20/08/2023 06:10
Theo số liệu thống kê, đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh trang bị khoảng 137 bộ cồng chiêng, trống cho 137 thôn, làng DTTS tại chỗ không có cồng chiêng; tổ chức 143 lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang; việc truyền dạy cồng chiêng được phổ biến rộng rãi, lồng ghép qua nhiều chương trình, dự án của các đơn vị, địa phương, trường học.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy những lớp nghệ nhân gạo cội, am hiểu về cồng chiêng đang ngày càng lớn tuổi, dần mất đi; một bộ phận không ít trong thế hệ trẻ lại ít quan tâm, hời hợt với văn hóa truyền thống. Điều này đặt ra cho tỉnh ta “bài toán khó” cần phải kịp thời có “lời giải thỏa đáng” để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy những giá trị cồng chiêng, cũng như nhiều giá trị văn hóa khác trên địa bàn nhằm tránh sự “đứt gãy” về văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ.
|
Ông Phan Văn Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Thực tế cho thấy, để bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa cồng chiêng nói riêng, những giá trị văn hóa khác nói chung rất cần những “thầy giáo” lành nghề trong truyền dạy, đào tạo lớp trẻ. Những nghệ nhân dân gian giỏi, am hiểu về cồng chiêng, truyền thống văn hóa cần phải được đào tạo để nâng cao kỹ năng sư phạm, hệ thống hóa kiến thức để nâng cao hiệu quả việc dạy và học. Qua đó, các nghệ nhân làm công tác giảng dạy không chỉ dạy kiến thức mà còn biết cách “truyền lửa” cho lớp trẻ về tình yêu với cồng chiêng, văn hóa truyền thống. Điều này góp phần bảo tồn bền vững những giá trị văn hóa”.
Gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức “Lớp tập huấn, truyền dạy kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng trong cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh năm 2023” thành công tốt đẹp, là tín hiệu vui cho công tác bảo tồn, phát huy những giá trị cồng chiêng cũng như đào tạo những “thầy giáo” dạy chiêng giỏi, lành nghề cho tỉnh.
Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, các nhạc sĩ, nghệ nhân cồng chiêng có kinh nghiệm, các học viên được nâng cao kỹ năng chỉnh chiêng, hiểu thêm nguyên lý chế tác cồng chiêng, các đặc tính âm thanh cũng như diễn tấu hay hơn.
Các nghệ nhân được tham gia lớp tập huấn rất phấn khởi, bởi những nội dung được tiếp thu tại lớp học khá mới mẻ và bổ ích, giúp nâng cao hiệu quả việc truyền dạy về nghệ thuật cồng chiêng cho lớp trẻ tại địa phương.
Nghệ nhân A Đếch (65 tuổi, dân tộc Giẻ-Triêng) ở thôn Đăk Gô, xã Đăk Kroong (huyện Đăk Glei) bộc bạch: “Tôi thường tham gia truyền dạy cồng chiêng cho các em nhỏ tại làng với những kiến thức sẵn có từ cha ông truyền lại. Lần này, được tham gia lớp tập huấn, tôi có dịp giao lưu, trao đổi với các thầy và các nghệ nhân tại các địa phương nên được mở mang thêm kiến hức về cồng chiêng. Những điều đó rất quý giá để tôi đem về truyền dạy cho lớp trẻ tại làng”.
Nghệ nhân Ksor Thoen (32 tuổi, dân tộc Gia Rai) ở thôn Ia Đơl, xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai) cũng phấn khởi cho biết: “Tôi biết đánh nhiều bài cồng chiêng từ nhỏ nhưng thú thật cũng chưa am hiểu sâu về nguyên lý cấu tạo, cách tạo âm thanh cho những chiếc chiêng cồng. Vì vậy, nhờ được tham gia những lớp tập huấn như thế này, tôi thêm hiểu biết về nghệ thuật chiêng và có thể tập được những bài chiêng khó”.
Ông Phan Văn Hoàng cho biết: “Với những gì được học, các nghệ nhân sẽ là đội ngũ nòng cốt trong quá trình truyền dạy cồng chiêng tại các địa phương, góp phần gìn giữ và khơi dậy niềm đam mê, yêu thích cho lớp trẻ với văn hóa cồng chiêng của DTTS tại chỗ. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ cho các học viên đã tham gia tập huấn tích cực thực hành chỉnh âm cồng chiêng tại địa phương. Đồng thời, quan tâm tổ chức nhiều lớp truyền dạy chỉnh âm cồng chiêng cho lớp trẻ nhằm phát huy năng lực của các “thầy giáo” dạy chiêng, góp phần bảo tồn, phát huy bền vững di sản văn hóa cồng chiêng trong thời gian tới”.
Hoàng Thanh