22/09/2017 21:46
Những ngày cuối hè, chúng tôi - những người con Tây Nguyên có dịp về viếng thăm Thành cổ Quảng Trị. Thành cổ uy nghi và linh thiêng nằm soi mình bên dòng sông Thạch Hãn đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc.
|
Khác với các điểm di tích lịch sử quốc gia, Thành cổ Quảng Trị mang đến cho chúng tôi niềm cảm xúc dâng trào, bởi đây không chỉ là điểm di tích lịch sử mà còn được biết đến là nghĩa trang không có những nấm mồ (chỉ có Đài tưởng niệm trung tâm được xem là biểu tượng của nấm mồ tập thể) khi máu xương của các anh đã hòa vào lòng đất mẹ…
Ngôi mô tập thể của các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại đây được thiết kế theo quan niệm triết lý âm dương (hình bát quái). Ở giữa 2 phần âm và dương được đặt 1 lư hương (tầng lưỡng nghi) để du khách khi đến với Thành cổ có thể thắp nhang cầu mong linh hồn các anh về với cõi vĩnh hằng. Bên ngoài tầng lưỡng nghi là 81 bức phù điêu và 81 tờ lịch ghi lại từng ngày của cuộc chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị theo chiều ngược kim đồng hồ.
Theo hướng dẫn của anh thuyết minh viên khu di tích, chúng tôi nhẹ bước đặt vòng hoa lên Đài tưởng niệm, thắp nén nhang thơm tri ân các anh hùng liệt sĩ. Trong khói hương nghi ngút, tôi nghe như có tiếng hô vang tranh đấu quyết giữ vững Thành cổ của những chiến sĩ giải phóng quân quả cảm của ta.
|
Đứng trên mảnh đất mà 45 năm trước đầy máu và lửa giờ đây là những thảm cỏ xanh rờn trải rộng hòa lẫn xương máu của các anh, lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước và những xúc cảm cứ dâng trào mãnh liệt. “Cỏ non Thành cổ, một màu xanh non tơ. Bình minh Thành cổ, cỏ mềm theo gió đung đưa… Nào ai có ngờ, nơi đây một thời máu đổ. Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ, khi chồng con không trở về. Cho tôi hôm nay vào Thành cổ, thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ. Cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình với người hy sinh cho hạnh phúc quê mình”. Từng ca từ sâu lắng và thiết tha của bài hát Cỏ non Thành cổ của nhạc sĩ Tân Huyền đưa bao người về miền ký ức một thời hoa lửa, kết nối quá khứ với hiện tại như nhắc nhở mỗi người luôn ghi nhớ và trân quý những gì mà thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh.
Thành cổ Quảng Trị được xây dựng dưới triều nhà Nguyễn. Năm 1809, Vua Gia Long cho đắp bằng đất. Năm 1837, Vua Minh Mạng cho xây bằng gạch. 4 góc tường thành nhô hẳn ra bên ngoài để làm pháo đài canh giữ, chu vi thành trên 2.160m, diện tích nội thành 16ha, tường thành cao 4 m, xung quanh có hào thành, có 4 cửa Đông-Tây-Nam-Bắc.
Sau khi đặt chính quyền bảo hộ ở Trung Kỳ, thực dân Pháp cho xây dựng một hệ thống nhà lao kiên cố ở phía Đông Bắc Thành cổ làm nơi biệt giam các chiến sĩ cộng sản. Từ năm 1929 đến đầu năm 1972, hàng ngàn chiến sĩ cộng sản và đồng bào yêu nước của ta đã bị giam cầm ở đây.
Thời Mỹ Ngụy, Thành cổ Quảng Trị là một tiểu khu quân sự mạnh nên trong Thành có trận địa hỏa lực và nhiều trại lính.
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết năm 1954, đất nước ta bị chia cắt làm 2 miền. Tỉnh Quảng Trị trở thành địa đầu giới tuyến, có vị trí sống còn với đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam; vừa là bàn đạp để thực hiện âm mưu Bắc tiến, vừa là lá chắn để bảo vệ “biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17” như Ngô Đình Diệm từng tuyên bố.
Năm 1972, nhận thấy thời cơ đã đến, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định mở chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Ngày 1/5/1972, cờ cách mạng đã tung bay trên nóc dinh tỉnh trưởng ở thị xã Quảng Trị và tỉnh Quảng Trị cơ bản được giải phóng.
Sau khi để mất tỉnh Quảng Trị, đến cuối tháng 6/1972, Mỹ-Ngụy đã điên cuồng mở cuộc phản kích tái chiếm tỉnh Quảng Trị, trong đó mục tiêu số 1 là phải chiếm được Thành cổ Quảng Trị vì chúng cho rằng: Chiếm được Thành cổ là cơ bản chiếm được tỉnh Quảng Trị, tạo ta sức nặng để mặc cả với ta trên bàn Hội nghị Pari.
Thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm (28/6/1972-16/9/1972) được ví như một túi bom. Trung bình mỗi ngày địch huy động 150-170 lần máy bay phản lực, 70-90 lần B52 để ném bom hủy diệt thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, trong 81 ngày đêm khói lửa, mảnh đất kiên cường này đã gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ giải phóng phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo…
Bằng cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường của quân và dân ta chống trả lại những đợt phản kích tái chiếm của địch trong suốt 81 ngày đêm năm 1972 để bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị…
Năm 1972, ta ra lệnh tổng động viên nên phần lớn các chiến sĩ của chúng ta tham gia chiến đấu ở chiến trường thị xã và Thành cổ Quảng Trị đều còn rất trẻ. Nếu ai đã từng đến Bảo tàng Thành cổ, chắc hẳn không thể không bị ám ảnh bởi bức ảnh “nụ cười thách thức bom đạn” của những chiến sĩ tuổi đời còn khá trẻ với niềm hạnh phúc khi được trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ Thành cổ, dù sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Và chắc chắn ai đã từng đến đây cũng sẽ không ai kìm được nước mắt khi được nhìn lại những di vật, xem những lá thư của các liệt sĩ gửi cho gia đình...
Đôi mắt mỗi người chúng tôi ai cũng đỏ hoe khi nghe anh thuyết minh viên khu di tích giọng Quảng Trị kể về câu chuyện của liệt sĩ Lê Binh Chủng ở Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An): Năm 1970, trên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu, anh Chủng có ghé qua miền Tây Quảng Bình. Tại đây, anh có quen và yêu chị Phạm Thị Biển Khơi. Đơn vị đã đứng ra tổ chức lễ cưới cho 2 người và sau đó anh Chủng tiếp tục vào chiến trường Quảng Trị tham gia cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và anh đã hy sinh tại đây. Ở quê nhà, chị Khơi sinh được cháu trai đặt tên là Lê Quảng An (Quảng Bình-Nghệ An). Sau khi nhận được tin anh Chủng hy sinh, chị Khơi đã mang con về quê nội. Nhưng đáng tiếc là chị Khơi và con trai lúc này chưa được gia đình bên chồng thừa nhận vì trước đó không nghe được tin con trai mình đã lấy vợ. Chị Khơi lại đưa con về quê ngoại sinh sống. Mãi đến năm 2000, sau khi nhận được di vật của anh Chủng, gia đình mới nhận con dâu và cháu nội…
Hay như chuyện về liệt sĩ Lê Văn Huỳnh ở huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình). Như biết trước sẽ hy sinh, anh Huỳnh đã tự tay khắc cho mình một tấm bia ghi rõ họ tên, quê quán, ngày tháng năm sinh... Và rồi anh còn viết cả những bức thư đầy xúc động, trách nhiệm với gia đình, quê hương, đất nước gửi cho mẹ và vợ (vợ mới cưới được 6 ngày trước khi anh lên đường vào chiến đấu ở Quảng Trị) với tinh thần bất khuất và tình cảm thiêng liêng khiến chúng tôi nhói lòng.
Các anh đã chiến đấu và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Máu, xương của các anh đã thấm đẫm vào từng tấc đất, cành cây, ngọn cỏ nơi đây. Ngày nay, mảnh đất một thời hoa lửa từng bước được hồi sinh. Hàng ngày có biết bao con người từ mọi miền đất nước về đây thắp nén thang thơm tưởng nhớ đến các anh với lòng cảm phục và xót thương vô hạn.
|
Trong dòng người vào thăm viếng, thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính và tri ân các anh, dường như ai cũng ý thức được sự linh thiêng khi đến với nghĩa trang không một nấm mồ này, đúng như những vần thơ giàu hình tượng và đầy cảm xúc mà cựu chiến binh Phạm Đình Lân - người trực tiếp cầm súng trong chiến trường Thành cổ đã bộc bạch và nhắn nhủ:
“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây.
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào”.
Đúng là mỗi tấc đất ngay trong lòng Thành cổ là một cuộc đời có thật! Về với không gian linh thiêng, miền đất hào hùng và bi tráng của một thời hoa lửa, chúng tôi xin được kính cẩn nghiêng mình trước hương hồn các liệt sĩ, thắp nén nhang thơm tưởng nhớ đến những người mãi mãi nằm lại ở Thành cổ với lòng thành kính và biết ơn vô hạn.
Bài, ảnh: Tú Quyên