Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch

16/09/2023 06:34

Thời gian qua, tỉnh ta có nhiều chính sách, định hướng nhằm quản lý hiệu quả đối với các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Qua đó, từng bước định hướng hoạt động du lịch phát triển tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ gìn các giá trị tài nguyên và văn hóa.

Nhằm tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách “thông thoáng” cho phát triển du lịch, ngành Du lịch tỉnh tham mưu ban hành, triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch về phát triển du lịch, lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch của từng cấp, ngành, địa phương để làm cơ sở cho hoạt động quản lý nhà nước. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch. 

Một trong số đó có thể kể đến việc đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp với các công ty lữ hành trong nước và quốc tế xây dựng các tour, tuyến du lịch liên tỉnh, quốc tế, chú trọng các tỉnh nằm trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia.

Các học viên thực hành, tìm hiểu văn hóa truyền thống tại Lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch. Ảnh: HT 

 

Nhiều chương trình liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành trong nước và khu vực được triển khai hiệu quả như: Chương trình hợp tác toàn diện giữa tỉnh Kon Tum và Tổng Công ty hàng không Việt Nam giai đoạn 2022-2026; Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Bình Định, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Quảng Ngãi; Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ giữa các doanh nghiệp du lịch tỉnh Kon Tum; Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ tăng khách du lịch đến tỉnh Kon Tum giữa Liên Chi hội lữ hành Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kế hoạch phát triển Du lịch Khu vực Tam giác phát triển Campuchia- Lào- Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Nhằm phát triển hiệu quả du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, nhiều Đề án về du lịch xanh, bền vững được triển khai hiệu quả, như: Đề án Phát triển Du lịch Vườn Quốc gia Chư Mom Ray; Đề án Tổ chức khai thác bay dù lượn gắn với phát triển du lịch tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 20302; Xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp với các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp tại huyện Kon Plông; Đề án Tổ chức Festival Sâm Ngọc Linh - Kon Tum.

Đặc biệt, triển khai có hiệu quả Đề án bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ, tỉnh đã xây dựng được các khu trưng bày, không gian văn hóa các DTTS, phát triển nhiều sản phẩm độc đáo như đồ gỗ mỹ nghệ, hàng dệt thổ cẩm, các tour hướng dẫn nghệ thuật chế biến món ăn truyền thống đã tạo sự mới lạ cho du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Phát triển các sản phẩm du lịch mang đậm nét văn hóa truyền thống. Ảnh: HT 

 

Ngành Du lịch cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng nền du lịch thông minh, hiện đại; triển khai hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông với các nền tảng số của Tổng cục Du lịch như: ứng dụng “Du lịch Việt Nam- Vietnam Travel”; nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch”; Hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; hệ thống thẻ- vé điện tử; Thẻ du lịch thông minh; Hệ thống thuyết minh đa phương tiện.

Trong công tác quy hoạch, đầu tư và phát triển sản phẩm du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị liên quan tiến hành thẩm định, hướng dẫn cho nhà đầu tư thực hiện gần 90 dự án, trong đó có các dự án du lịch. Toàn tỉnh hiện có 12 điểm du lịch cấp tỉnh và cấp phép hoạt động 5 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch (2 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 3 doanh nghiệp lữ hành nội địa), quản lý và cấp 29 thẻ hướng dẫn viên du lịch (14 thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế; 9 thẻ hướng dẫn viên nội địa, 6 thẻ hướng dẫn viên tại điểm).

Ông Nguyễn Văn Bình- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Để du lịch tỉnh nhà phát triển bền vững khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh, ngoài sự nỗ lực của ngành Du lịch thì rất cần sự chung tay, phối hợp của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Bình, một trong số đó là tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, nắm bắt và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, vận động các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của tỉnh (lưu trú du lịch, lữ hành du lịch, ban quản lý các điểm tham quan, mua sắm và các doanh nghiệp vận tải khách du lịch) tham gia Liên minh kích cầu du lịch nội địa. Tiếp tục đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên am hiểu văn hóa, lịch sử của từng địa phương; thông thạo tiếng Lào, Thái Lan, tiếng Anh để giao lưu và phục vụ du khách.

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác