19/06/2022 13:03
|
Tại Hội nghị, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành ở TP.HCM đề xuất các tỉnh Tây Nguyên cần quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch trong tỉnh, liên tỉnh; kêu gọi, thu hút đầu tư hạ tầng du lịch lưu trú, dịch vụ ăn uống đạt chuẩn để phục vụ du khách; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nâng cao nhận thức người dân trong hoạt động du lịch cộng đồng; phát huy vai trò của Hiệp hội du lịch, doanh nghiệp địa phương để triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
Để du lịch Tây Nguyên phát triển và liên kết với TP.HCM hiệu quả, thời gian tới, các tỉnh cần chung tay bảo tồn những giá trị sẵn có. Bên cạnh đó, xây dựng thêm các sản phẩm du lịch như công viên rừng, công viên chuyên đề, làng du lịch, chợ đêm... để du khách tham quan, mua sắm sản vật địa phương. Đại diện các doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM giới thiệu về 2 chương trình du lịch trọng điểm, kết nối TP.HCM với các tỉnh Tây Nguyên; gồm tuyến du lịch Lâm Đồng - Đắk Nông - Đắk Lắk và tuyến du lịch Đắk Lắk - Gia Lai - Kon Tum.
Ông Võ Anh Tài- Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group cho rằng: Hiện nay, liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên đang trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19. Để việc liên kết phát huy hiệu quả thì TP. HCM và các tỉnh Tây Nguyên phải có sản phẩm, thương hiệu chung. Song song với đó, mỗi tỉnh Tây Nguyên phải có các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc riêng, tạo điểm nhấn, không trùng lặp với các tỉnh khác. Bởi, trong bối cảnh du khách có nhiều sự lựa chọn thì phải lấy bản sắc, cái hiếm có của mình để phát triển, tạo sản phẩm để du khách chọn đến với mình.
Bà Trần Thị Minh Thảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hồng Ngọc Hà cho hay, hiện các đơn vị làm du lịch của các tỉnh còn thiếu thông tin quảng bá du lịch của các địa phương (về các cảnh quang thiên nhiên, di tích lịch sử- văn hóa, về ẩm thực, truyền thống văn hóa… của các địa phương). Các tỉnh chưa có sản phẩm du lịch rõ ràng theo chủ đề. Trong thời gian tới, các tỉnh Tây Nguyên cần định hướng những sản phẩm theo chuyên đề, kết hợp với các công ty du lịch quảng bá sản phẩm.
Ông Trần Thế Dũng- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành Fiditour cho chia sẻ, rất khó khăn tìm nguồn khách để đưa lên Tây Nguyên. Nhiều người chỉ đi Tây Nguyên một lần cho biết chứ không muốn quay lại. Nguyên nhân là do du lịch vùng này thiếu điểm đến hấp dẫn, những nét văn hóa bản sắc của Tây Nguyên dần mai một, “biến dạng”, trong khi khách đòi hỏi “tính nguyên bản”; di chuyển nhiều, đường xa làm du khách mệt mỏi cũng là một trong những yếu tố làm cho du khách ngại đến với Tây Nguyên.
Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn UBND tỉnh và Sở VH,TTDL các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ dịch vụ, nguồn nhân lực để tăng cường liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp TP.HCM đưa khách đến với Tây Nguyên nhiều hơn.
Bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh, trong thời gian tới, lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên cần bàn bạc nhiều nội dung cụ thể để phát triển du lịch, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương. Các doanh nghiệp TP.HCM sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực du lịch các tỉnh Tây Nguyên; hỗ trợ ngành du lịch các tỉnh đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, hấp dẫn, nhằm thu hút du khách đến địa phương nhiều hơn. Lãnh đạo các tỉnh cần có những chính sách, thông tin quy hoạch rõ ràng, nhu cầu đầu tư, danh mục kêu gọi để các doanh nghiệp TP.HCM có điều kiện tiếp cận, cùng chung tay xây dựng các sản phảm du lịch, vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, vừa phù hợp với đặc trưng của Tây Nguyên…
Đại diện 5 tỉnh Tây Nguyên và TP.HCM thống nhất hợp tác phát triển du lịch trong giai đoạn tới, tập trung vào 4 nội dung quan trọng: Phối hợp triển khai các nội dung nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch thông qua các chương trình trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quản trị các tình huống trong quản lý du lịch; tăng cường các hoạt động liên kết giữa các địa phương và hoạt động liên kết vùng để tạo nên các sản phẩm, chính sách chung, nhằm tạo ra những sản phẩm phù hợp cho khách du lịch để trải nghiệm “Một hành trình - nhiều điểm đến”; phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông, tái khởi động ngành du lịch với thông điệp “Du lịch an toàn”, “An toàn trong từng trải nghiệm”, tăng cường công tác quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các lớp chuyên đề “Quản trị rủi ro và các giải pháp khắc phục rủi ro trong du lịch” nhằm nâng cao nhận thức và định hướng phát triển du lịch cho đội ngũ cán bộ ngành và doanh nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên.
Cao Cường