Kon Plông: Tiềm năng từ phát triển du lịch nông nghiệp

07/07/2018 07:31

Có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là các loại rau củ quả xứ lạnh, Măng Đen (huyện Kon Plông) được xác định là vùng trọng điểm để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trên nền tảng đó, Măng Đen được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp – loại hình du lịch được đánh giá là khá mới mẻ, góp phần phong phú thêm các sản phẩm du lịch của vùng đất này.

Tiềm năng lớn

Phát triển tiềm năng sẵn có của địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển rau, hoa, quả và các loại cây trồng khác gắn với du lịch sinh thái huyện Kon Plông đến năm 2015 với diện tích 1.392ha; đồng thời mở rộng quy hoạch phát triển vùng nông nghiệp cao Măng Đen với quy mô hơn 10.000ha.

Quy hoạch đã được phê duyệt, địa phương cũng ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, toàn huyện đã thu hút được trên 80 dự án triển khai thực hiện.

Trong đó, có thể kể tên một số dự án quy mô lớn, kinh phí đầu tư hàng nghìn tỷ đồng như: Dự án quản lý, bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, trồng, phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao của Công ty CP Dược liệu và thực phẩm Măng Đen với quy mô 1.350ha - tổng mức đầu tư của dự án 5.100 tỷ đồng; dự án nông trại hữu cơ của Công ty TNHH Kon Tum Bellest liên doanh với Hàn Quốc với quy mô 100ha - tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng; dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Đông Phương liên doanh với Nhật Bản đang được triển khai thực hiện. Và trong thời gian tới, Công ty Vin Eco – thuộc Tập đoàn Vin Group đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao với quy mô dự án 1.000ha - tổng mức đầu tư của dự án 1.000 tỷ đồng…

Du khách tham quan mô hình trồng dâu tây ở Măng Đen. Ảnh: N.P

 

Ngoài những dự án đang triển khai thực hiện, hiện nay, huyện đã quy hoạch 170ha đất để thành lập Ban quản lý nông nghiệp công nghệ cao cấp tỉnh tại Măng Đen, đồng thời mở rộng diện tích phát triển rau, hoa, củ, quả xứ lạnh từ 1.392ha lên 3.000ha để tiếp tục kêu gọi đầu tư vào vùng du lịch sinh thái Măng Đen.

Các dự án nông nghiệp công nghệ cao được đầu tư mạnh ở Măng Đen trong những năm qua cộng với cảnh quan, các sản vật thiên nhiên ban tặng và các món ẩm thực truyền thống… chính là tiềm năng lớn cho vùng đất này phát triển du lịch nông nghiệp.

Chị Trân – một kỹ sư nông nghiệp của tỉnh Bình Định đã lặn lội đến với Măng Đen chỉ để du lịch nông nghiệp. Chị đã không khỏi trầm trồ trước sự đầu tư bài bản, trước vẻ đẹp của lao động, trước những vườn cây trái  giống ngoại nhập, xanh mướt, siêu trái, siêu ngon.

Vừa tham quan, học hỏi, chị vừa tranh thủ mua một số sản phẩm nông nghiệp nơi đây. Chị Trân nhận xét, từ các trang trại phát triển nông nghiệp công nghệ cao cộng với các sản vật tự nhiên (sim rừng, rau rừng….), ẩm thực truyền thống độc đáo (cơm lam, gà nướng…) của vùng đất này là tiềm năng lớn để phát triển du lịch nông nghiệp, nếu biết tận dụng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khai thác tiềm năng

Trên nền tảng nhiều dự án nông nghiệp được đầu tư với quy mô lớn, hiện đại như vậy đã dần trở thành sản phẩm du lịch nông nghiệp độc đáo, thu hút nhiều du khách đến Măng Đen.

Từ đây, nhiều người biết nhiều hơn đến các sản phẩm rau, hoa, củ quả vùng Măng Đen. Và khi nhiều người biết đến, tìm đến và mua, sử dụng sản phẩm chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội đầu ra cho sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao giá trị lợi nhuận trên một đơn vị diện tích. Măng Đen sẽ thu hút thêm nhiều dự án đầu tư và khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Cũng từ đây, người dân vùng Kon Plông có thể làm giàu trên chính quê hương mình..

Hơn nữa, khi du lịch nông nghiệp phát triển sẽ góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch. Du khách khi đến với Măng Đen có thêm nhiều sự lựa chọn. Ngoài các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch tâm linh…, du khách có thêm du lịch nông nghiệp. Sản phẩm du lịch của Kon Plông trở nên đa dạng, có nhiều nơi để đến, nhiều điểm để đi, chắc hẳn sẽ kéo dài thời gian du khách ở lại với Măng Đen, góp phần phát triển du lịch bền vững.

Tuy nhiên, phát triển du lịch nông nghiệp vẫn còn những khó khăn nhất định. Các doanh nghiệp dù làm nông nghiệp nhưng lại chưa thật sự chú trọng đến việc phát triển du lịch nông nghiệp. Chính vì vậy, du lịch nông nghiệp nơi đây còn mang tính tự phát, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Như đã nói, phát triển du lịch nông nghiệp là góp phần phát triển du lịch ở Kon Plông thêm bền vững. Không để tiềm năng vẫn mãi chỉ là tiềm năng, phát triển du lịch nông nghiệp ở Kon Plông vì thế cần bước qua những rào cản, có những bước đi bài bản, mang tính hiệu quả, thực tiễn cao.

Nguyên Phúc 

Chuyên mục khác