Lan tỏa những giá trị văn hóa đến với du khách

06/08/2024 13:14

Gắn giá trị văn hóa với phát triển du lịch, lan tỏa những giá trị văn hóa đến du khách, Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen ngày càng thu hút đông đảo du khách.

Đến với Măng Đen, du khách không chỉ được thư giãn bên đồi thông trầm mặc, sương mù lãng đãng, khí hậu mát lạnh, trong lành, thăm những thắng cảnh “ba thác, bảy hồ”, chùa Khánh Lâm, Đức mẹ Măng Đen, Ê Ban Farm…, mà còn được đắm mình trong văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào DTTS.

Trong một lần đến Măng Đen, tôi về làng Kon Chênh, xã Măng Cành xem người dân tổ chức diễn cồng chiêng, múa xoang. Giữa không gian lãng đãng khói sương của đại ngàn, tiếng cồng chiêng với sự phối âm tà vẩu, trống, tạo nên một giai điệu mê hoặc.

Trong các nhạc cụ truyền thống góp phần làm mê hoặc du khách ở làng Kon Chênh, tôi thật sự ấn tượng bởi tiếng tà vẩu. Chỉ một ống nứa ngắn (giữa ống nứa có một khe nhỏ hình chữ nhật gắn một thanh nứa mỏng – “lưỡi” tà vẩu) nhưng qua làn hơi thổi của các nghệ nhân A Nuông, A Lễ, âm thanh phát ra lúc du dương, lúc trầm bổng, hào hùng theo nhịp điệu cồng chiêng. Tiếng tà vẩu như tiếng gọi của núi rừng, làm cho không khí lễ hội thêm tưng bừng, vui nhộn.

Lan tỏa giá trị văn hóa đến với du khách tại Ê Ban Farm. Ảnh: V.N

 

“Với người Mơ Nâm, khi dân làng tổ chức lễ hội, đánh cồng chiêng, múa xoang và việc thổi tà vẩu phối âm với tiếng cồng chiêng, trống có sức lôi cuốn người nghe, người xem hơn. Dân làng có thể vui thâu đêm bên ché rượu cần khi có tiếng tà vẩu”- nghệ nhân A Nuông chia sẻ.

Phát huy giá trị văn hóa trong phát triển du lịch, nhiều làng du lịch cộng đồng còn tạo được nét riêng. Tại Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo ở xã Đăk Tăng, trong vườn nhà dân hay dọc theo lối đi ở làng dân treo, trồng lan rừng. Từ cổng làng đến cổng vào các homestay đều làm bằng gỗ. Phát huy lợi thế từ thiên nhiên và các giá trị văn hóa truyền thống như rượu cần, cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca, làng Vi Rơ Ngheo ngày càng thu hút du khách. 

“Thực hiện chủ trương của huyện, xã, làng Vi Rơ Ngheo luôn có ý thức giữ gìn những hội truyền thống để giới thiệu với du khách khi có dịp. Gắn việc giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống với kinh doanh du lịch, làng Vi Rơ Ngheo góp phần xây dựng một không gian xanh thanh bình, một nơi đáng sống để thu hút du khách trong và ngoài nước. Vì vậy, mặc dù mới thành lập, nhưng du khách trong và ngoài nước biết đến Vi Rơ Ngheo” -  A Hiền, Giám đốc Hợp tác xã Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo bộc bạch.

Cũng như Vi Rơ Ngheo, Làng du lịch cộng đồng Kon Pring, thị trấn Măng Đen tạo được ấn tượng với du khách khi gắn với các yếu tố văn hóa truyền thống trong kinh doanh. Từ một người không hiểu gì về kinh doanh du lịch, chỉ có lòng đam mê cồng chiêng, múa xoang, nghệ nhân Y Lim (làng Kon Pring) đã đưa hoạt động kinh doanh của làng trở nên nhộn nhịp. “Cầm trịch” đội cồng chiêng, múa xoang của làng, lại khéo tay chế biến các món ẩm thực truyền thống của người Mơ Nâm, nghệ nhân Y Lim tạo được ấn tượng với du khách. Từ 1-2 homestay ban đầu, đến nay, làng Kon Pring có 5 homestay. Cái tên Kon Pring đang trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước.

A Hiền - Giám đốc Hợp tác xã Làng Du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo giới thiệu lan tại vườn nhà với du khách. Ảnh: VN

 

Đến Măng Đen hay một số thôn, làng ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, chúng ta còn bắt gặp những tượng gỗ sống động, diễn tả đời sống, sinh hoạt người dân và cộng đồng khá ấn tượng, đang có mặt nhiều ở điểm đến.

“Từ nhà mồ, các tượng gỗ tham gia vào các hoạt động văn hóa. Ngày nay, các tượng gỗ ở các điểm đến cho du khách tìm hiểu thêm về đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng dân gian và thế giới tâm linh của cộng đồng”- nghệ nhân A Gông (làng Kon Gu, xã Măng Cành) cho biết. 

Theo ông Phạm Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, trong những năm qua, nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các DTTS tại chỗ, các cấp chính quyền ở địa phương tiếp tục củng cố, duy trì hoạt động các đội cồng chiêng ở các thôn, làng. Đồng thời, hằng năm huyện tổ chức các hoạt động: chế tác nhạc cụ dân tộc, giao lưu cồng chiêng các DTTS trên địa bàn, tạc tượng gỗ dân gian các dân tộc để trưng bày tại vườn tượng thác Pa Sĩ và Làng du lịch cộng đồng Kon Pring. Cùng với đó, huyện tiếp tục truyền dạy và duy trì phát triển các nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm; tôn vinh các nghệ nhân để họ tiếp tục có những đóng góp xứng đáng hơn nữa trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, du lịch.

Từ những thành công bước đầu trong việc lan tỏa những giá trị văn hóa đến với du khách là điều đáng ghi nhận ở Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen. Tuy nhiên, nói như một du khách ở Hà Nội mà tôi từng nghe khi đến tham quan ở Măng Đen: “Cần có một cuộc hội thảo mời các chuyên gia du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn để đánh giá, rút kinh nghiệm, tiếp tục lan tỏa những giá trị văn hóa đến với du khách để thu hút và giữ chân du khách”.

Và tôi nghĩ du khách này đã nói đúng!

Văn Nhiên

Chuyên mục khác