21/05/2018 07:00
Nguyên văn bài thơ: “Buổi sáng em lên rẫy/ Thấy bóng cây kơ-nia/ Bóng ngả che ngực em/ Về nhớ anh không ngủ/ Buổi chiều mẹ lên rẫy/ Thấy bóng cây kơ-nia/ Bóng tròn che lưng mẹ/ Về nhớ anh mẹ khóc/ Em hỏi cây kơ-nia/ - Gió mày thổi về đâu?/ - Về phương mặt trời mọc!/ Mẹ hỏi cây kơ-nia/ - Rễ mày uống nước đâu?/ - Uống nước nguồn miền Bắc!/ Con giun sống nhớ đất/ Chim phí sống nhớ rừng/ Em và mẹ nhớ anh/ Uống theo nguồn miền Bắc/ Như gió cây kơ-nia/ Như bóng cây kơ-nia”…
Đầu bài ghi “Theo điệu Ka-choi – Dân tộc H’rê”, cuối bài ghi “phỏng dịch”. Bài thơ đã được nhiều người bình luận. Bao giờ cũng vậy, một tác phẩm hay, gây ấn tượng luôn nhận được nhiều cách tiếp cận khác nhau, tùy theo mức độ cảm nhận ở từng bạn đọc.
Đã từng có một số ý kiến về tác giả bài thơ này (và những tác phẩm khác của Ngọc Anh). Tuy nhiên, nhà văn Nguyên Ngọc, một người bạn thân của Ngọc Anh, đã viết trong hồi ký của mình: “…đâu khoảng 1956 – 1957, trên các báo rải rác thấy đăng một số bài thơ Tây Nguyên, thơ dân gian, khuyết danh, bên dưới chỉ ghi “Dân tộc Ba-na”, “Dân tộc Ê-đê”… và dòng chữ nhỏ hơn trong vòng đơn (Ngọc Anh dịch). Chính tôi, mãi về sau mới biết, chẳng phải anh “dịch” gì cả. Đó là thơ sáng tác của Ngọc Anh. Hàng chục, hàng trăm bài…”.
Con số “hàng chục hàng trăm bài” như nhà văn Nguyên Ngọc cho biết thì đến nay chưa thấy có tư liệu hay công trình nào sưu tập đầy đủ, nhưng trong tay chúng tôi may mắn có được 10 bài. Bài nào của Ngọc Anh cũng có nhiều câu thơ hay, mặc dù bài nào cũng kiệm lời, ngắn gọn, nhưng ẩn chứa những thi tứ sâu, thi cảm tốt, thi ảnh đẹp, thi ngữ đắc, thi điệu điêu luyện.
Một trong số ấy là bài Bóng cây kơ-nia. Bài thơ thác lời một người vợ ở Tây Nguyên nhớ chồng tập kết ra miền Bắc sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, và qua đó diễn đạt chung tình cảm của những người ở lại miền Nam vọng về miền Bắc.
20 câu thơ 5 chữ, vị chi 100 từ. Thử làm phép so sánh: nếu với dung lượng ấy mà viết theo các thể thơ 7 chữ, hay 8 chữ, hoặc lục bát, thì bài thơ chỉ từ 12 đến 14 câu – nghĩa là một bài thơ ngắn. Ngắn, nhưng Bóng cây kơ-nia lại có một cấu trúc hoàn mĩ, có một sức ẩn chứa, khái quát lớn. Ngoài tính biểu trưng chung, bài thơ còn mở ra cả một “không gian ba chiều” - chiều sâu, chiều rộng, chiều cao - trong cảm nhận người đọc.
* Tính biểu trưng chung: Ấy là hình ảnh cây kơ-nia. Cây kơ-nia vốn là biểu tượng sự thân thương gần gũi thường ngày của người Tây Nguyên; cây kơ-nia cũng là biểu tượng sự vạm vỡ, vững chãi của người đàn ông trong quan niệm của đồng bào. Thế cho nên, khi người vợ và người mẹ nhìn vào bóng cây kơ-nia là liên tưởng và nhớ về người đàn ông yêu dấu của gia đình đang xa xôi ngoài Bắc. Từ nỗi nhớ dai dẳng khôn nguôi ấy, mỗi lúc dưới bóng kơ-nia (nơi đầu làng hay trên nương rẫy) ôm trùm tỏa mát, người vợ cảm giác và liên tưởng như vòng tay của chồng choàng ôm nồng ấm chưa xa. Dưới bóng kơ-nia trùm tỏa, người mẹ như thấy thiếu vắng đứa con yêu ngày nào địu nặng trên lưng. (Hình ảnh địu con, ở một bài thơ khác - bài “Nhớ lắm, ơ, thương nhiều!” - Ngọc Anh cũng từng thác lời người vợ nhắn nhủ cùng chồng: “Sớm chiều mẹ lủi thủi đi tìm ốc hái rau bên suối…/ Mà tóc mẹ thì sém nắng, lưng mẹ cháy đen/ Cái lưng của mẹ che mặt trời cho anh mát”).
* Chiều sâu cảm thức: Bài thơ biểu đạt một cách sâu sắc nỗi nhớ niềm thương, sự gắn kết thật sự của con người qua một ví von rất dân dã mà đầy trải nghiệm, giàu tính nhân văn: “Con giun sống nhớ đất/ Chim phí sống nhớ rừng…”. Có phải đó cũng là lời nhắn nhủ anh không được quên nơi mình sinh trưởng?
* Chiều cao cảm thức: Từ nỗi nhớ thương cụ thể của một cá nhân, một vùng miền, bài thơ đã gợi lên sức liên tưởng (qua những hình tượng ẩn dụ và biểu trưng) thuộc phạm trù tư tưởng, đó là mạch nguồn đất nước và dân tộc: “Uống nước nguồn miền Bắc”; “Về phương mặt trời mọc”, “Uống theo nguồn miền Bắc” …
* Chiều rộng cảm thức: Bài thơ mở ra một liên tưởng và kết nối gần gũi giữa hai miền đất nước diệu vợi xa xăm, là Tây Nguyên (hay miền Nam nói chung) với miền Bắc. (Về nội hàm này, trong bài “Nhớ nhiều, ơ, thương lắm!” Ngọc Anh cũng từng viết: “Bây giờ anh đi ra miền Bắc…/ Nơi Cụ Hồ làm mẹ làm cha…”.
Bài thơ chỉ có mỗi nhân vật trần thuật là “em” đang “đối thoại” với nhân vật trữ tình là “anh” trong tâm tưởng. Tất cả đều “vô hình”, chỉ bóng cây kơ-nia là hiện hữu. Và bóng cây kơ-nia đã trở thành… đối tượng phản ảnh!
Mọi diễn biến của cảm xúc và ý tưởng mà bài thơ khơi mở đều bắt nguồn từ bóng cây kơ-nia và đều xoay quanh bóng cây kơ-nia: “Em và mẹ nhớ anh/ Như bóng cây kơ-nia/ Như gió cây kơ-nia”…
Thật sự đây là một tác phẩm văn học đặc sắc về đề tài Tây Nguyên.
Tạ Văn Sỹ