Lung linh sắc màu thổ cẩm

08/02/2023 06:36

Thổ cẩm là trang phục truyền thống và ghi dấu bản sắc văn hóa, góc nhìn nhân sinh quan, thế giới quan của mỗi tộc người. Trải qua nhiều thăng trầm, thổ cẩm Kon Tum nói chung và của đồng bào các DTTS thành phố Kon Tum nói riêng vẫn được gìn giữ, bảo tồn và từng bước được nâng tầm giá trị. Không gian nghề dệt, sự lung linh của sắc màu và sức sống mới của thổ cẩm, tất cả được thể hiện qua Liên hoan sắc màu thổ cẩm lần thứ II do thành phố Kon Tum tổ chức ngày 6-7/2/2023.

Lan tỏa nét đẹp thổ cẩm

Từ bao đời nay, dệt thổ cẩm nghề thủ công cổ truyền, không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt và trở thành bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS, trong đó có người dân các làng ở thành phố Kon Tum.

Ông Phan Ngọc Định- Phó Chủ tịch UNND thành phố Kon Tum cho biết: Dệt thổ cẩm là nghề thủ công lâu đời của các DTTS trên địa bàn. Qua bàn tay khéo léo của những nữ nghệ nhân, mỗi tấm thổ cẩm giống như một tác phẩm nghệ thuật giàu hình tượng, biểu cảm thể hiện bản sắc văn hóa, nét thẩm mỹ của từng dân tộc. Họ đã truyền hơi thở của cuộc sống vào từng hoa văn, từng đường dệt, màu sắc; đồng thời “thổi” vào đó “hồn cốt dân tộc” mang đậm yếu tố tâm linh, huyền bí và cả ước muốn, sức sống của cộng đồng. Để góp phần thúc đẩy việc bảo tồn, khôi phục và phát huy nghề truyền thống các DTTS, trong đó có nghề dệt thổ cẩm, UBND thành phố Kon Tum tổ chức Liên hoan sắc màu thổ cẩm lần thứ II.

Không khí vui tươi, rộn ràng của buổi liên hoan. Ảnh: TH

 

Dưới mái nhà rông cao vút của làng Kon Jơ Dri, 38 nghệ nhân đến từ 10 xã, phường có đông bào DTTS trên địa bàn thành phố Kon Tum miệt mài se chỉ, luồn khung, tỉ mỉ dệt nên những tấm thổ cẩm với màu sắc phong phú, hoa văn độc đáo được lấy cảm hứng từ thiên nhiên, cuộc sống. Nếu như màu đen tượng trưng cho đất đai trù phú thì màu xanh lại thể hiện cho sự xanh tươi của cỏ cây, sông nước và khát vọng về một cuộc sống thanh bình, còn màu đỏ rực rỡ thể hiện cho lòng dũng cảm, sức mạnh siêu nhiên. Mỗi hoa văn gắn liền với gắn liền với môi trường sống hay thể hiện mong muôn, khát vọng của người dân…

Nghệ nhân Y Thúy (làng Đăk Krắc, xã Hòa Bình) chia sẻ: Để tạo nên những tấm thổ cẩm đẹp là cả một quá trình đầy công phu, tỉ mỉ với óc sáng tạo cùng những kinh nghiệm được tích lũy lâu dài của người phụ nữ. Những quy tắc, kinh nghiệm ấy được truyền từ đời bà, mẹ đến các con, cháu; cứ thế trao truyền, tiếp nối và phát triển dệt nên những tấm thổ cẩm sinh động, mang ngôn ngữ, thông điệp riêng phục vụ cho từng mục đích khác nhau như làm chăn đắp, làm khăn, địu, may quần áo đi làm, đi lễ hội…

 
 
Những trang phục thổ cẩm truyền thống và cách tân được trình diễn tại Liên hoan. Ảnh: TH

 

Gắn bó với khung cửi mấy mươi năm nay, dệt là niềm vui, hạnh phúc mỗi ngày của nghệ nhân Y Blanh (làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung).

Thế nên, khi tham gia Liên hoan sắc màu thổ cẩm, được sống lại trong không gian của nghề dệt, bà Y Blanh không giấu nổi niềm xúc động: Tôi vui lắm khi chứng kiến không khí hăng say, thi đua lao động của các tốp thợ; vui tươi, rộn ràng y như hồi tôi còn bé theo bà, theo mẹ và các cô trong làng học làm nghề. Bên cạnh đó, những bộ trang phục, phụ kiện làm từ thổ cẩm được trưng bày, trình diễn thật bắt mắt cho thấy dòng chảy của thổ cẩm đang được duy trì và chắc chắn sẽ tiếp diễn mạnh mẽ hơn nữa.

Liên hoan cũng là dịp để các nghệ nhân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau; qua đó, thắt chặt hơn tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc và lan tỏa rộng rãi nét đẹp thổ cẩm trên địa bàn thành phố Kon Tum.

Sức sống mới của thổ cẩm

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum Phan Ngọc Đinh: Để phát triển du lịch cộng đồng thì việc duy trì các nghề truyền thống của đồng bào DTTS, trong đó có dệt thổ cẩm có vai trò hết sức quan trọng. Bởi mỗi sản phẩm được làm ra từ thổ cẩm đều hàm chứa những câu chuyện đặc sắc về lịch sử, về bản sắc văn hóa, về niềm tin và các giá trị thẩm mỹ luôn thu hút được nhiều sự quan tâm, chú ý của bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Vì vậy, việc bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm vừa góp phần gìn giữ, quảng bá văn hóa, vừa giúp tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

Tình cờ tham dự Liên hoan sắc màu thổ cẩm, ông Marcin Moczulski (du khách Ba Lan) tỏ ra thích thú khi tham quan, khám phá quá trình dệt, nét độc đáo của các sản phẩm thổ cẩm. Theo ông Marcin Moczulski cho biết, ông rất ấn tượng với thổ cẩm của đồng bào nơi đây. Những họa tiết trên thổ cẩm của người Ba Na rất đặc biệt, không giống với bất cứ một loại hoa văn, họa tiết nào mà ông đã từng xem. Thú vị hơn, đến với Liên hoan, ông được tận mắt nhìn thấy các nghệ nhân dệt thổ cẩm, tạo ra những sản phẩm chất lượng. Và ông đã mua một số vật dụng từ thổ cẩm để làm quà tặng cho bạn bè, người thân khi về nước.

Ông Marcin Moczulski, du khách Ba Lan thích thú tìm hiểu những sản phẩm từ thổ cẩm. Ảnh: TH

 

Hiện nay, với sự phát triển của đời sống kinh tế- xã hội; sự giao thoa về văn hóa, thổ cẩm không còn bị bó buộc trong phạm vi của một cộng đồng người hay một dân tộc nào. Thổ cẩm không chỉ dùng may quần áo để mặc trong các buổi sum họp, lễ hội của làng hay làm chăn, địu trong đời sống hàng ngày mà là chất liệu, nguồn cảm hứng sáng tạo ở lĩnh vực thời trang, quà tặng. Bằng tình yêu với thổ cẩm, khát vọng lan tỏa văn hóa của đồng bào các DTTS, nhiều nghệ nhân nỗ lực tìm tòi, khéo léo cắt may tạo ra những trang phục cưới, váy dạ hội, túi xách thời trang… hiện đại, độc đáo để trình diễn tại Liên hoan lần này.

Những thiết kế mới lạ từ thổ cẩm được đánh giá có tính ứng dụng cao, thẩm mỹ nên thu hút được sự chú ý đông đảo người dân, du khách. Điều này đã mang lại sức sống mới và góp phần nâng tầm giá trị của thổ cẩm truyền thống.

Cũng theo nghệ nhân Y Thúy, để đưa thổ cẩm vươn tầm xa hơn, bên cạnh việc đổi mới về mẫu mã, đa dạng sản phẩm, những người nặng lòng với thổ cẩm như tôi còn tích cực quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội, tham gia hội chợ, gửi đi nơi khác bán… Liên hoan chính là dịp quan trọng, cơ hội để tôn vinh giá trị của thổ cẩm, giới thiệu sản phẩm mới, xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ.

Không chỉ là dịp hội ngộ, thi tài của người làm nghề mà qua Liên hoan sắc màu thổ cẩm thành phố Kon Tum lần thứ II còn góp phần lan tỏa, giới thiệu nghề dệt thổ cẩm đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Hẳn rằng, với nỗ lực của chính các cộng đồng DTTS và sự đồng hành, tiếp sức của các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố Kon Tum, thổ cẩm sẽ tiếp tục một hành trình mới đi xa hơn, lan rộng hơn và có sức sống vững bền hơn.

Thiên Hương

Chuyên mục khác