29/08/2023 13:01
Để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, từ năm 2017 đến nay, Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện Kon Rẫy đã phối hợp với các xã, thị trấn, các đơn vị trường học tổ chức được 16 lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho 400 học viên là thanh thiếu niên DTTS. Tham gia lớp học, các học viên được những nghệ nhân truyền dạy kiến thức, kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, múa xoang. Sau khi hoàn thành, mỗi lớp có thể diễn tấu từ 2-3 bài cồng chiêng, múa xoang của chính dân tộc mình thường được dùng trong các lễ hội của buôn làng.
|
Từ nhiều năm nay, nghệ nhân Y Thanh đảm nhiệm vai trò truyền dạy múa xoang cho các em học sinh tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Đăk Kôi. Chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân Y Thanh cho hay: “Xoang là điệu múa mang tính cộng đồng và ai cũng có thể tham gia. Ở đâu có lễ hội và tiếng cồng chiêng vang lên là ở đó có điệu múa xoang. Đầu tiên phải giúp các em nhận biết được cách đi xoang như thế nào, cử chỉ, điệu bộ ra sao. Có thể lúc đầu còn lộn xộn, các động tác xoang còn vụng về, lúng túng nên người dạy phải kiên trì theo dõi và uốn nắn cho các em. Trong quá trình tập luyện cho các em, ngoài việc dạy các điệu múa xoang thì tôi luôn cố gắng tạo nên nguồn cảm hứng để thế hệ trẻ cùng chung tay bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc ngay tại mảnh đất mình sinh ra”.
Em Y Mẫn - học sinh Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS xã Đăk Kôi là một trong những học viên có năng khiếu và đam mê múa xoang. Y Mẫn cho biết: “Em rất vui khi được các nghệ nhân truyền dạy điệu múa xoang truyền thống của dân tộc mình. Được mặc bộ trang phục truyền thống và thực hiện các điệu múa xoang em rất tự hào. Bản thân em sẽ tiếp thu và thực hiện tốt hơn nữa các điệu múa xoang để không chỉ góp phần gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hoá mà còn để truyền đạt lại cho các em của mình sau này”.
Vào tối thứ năm và thứ bảy hàng tuần, sân nhà rông thôn 8, xã Đăk Tờ Re lại rộn ràng hơn bởi âm thanh của cồng chiêng cùng những nhịp xoang. Trong tiếng cồng chiêng rộn ràng, nghệ nhân Y Đưi say sưa hướng dẫn các cô gái những điệu xoang uyển chuyển của người Ba Na.
|
“Muốn múa xoang đẹp phải có bàn tay mềm, nhẹ; phần eo, mông thì phải uyển chuyển và gương mặt phải thật sự biểu cảm. Bao đời nay, người trong làng vẫn lưu giữ điệu múa xoang truyền thống. Vì vậy, để góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống đó tôi luôn cố gắng hết mình để truyền dạy những điệu múa xoang cho các thiếu nữ trong làng. Tôi hy vọng từ những gì học được các em sẽ tiếp nối để giữ gìn và truyền lại văn hoá cho thế hệ sau”.
Ông Huỳnh Quốc Thái – Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re cho biết, thời gian qua, xã đã phối hợp với Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện mở 6 lớp dạy cồng chiêng, múa xoang. Bên cạnh đó các già làng, nghệ nhân trên địa bàn xã luôn tích cực truyền dạy cách đánh cồng chiêng, múa xoang cho thế hệ trẻ. Hiện xã đang duy trì 10 đội cồng chiêng, múa xoang tại 7 thôn đồng bào DTTS.
Theo ông Trần Minh Quang - Giám đốc Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện Kon Rẫy, việc mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang trên địa bàn huyện đã góp phần bảo tồn và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng, múa xoang. Các lớp truyền dạy đã hoạt động tích cực, hiệu quả và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư.
Thu Hiền