nhân các ngày lễ lớn (30/4, 2/9), ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11), mà còn diễn ra sôi nổi, mang đậm bản sắc của người Thái vào dịp đón tết cổ truyền, tổ chức đám cưới, vào lễ cầu mùa hay mừng lúa mới... Không chỉ tạo dấu ấn tại các sự kiện văn hóa do huyện, tỉnh tổ chức, các nghệ nhân thôn 2 còn giành giải C tại Hội thi cồng chiêng - xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất (tháng 11/2022).

Gắn với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, thời gian qua, một số tập tục không còn phù hợp đã dần bị loại bỏ. Theo nữ nghệ nhân đánh chiêng Hà Thị Bình (47 tuổi), chỉ những nét đẹp nổi bật trong thói quen sinh hoạt cộng đồng và nét đẹp văn hóa truyền thống mới được quan tâm giữ gìn, vun đắp và lan tỏa, như kin chiêng booc mạy, khua luống, xòe Thái, múa sạp, lễ hội, lễ cưới...

Đáng kể trong gìn giữ các điệu dân vũ được bà con yêu thích là truyền dạy và diễn xướng tập thể xòe tung khăn, xòe quạt, múa sạp khoác tay, vỗ tay... Các điệu xòe luôn lôi cuốn, hấp dẫn bởi tạo nên sự hòa quyện, gắn bó, thắt chặt thêm tình đoàn kết trong cộng đồng. Lễ cưới của người Thái cũng được khuyến khích tổ chức theo phong tục truyền thống nhờ đề cao tình cảm và trách nhiệm của các bạn trẻ, coi trọng giá trị gia đình.         

Đặc biệt, đến nay, dù chưa xây dựng được nhà văn hóa thôn hay nhà sinh hoạt cộng đồng, nhưng thôn 2 vẫn cố gắng khắc phục trở ngại, tranh thủ mọi điều kiện có thể để tổ chức, duy trì các hoạt động văn hóa - văn nghệ dân gian, thúc đẩy bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng.

Theo định hướng khai thác tiềm năng du lịch tại địa bàn huyện, thời gian tới, gắn với yêu cầu kết nối hài hòa từ tâm điểm du lịch cộng đồng xóm chài thôn 7 (xã Ia Tơi) trên lòng hồ thủy điện Sê San, đây cũng là điều được cán bộ, nhân dân thôn 2 (xã Ia Đal) thêm quan tâm duy trì, phát triển.  

Thanh Như

Chuyên mục khác