Một thoáng Đăk Toa

27/09/2017 18:00

Tôi đến vùng hồ thủy lợi Đăk Toa (xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy) vài lần, nhưng không sao quên được những khoảnh khắc bình yên ở nơi đây. Không gian thơ mộng, mặt hồ phẳng lặng, chỉ có tiếng chim hót trong gió thổi, tiếng lá rơi xào xạc, tạo nên một bản đồng ca vui tai. Vùng đất này cũng là một trong những cái nôi cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Hồ thủy lợi Đăk Toa nằm trên vùng đất của các làng Kon Rá, Kon Keng, Kon Kung, Măng Tu, Kon Vi Vàng và Kon Bỉ. Công trình thủy lợi này được khởi công xây dựng từ năm 2011, có tổng vốn đầu tư 83 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất được đầu tư xây dựng tại huyện Kon Rẫy từ trước đến nay.

Làng Kon Vi Vàng bên hồ Đăk Toa. Ảnh: D.L

 

Thủy lợi Đăk Toa có năng lực tưới cho 186ha lúa nước của người dân 2 xã Đăk Tơ Lung và Đăk Ruồng. Công trình thủy lợi Đăk Toa đưa vào sử dụng giúp huyện Kon Rẫy hình thành được vùng sản xuất lúa nước 2 vụ tập trung và mở ra cơ hội cho người dân, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đẩy mạnh trồng trọt và chăn nuôi, phát triển kinh tế, từng bước xóa nghèo, vươn lên làm giàu và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Khi công trình hoàn thành, có lẽ già làng Kon Vi Vàng -  A Tiêng ưng cái bụng nhất. Ông nói: Sau thủy lợi Đăk Toa, thì Tỉnh lộ 677 từ Quốc lộ 24 về các xã Đăk Tơ Lung, Đăk Kôi cũng được nâng cấp, việc đi lại của nhân dân thuận lợi hơn và giao thương cũng phát triển. Ngay trong mùa khô khắc nghiệt của năm 2016, lòng hồ thủy lợi Đăk Toa đã cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân các làng Kon Vi Vàng, Măng Tu, Kon Lung… khi các giếng nước và một số công trình nước sinh hoạt bị khô cạn. Bà con mừng lắm!

Thật vậy, hồ Đăk Toa tạo ra một không gian mênh mông cùng với những cánh rừng nguyên sinh trải dài hun hút khiến cho ai một lần đến đây cũng xao xuyến, muốn hòa mình vào thiên nhiên. Buổi sáng, lúc mặt trời mọc, bóng mát từ các vách núi cao đổ xuống lòng hồ khiến dòng nước luôn trong xanh mát rượi. Những bãi đá nối liền bãi đá, bóng nhẵn nhấp nhô hàng cây số, tạo ra những hình thù kì lạ như bức tranh sơn thủy hữu tình, bay bổng theo trí tưởng tượng của con người.

Chạy dọc theo bãi đá là dòng sông Đăk Kôi với những khúc sông trong vắt lững lờ trôi, có thể nhìn thấy được từng viên đá cuội dưới đáy sông. Có những đoạn bị đá lớn chặn ngang, chảy trên cao xuống thấp làm cho dòng nước chảy xiết, tạo thành những thác nước tung bọt trắng xóa trông rất thi vị. Cùng với thảm thực vật phong phú, màu xanh ngút ngàn của rừng càng làm nổi bật lên những nét chấm phá màu trắng bạc của hồ, thác nước, khe suối ngày đêm róc rách…

Lòng hồ Đăk Toa. Ảnh: D.L

 

Không chỉ có vậy, nơi đây còn có những thác nước đẹp tuyệt vời mà người địa phương gọi với nhiều cái tên như Đăk Snghe, Đăk Kôi, suối nước nóng Tam Piên, khu du lịch bãi đá thiên nhiên… Bên cạnh đó, nhiều suối nguồn ở vùng lòng hồ này có các loại cá, như cá chình, cá niên thơm ngon nổi tiếng. Ẩm thực ở đây cũng vô cùng độc đáo được tạo ra từ rừng không nơi nào có được như: Muối kiến vàng giã với riềng rừng; chuột rừng nướng muối ớt; đọt sa nhân, cá niêng và lá mì nấu ống lồ ô; gà rừng nướng lá é…

“Một thoáng Đăk Toa” cho bài viết của mình, do thời lượng chuyến đi của tôi ngắn ngủi. Vùng đất này không những giàu tiềm năng về du lịch sinh thái, về thủy điện, giữ vai trò rất quan trọng trong bảo vệ môi trường tự nhiên…, mà còn ẩn chứa nhiều nét văn hóa đầy bản sắc của các dân tộc Ba Na, Xê Đăng, H’re. Một không gian bình yên xanh bao la, không khí trong lành, núi rừng hoang sơ… còn chất chứa bao điều bí ẩn, bất ngờ và thi vị khiến tôi nhớ mãi và tự hứa sẽ một lần trở lại vùng đất Đăk Toa với chuyến đi dài hơn.

                                                                               Dương Lê

Chuyên mục khác