Lưu giữ hồn làng

17/02/2018 07:20

​Thời gian qua, người dân thôn Đăk Gô (xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei) đã có nhiều cố gắng trong việc truyền dạy, giữ nhịp cồng chiêng – múa xoang của người Giẻ Triêng, trở thành một trong những điểm sáng trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hóa cồng chiêng của tỉnh.

Giữ nhịp cồng chiêng

Vốn đam mê cồng chiêng từ nhỏ, những năm qua, ngoài việc tích cực tham gia dàn dựng các bài chiêng, xoang phục vụ các lễ hội tại thôn cũng như biểu diễn trong và ngoài tỉnh, nghệ nhân A Đêch còn nhiệt tình truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho những người dân trong làng, nhất là thế hệ trẻ, với mong muốn gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho mai sau.

Ông kể: Tôi biết đánh cồng chiêng từ nhỏ do bố và các già làng truyền dạy. Hồi đó, đánh chiêng goong rất sôi nổi. Mỗi khi làng mở hội mừng lúa mới, mừng nhà rông mới... bà con say sưa với giai điệu cồng chiêng trong 2-3 ngày đêm, vui lắm! Con trai cứ theo đó mà học hỏi, lâu dần thành thục các bài chiêng. Con gái thì học múa những bài xoang sao cho phù hợp với giai điệu tiếng cồng, tiếng chiêng.

Tập dợt chương trình chuẩn bị cho ngày hội làng. Ảnh: T.N

 

Ngoài các bài chiêng cổ, bài chiêng truyền thống trong các dịp lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà rông mới, hay các điệu chiêng buồn trong các đám ma chay, nghệ nhân A Đêch còn sáng tạo, biến tấu nhiều bài chiêng khác nhau theo các điệu nhạc cách mạng sôi động, biểu diễn trong các lễ mừng công, báo công hay lễ cưới và đặc biệt là điệu “Bông rốp” - một cách chơi ngẫu hứng sau lễ hội, khi men rượu cần đã chếch choáng trong tâm hồn mỗi người.

A Đêch chia sẻ: Bài mới mình sáng tác vẫn được. Ở đây, mình thường đánh chiêng theo giai điệu của bài hát của cách mạng, ví dụ như bài “Đảng cho ta mùa xuân”, hoặc bài “Nhớ ơn Bác Hồ”. Tháng 3/2016, đội nghệ nhân của làng được cử đi tham dự Tuần lễ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố Kon Tum, mình cũng đánh chiêng theo nhịp điệu, ca từ của các bài hát này.

Nghệ nhân Y Ngót - Đội trưởng đội múa xoang của thôn Đăk Gô bồi hồi nhớ lại: Từ nhỏ, mình thường theo mẹ đến xem các lễ hội làng, vừa nghe các giai điệu cồng chiêng, vừa xem các điệu múa xoang thướt tha, dịu dàng, sâu lắng nên đâm ra say mê đến tận bây giờ. Giờ đây, có chút ít kinh nghiệm, mình cố gắng truyền niềm đam mê và những gì học được cho thế hệ trẻ.

Ngoài các nhịp xoang quen thuộc như “Chào khách”, “Mừng lúa mới”, bà còn sáng tạo và cách điệu những động tác quen thuộc trong sản xuất, sinh hoạt hàng ngày như gieo hạt, tỉa lúa, làm cỏ… thành những điệu múa, nhịp xoang lạ mắt, uyển chuyển, mượt mà, làm tôn thêm vẻ đẹp chắc khỏe, giỏi giang của người phụ nữ Giẻ Triêng. 

Già làng A Jớk nói rằng: Hàng năm, dân làng đều tổ chức các lễ hội truyền thống của cộng đồng. Đây là dịp để những tiếng cồng, tiếng chiêng, những bài múa xoang được thể hiện, gắn kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, cùng nhau hòa nhịp, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, để bà con có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bí thư chi bộ thôn, ông A Phất tiếp lời: Trong thời gian qua, bà con dân làng, từ già đến trẻ đều có ý thức gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Chi bộ thôn đã đề ra nghị quyết về công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; chỉ đạo Ban công tác Mặt trận thôn, các đoàn thể phối hợp với các nghệ nhân mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, dệt thổ cẩm. Trong 3 năm qua, thôn phối hợp với UBND xã và Phòng Văn hóa Thông tin huyện mở được 3 lớp với hơn 50 thanh thiếu nhi tham gia. Các em tham gia học tập rất nhiệt tình, tiếp thu nhanh, kết quả đạt được rất tốt.

Nhà rông – hồn của làng

Khi đến làng Đăk Gô, nhà rông cao to, sừng sững, uy nghi giữa làng. Ông A Phất vừa là bí thư chi bộ thôn, vừa là nghệ nhân của đội cồng chiêng và cũng là chỉ huy trưởng công trình xây dựng nhà rông của làng cách đây mấy năm.

Hỏi chuyện về vấn đề này, A Phất cho hay: Trước đây, dân tộc Giẻ Triêng làm nhà rông hơi nhỏ và thấp, vì dân số của làng đó ít. Bây giờ, dân số của làng mình rất đông nên làm nhà rông nhỏ quá không đủ chỗ cho bà con sinh hoạt. Nhà rông làng Đăk Gô có chiều rộng 13m, chiều cao 16m, riêng kèo kéo xuống là 11m, tất cả đều làm bằng các nguyên vật liệu từ thiên nhiên. Bà con đóng góp hàng ngàn ngày công lao động, làm ròng rã hơn 3 tháng mới xong. Nhà rông là nơi thể hiện sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của thôn làng; vì vậy, cần phải làm to lớn, hoàng tráng để thể hiện sự lớn mạnh ấy.

Bà con đánh cồng chiêng múa xoong đón mừng ngày hội. Ảnh: T.N

 

Ông A Phất nhớ lại: Khi làm nhà rông, tôi vận động bà con ủng hộ, góp công, góp sức cùng làm. Tôi phân công từng nhóm một, mỗi nhóm phụ trách một công việc khác nhau. Sau một ngày, chúng tôi kiểm tra, nhóm nào làm tốt thì biểu dương, nhóm nào làm chưa đạt thì phê bình, nhắc nhở.

“Làng Đăk Gô có được nhà rông to đẹp như hôm nay là nhờ bà con đồng thuận, cùng góp công, góp sức để làm. Để làm được nhà rông này, chúng tôi phải chuẩn bị vật liệu mất tới 3 năm” – ông nói.

Với sự đồng thuận, thống nhất cao từ cán bộ đến dân làng, đến nay, thôn Đăk Gô không chỉ gìn giữ, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống mà đời sống của bà con ngày càng được cải thiện và nâng cao, nhiều tập tục lạc hậu được xóa bỏ, những nét đẹp ngày càng phát huy.

Thôn trưởng A Than cho biết: Đến nay, bộ mặt nông thôn Đăk Gô đã có nhiều khởi sắc. Đường giao thông nội thôn được bê tông hóa 100%; tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, phương tiện nghe nhìn, đi lại, huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp… đều đạt 100%. Thôn có 255 hộ, 1.141 nhân khẩu; trong đó có 17 hộ khá-giàu, 156 hộ có mức sống trung bình, số hộ còn lại thuộc diện cận nghèo và nghèo. Đáng chú ý, có 220 hộ/255 hộ được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, thôn cũng được công nhận Làng văn hóa.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - nguyên Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện nhận xét: Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống được bà con làng Đăk Gô thực hiện rất tốt trong thời gian qua. Các nghệ nhân của làng Đăk Gô được huyện nhiều lần cử đi tham gia các hoạt động văn hóa do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức; được 2 lần tỉnh cử đi tham gia các hoạt động văn hóa tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, thủ đô Hà Nội.

Thảo Nguyên

Chuyên mục khác