04/05/2015 09:17
Đặc sắc mùa lễ hội
Sau khi kết thúc một mùa rẫy, khoảng thời gian từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 dương lịch năm sau, đó là mùa lễ hội của đồng bào các DTTS ở Kon Tum.
Mở đầu là lễ cúng mừng lúa mới, tiếp đến là một loạt các lễ hội lớn như sửa máng nước, bỏ mả, đâm trâu, cầu an... của các làng; và cuối cùng là đến các nghi lễ của gia đình như kết nghĩa, cưới hỏi...
|
Không khí lễ hội tưng bừng, rộn rã; tiếng cồng chiêng vang khắp núi rừng, những vòng xoang được nối suốt từ lễ hội này đến lễ hội khác cho đến tận mùa rẫy mới.
Không phải ngẫu nhiên mà từ ngàn đời nay, các lễ hội của đồng bào DTTS lại luôn được tổ chức vào những tháng mùa khô. Theo giải thích của nhiều người, thì khoảng thời gian này hội tụ đủ cả các yếu tố về chủ quan và khách quan.
Già làng A Hyech (làng Kon Tum Kơ Nâm, phường Thống nhất, thành phố Kon Tum) lý giải: Đồng bào các DTTS ở Kon Tum đều sống dựa vào nông nghiệp, nên thường lấy vòng đời của cây lúa rẫy làm thước đo để tính thời gian; khi mùa mưa xuống thì người ta xuống giống trồng lúa, trồng bắp, mỳ; sang đến đầu mùa khô thì thu hoạch và đến tháng 11, 12 công việc nhà nông cũng đã cơ bản hoàn tất, lúa đã cắt xong, tuốt hạt phơi khô, cất vào kho, bắp cũng đã chất đầy gùi. Vì thế, nhà nào cũng đã có cơm gạo mới để cúng Yàng, để ăn; có nếp, bắp, mỳ, gào... để làm rượu cần. Ngay cả việc vào rừng tìm cây, cỏ làm men rượu ghè cũng rất thuận tiện nên có thể làm ra được nhiều loại rượu ngon. Thời điểm này, mọi nhà đều có đủ điều kiện để đóng góp lễ vật cho làng cũng như tổ chức nghi lễ của gia đình mình.
Lễ hội của đồng bào các DTTS thường kèo dài nhiều ngày, thế nên chỉ thời gian này khi công việc nhà nông đều đã xong xuôi, các gia đình không còn phải bận rộn với việc nương rẫy, thì họ mới có điều kiện tập trung đông đủ, chuẩn bị kỹ càng. Thời tiết khô ráo, nắng đẹp cũng rất lý tưởng để tổ chức lễ hội; các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng ngoài trời. Người dân có thể làm lễ cúng trời đất, vui chơi và nhảy múa, ca hát suốt đêm ngày.
Những lễ hội tiêu biểu
Đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh có rất nhiều lễ hội, trong đó, lễ mừng lúa mới (lễ ăn cơm mới) được coi là một trong những nghi lễ quan trọng không thể thiếu trong đời sống tâm linh, nó mở đầu cho một loạt các nghi lễ lớn.
Lễ cúng mừng lúa mới được diễn ra ngay sau khi kết thúc vụ lúa rẫy, nghi lễ này được tổ chức để tạ ơn trời đất, thần lúa, ông bà tổ tiên đã cho một mùa lúa bội thu và cầu mong mùa rẫy năm sau lại có thóc đầy kho.
Có một số dân tộc, chẳng hạn như người Rơ Măm (làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy), người Ba Na, coi lễ mừng lúa mới là Tết của dân tộc nên luôn được tổ chức rất to.
Sau lễ cúng mừng lúa mới, nhiều thôn, làng tổ chức lễ sửa máng nước (lễ hội giọt nước), để cầu mong mưa thuận gió hoà, nguồn nước giọt của làng luôn dồi dào, trong lành.
Đây cũng là dịp các làng tổ chức dọn vệ sinh môi trường nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn sống của cộng đồng, đồng thời nhắc nhở mọi người phải có ý thức bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước...
Lễ bỏ mả cho người quá cố cũng là một trong nghi lễ lớn của đồng bào DTTS ở Kon Tum. Theo quan niệm của người Ba Na, khi một người mới chết, linh hồn của họ vẫn còn lưu luyến với trần thế mà chưa về hẳn được với tổ tiên. Vì thế, sau khi người chết được một thời gian, các gia đình phải làm lễ bỏ mả để linh hồn người chết hoàn toàn tách khỏi mọi sự ràng buộc với cuộc sống trần gian và người sống thì được giải phóng khỏi mối liên hệ với người đã chết.
Ngoài ra, còn có nhiều nghi lễ lớn trong đời sống của đồng bào các DTTS ở Kon Tum, như lễ cầu an của người Ba Na thường được tổ chức trong khoảng thời gian tháng 12 dương lịch hàng năm với mong muốn cầu cho dân làng ấm no, khỏe mạnh, tránh khỏi chiến tranh, dịch bệnh, xua đuổi các thế lực siêu nhiên xấu, các loại ma xấu, xua đuổi những xui xẻo, tai họa đến với dân làng...
Cũng trong mùa lễ hội này, các gia đình, dòng họ còn tổ chức lễ kết nghĩa, lễ cưới hỏi, lễ trưởng thành, lễ cúng sức khoẻ cho mọi thành viên trong cộng đồng...
Trong các nghi lễ của đồng bào các DTTS, cùng với phần lễ, phần hội cũng được người dân rất chú trọng. Những sinh hoạt văn hoá như hát kể sử thi, đàn hát dân ca, múa xoang... đã tạo nên không khí vui tươi, sinh động cho các lễ hội, đồng thời qua đó, góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hoá đặc sắc của các dân tộc.
Có thể nói, mùa lễ hội của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh là mùa sinh hoạt văn hoá của cộng đồng, mùa giao lưu văn hoá, mùa tìm bạn đời của những chàng trai cô gái. Đây là mùa mà cả cộng đồng nghỉ ngơi, vui chơi thoả thích, làm phong phú thêm đời sống tinh thần; đồng thời cũng là dịp để người lớn truyền dạy, giáo dục cháu con truyền thống của dân tộc, về tình yêu quê hương, núi rừng...
Thuỳ Hương