Mùa xuân của những vòng xoang

19/04/2018 07:01

​Mùa xuân là mùa của lễ hội. Có thể hình dung các lễ hội sẽ ra sao, nếu trong âm vang tiếng cồng tiếng chiêng gọi mời, cuốn hút, mà thiếu vắng vòng xoang dịu dàng, điệu múa nồng say? Những đôi tay mềm mại, những bước chân nhịp nhàng, những dáng hình uyển chuyển, thanh thoát... Tất cả, đã làm thành linh hồn, nét đẹp của những mùa kết nối thân thương.

Tại Liên hoan Cồng chiêng, xoang và biểu diễn trang phục truyền thống của ngành GD&ĐT thành phố Kon Tum năm 2017 được tổ chức ở nhà rông Kon Klor (phường Thắng Lợi), chương trình biểu diễn của các em học sinh Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh thu hút rất đông người xem và để lại ấn tượng đẹp trong cảm nhận của mọi người.

Chương trình là sự hòa quyện giữa âm thanh, màu sắc, đường nét, hình ảnh... sinh động. Đặc biệt, những vòng xoang xinh tươi liên tục biến hóa của các cô bé từ 6-7 đến 9-10 tuổi thực sự là điểm nhấn ấn tượng cho toàn bộ tiết mục được dàn dựng công phu.

Nghệ nhân Y Blưn ở làng Kon Tum KPâng, người được các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh tín nhiệm gửi gắm tập luyện cho các cháu không giấu nổi niềm vui, hạnh phúc khi chương trình được nồng nhiệt cổ vũ, khen ngợi.

Hơn 20 năm trước, chúng tôi đã gặp bà ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thành phố Kon Tum). Cô giáo Y Blưn dáng người thanh mảnh, nụ cười tươi, đôi mắt to đen láy với cái nhìn gần gụi, ấm áp.

Ngày ấy, cô hướng dẫn các em học sinh người Ba Na của trường tập tiết mục cồng chiêng, xoang để chuẩn bị biểu diễn chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Nghệ nhân Y Bên tâm huyết dạy múa Chiêu

 

Sáng, chiều hai buổi học, nên các em trong đội chiêng xoang chỉ tập trung tập luyện sau giờ tan trường. Đấy cũng là lúc “cái bụng đã reo”, nhưng nhờ sự nhiệt tình, tận tâm của cô Y Blưn, tất cả đều say sưa tập tành, quên hết mệt nhọc.

Được nghỉ hưu vào năm 2000, bận rộn với rẫy nương, vườn tược, bếp núc; song bà Y Blưn lại có thể chủ động quỹ thời gian, dành nhiều tâm sức chỉ dạy, truyền trao cho các cháu những bài chiêng, điệu xoang.

Bà Y Blưn bảo, ngày trước, cồng chiêng là “nghề” của nam giới, con trai. Còn đàn bà, con gái đã được “mặc định” cùng vòng xoang uyển chuyển. Bé gái Ba Na nhiều khi mới sinh ra đã được mẹ ôm ấp trước ngực, cõng địu sau lưng, đung đưa theo nhịp xoang ngày hội. Bé gái chừng 6-7 mùa rẫy đã nhún nhảy trong vòng xoang của mẹ của bà. Tuổi tròn trăng xinh tươi, nhiều em đều duyên dáng, phổng phao điệu múa...

Đàn bà, con gái Ba Na, hầu như ai cũng biết “xoang”, biết múa, song theo bà Y Blưn, để có thể múa đẹp, múa hay, các cô, các em không chỉ cần dẻo dai, thanh thoát. Người có khiếu thẩm âm, nhanh nhạy cảm nhận tiếng nhạc, lời ca chính là người dễ dàng học xoang và vui xoang không biết mỏi. Đặc biệt, người phụ nữ làm chủ “kho tàng” những điệu chiêng và những khúc dân ca càng có thể trở thành nữ “chủ” xoang, có khả năng truyền dạy cho thế hệ đi sau. 

Có duyên với xoang từ nhỏ, trải qua bao thăng trầm gìn giữ nét đẹp đáng quý của người phụ nữ dân tộc Ba Na, bà Y Blưn được biết đến là một trong số nghệ nhân dạy xoang “có tiếng”.

Với bà, những động tác cơ bản như đưa tay, vỗ tay, lắc hông, nhún chân... đã được linh hoạt “biến hóa” thành nhiều điệu xoang đa dạng, phong phú và sinh động, hấp dẫn. Trên nền tảng nghệ thuật múa dân gian, đó là sự đa dạng trong các động tác, sự phong phú về tạo dáng, tạo hình...

Vòng xoang trong các lễ hội, vì thế, luôn sinh động, bắt mắt; không chỉ theo đường thẳng, vòng tròn truyền thống, xoang còn được thể hiện qua những hình vòng cung, hay chữ U, chữ A, chữ L... với nhiều sắc thái biểu cảm.

Nhiều chương trình biểu diễn cồng chiêng - xoang, nhờ tài “biên đạo” của bà Y Blưn, đã trở thành “thương hiệu” tại các lễ hội, liên hoan, sự kiện văn hóa do các cấp ngành, địa phương tổ chức.      

Tỉnh Kon Tum có 7 DTTS tại chỗ, sinh sống lâu đời. Lễ hội cồng chiêng -xoang của các dân tộc không chỉ là sự tương đồng, mà còn mang nét đặc thù, độc đáo riêng.

Ở làng Khúc Na, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, “xoang” chính là điệu múa Chiêu (múa Bướm) độc đáo. Nghệ nhân Y Bên được xem là linh hồn của điệu múa mà người dân tộc Xơ Đăng nhánh Hà Lăng đã bao đời gìn giữ như một báu vật.

Già làng A Chiêu cho hay, ngày trước, ở Khúc Na, bà Y Buôl - chị bà Y Bên nổi tiếng là người múa Chiêu đẹp nhất, “mát tay” dạy múa Chiêu nhất. Bây giờ, ngoài 60 tuổi, còn bận bịu gánh vác việc nương rẫy cho gia đình nhưng bà Y Bên vẫn nhiệt tình tiếp tục công việc ý nghĩa này. 

Bà Y Bên kể, ngày xưa, múa Chiêu là nghi thức hành lễ độc đáo dành cho những đám tang của người Hà Lăng. Cùng với tiếng cồng chiêng buồn bã, điệu múa Chiêu là lời tiếc thương, sẻ chia đau xót của người sống tiễn đưa người đã khuất. Sau này, múa Chiêu được sử dụng cả trong các lễ hội lớn có ăn trâu, ăn heo, ăn dê... của cộng đồng.

Trước đây, nam nữ đều múa Chiêu, nhưng bây giờ, chỉ các bà các cô, các bé gái mới dập dìu như những cánh bướm trong vòng Chiêu hội, lễ. Múa Chiêu là sự kết hợp đồng điệu giữa bước chân, thân hình và động tác tay sao cho thật nhịp nhàng, uyển chuyển.

Khó nhất về động tác, song cũng là nét độc đáo, khác lạ của điệu múa là điều chỉnh bàn chân, sao cho hai bàn chân luân phiên, lúc xoay gót chân này, thì rê nhẹ nửa bàn chân kia cho nhịp nhàng. Gót chân và bàn chân đều không rời khỏi mặt đất, mà chỉ xê dịch từng chút, từng chút theo nhịp bước để di chuyển.

Cũng như cồng chiêng, từ xa xưa, xoang trong lễ hội không chỉ là nét đẹp kết nối con người với nhau, mà còn là sợi dây giao cảm giữa con người với thần linh, đấng tối cao.

Trải qua thời gian, nỗ lực “mẹ truyền con nối”, “con cháu theo bà” đã góp phần hình thành nên các thế hệ  yêu thích, say mê và giỏi xoang trong mỗi gia đình và cả cộng đồng.

Ở làng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà), nghệ nhân Y Yel (sinh năm 1958) và nghệ nhân Y Nhủi (sinh năm 1968) đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú ở loại hình múa xoang truyền thống.

Nhờ nhiệt tâm và sự khéo léo của các nghệ nhân, các cháu gái trong làng không chỉ yêu thích, mà còn hăng say tập luyện, múa hay múa đẹp.

Từ Y Ola-28 tuổi, Y Gai - 22 tuổi đến Y Lus - 17 tuổi, Y Huyền - 15 tuổi... đang góp phần nối rộng những vòng xoang như niềm tự hào của phụ nữ Ba Na nhánh Rơ Ngao làng Kon Trang Long Loi.

Ở làng Plei Tơ Nghia (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum), Y Nhơn tự hào vì trong gia đình nhỏ của chị, theo bước chân của bà ngoại Y Yen từng là người giỏi xoang nhất làng, từ mẹ Y Bech đến Y Nhơn và các em gái Y Nhip, Y Nhi đều nhớ xoang, yêu xoang và không khi nào vắng mặt trong những vòng xoang gặp gỡ, gắn bó của người làng.

Từng nghệ nhân cao niên tâm huyết như Y Blưn, Y Bên...; mỗi mái ấm nhiệt tình như gia đình Y Nhủi, Y Nhơn; mỗi cộng đồng như Kon Tum Kơ Pâng, Kon Trang Long Loi... Từ đây, mùa xuân của những vòng xoang sẽ ngày càng nồng say, lan tỏa.

Bài, ảnh: Nghĩa Hà

Chuyên mục khác